Theo ông Phi: "Việt Nam là nước sản xuất lúa và xuất khẩu gạo đi Trung Quốc rất thuận tiện. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt nói với tôi là việc xuất khẩu gạo đi Trung Quốc rất khó khăn nhưng tôi thấy nếu nói thế cũng không phải, vì có thể xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Mỹ... còn khó khăn hơn.
Ngày trước các doanh nghiệp Việt thường xuất khẩu hàng sang Trung Quốc qua biên mậu, dân Việt Nam cũng quen cách làm này nhưng đến giờ không được, chúng ta phải tuân theo quy định của Hải quan Trung Quốc.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt không hiểu thị trường Trung Quốc mà tôi là doanh nghiệp Trung Quốc thường xuyên làm ăn với bạn hàng Việt Nam nhiều khi cũng không hiểu hết được. Khi xuất khẩu gạo và các mặt hàng vào Trung Quốc cần phải có mã của hải quan mới đưa hàng vào được, năm nay bên Trung Quốc thông tin cho chúng tôi cần 800.000 tần gạo nhưng do đơn vị của tôi không có mã nên không đưa hàng về được. Trong tháng 11 hoặc muộn nhất là đến tháng 12 tới chúng tôi mới được cấp mã và xuất khẩu được hàng".
"Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu giữa 2 nước phải tăng cường hợp tác. Khi đối tác Trung Quốc yêu cầu hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu thì một doanh nghiệp nhỏ khó có thể làm mà chúng ta phải hợp tác và cần nhiều đơn vị cùng thực hiện sẽ hoàn thiện thủ tục nhanh hơn.
Thứ 2 tôi đề nghị các doanh nghiệp Việt cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc để tránh trường hợp không hiểu thị trường khi chúng ta đưa hàng lên biên giới lại phải quay đầu sẽ rất tốn kém và thiệt hại.
Thứ 3 là theo tôi biết Trung Quốc mỗi năm cần nhập khẩu 5 triệu tấn gạo nhưng có đến 90% là gạo thường, phổ thông và vài phân trăm là gạo cao cấp. Theo đó, khi đàm phán các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị hồ sơ chào hàng theo nhu cầu của đối tác sẽ dễ thành công hơn", ông Phi tiết lộ.
22 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc
Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 43 đến 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 đến 23 triệu tấn gạo, với trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, 15% sản lượng gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước hàng năm.
Là một trong số ít các nước vẫn giữ được đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo (năm sau cao hơn năm trước), trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.
Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đi theo hướng sạch, bền vững. Cụ thể, doanh nghiệp, nông dân tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang tăng sử dụng các chế phẩm sinh học, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, cám, phân hữu cơ. Qua đó, hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, chú trọng phấn đấu đến năm 2030 sẽ giảm 50% phát thải khí mê tan.
Về thị trường, ông Hòa cho rằng, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,…
"Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.
Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này. Mỗi năm, Trung Quốc cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn.
Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn, nhưng nay, số lượng sẽ giảm đi. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp", ông Hòa nói.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản khẳng định, bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn. Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật,…của thị trường nhập khẩu.