Tỉnh Cà Mau có diện tích hơn 94.000ha rừng, chủ yếu là rừng ngập nước. Rừng không chỉ là lá phổi xanh của riêng tỉnh Cà Mau mà còn là của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước sự tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, công tác quản lý, bảo vệ rừng là cần thiết và được ưu tiên hơn bao giờ hết. Trong đó, việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong những nhiệm vụ quan trọng đượclãnh đạo tỉnh Cà Mau quan tâm thường xuyên và triển khai nhiều giải pháp thực hiện.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ có diện tích hơn 8.500ha, là một trong 2 vườn Quốc gia của tỉnh Cà Mau và là một trong 3 điểm bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 25/06/2009, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Vườn Quốc gia U Minh Hạ với hệ sinh thái rừng tràm hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn, trên đất than bùn.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn được xem là nơi có diện tích hệ sinh thái đất than bùn lớn, với độ dày từ 0,5m đến 1,5m trên diện tích 2.658 ha, chiếm 31%.
Nơi đây có sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng ngập lợ, là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú quý hiếm, có giá trị khoa học được ghi vào sách đỏ Việt Nam cùng nhiều loài chim đang bị đe doạ tuyệt chủng trên thế giới và nhiều loài động vật thông thường.
Loài thực vật bèo phát triển tốt trên mặt nước, len lỏi dưới các gốc tràm tạo nên thảm xanh độc đáo giữa rừng tràm U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) là một trong những điểm mới lạ trong phát triển du lịch sinh thái tại đây.
Theo nghi nhận tại rừng có hơn 100 loài thực vật, gần 200 loài động vật gồm thú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá nước ngọt. Từ trước đến nay, công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia U Minh Hạ được lãnh đạo tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp thực hiện xuyên suốt, bằng nhiều hoạt động cụ thể.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo tồn rừng trước hết là nâng cao ý thức của cộng động dân cư. Vườn Quốc gia U Minh Hạ phối hợp cùng các đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền qua các cơ quan thông tin đại chúng về bảo vệ rừng và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó, tập trung nhất là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Quy chế quản lý các khu rừng đặc dụng, phổ biến phạm vi, ranh giới, các phân khu chức năng, mục tiêu và các chương trình hoạt động của Vườn Quốc gia.
Bảo tồn đa dạng sinh học rừng là điều kiện quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ Nguyễn Văn Liêm, thông tin: “Công tác bảo tồn gắn liền với quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền thì các lực lượng bảo vệ quản lý rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát những hành vi có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái hoặc khai thác rừng trái phép.
Vận động nhân dân trên vùng đệm thực hiện tốt việc di dời ổn định dân cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Chủ động xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng (PCCCR). Đồng thời, nâng cao ý thức, nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và bảo vệ các loài động vật hoang dã trong Vườn Quốc gia.
Hàng năm, Vườn Quốc gia U Minh Hạ tổ chức trồng lại rừng ở những diện tích đất trống, những nơi cây rừng bị chết.
Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang tiếp nhận và chuẩn bị trồng phục hồi 40ha rừng trong phân khu phục hồi sinh thái. Bên cạnh đó, thực hiện phát dọn ranh giới khu Vườn Quốc gia U Minh Hạ ngoài thực địa.
Mới đây, Vườn Quốc gia U Minh Hạ phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức thả các cá thể động vật hoang dã về lại rừng do người dân tự nguyện giao nộp và cơ quan kiểm lâm phát hiện”.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau tổ chức thả các cá thể động vật hoang dã về lại rừng.
Nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và các loài thông thường lưu trú tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau.
“Bảo tồn sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia U Minh Hạ là bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trọng tâm là bảo tồn những giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, phục hồi, duy trì và phát triển độ che phủ thảm thực vật.
Thực hiện các kỹ thuật lâm sinh tạo điều kiện cho hệ động thực vật phát triển. Song song đó là phát triển du lịch sinh thái, đảm bảo cuộc sống của cộng đồng sống xung quanh Vườn Quốc gia U Minh Hạ”, Trưởng phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia U Minh Hạ Nguyễn Tấn Truyền, cho biết thêm.
Với phương châm “bảo tồn để phát triển và phát triển để có điều kiện bảo tồn tốt hơn”, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã, đang và sẽ định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và giữ gìn rừng trên cơ sở tận dụng những điều kiện tự nhiên sẵn có.
“Vườn Quốc gia U Minh Hạ là vùng đất ngập nước đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với địa thế sinh thái rừng tràm nguyên sinh phát triển trên đất than bùn. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng với địa thế đất than bùn được xem như kho dữ trự carbon có giá trị khoa học lớn.
Từ lâu, nhiệm vụ quan trọng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ là quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh để các loại sinh vật trong rừng có thể tồn tại và phát triển. Thời gian tới, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ sẽ triển khai thực hiện song song, kết hợp nhiệm vụ quản lý bảo vệ với phát triển du lịch sinh thái rừng để vừa đảm bảo nhu cầu phát triển, vừa hài hòa nhiệm vụ bảo tồn cũng như gìn giữ sự đa dạng sinh học của rừng.
Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số vào các nhiệm vụ quan trọng như PCCC rừng, nghiên cứu khoa học, phục hồi sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học”, Trưởng phòng Du lịch sinh thái - Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia U Minh Hạ Nguyễn Tấn Truyền thông tin.