Dân Việt

Thị trường cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn nhiều khó khăn

Trần Khánh 21/11/2022 14:10 GMT+7
Thị trường đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tại Diễn đàn đối thoại về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 21/11.

Diễn đàn đối thoại về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị là chương trình nhằm ghi nhận ý kiến các bên liên quan trước khi Bộ NNPTNT sơ kết 3 năm triển khai Nghị định 109 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn

Ông Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An cho biết một khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay là khâu quản lý liên vùng chưa tốt.

Sản phẩm của ông xuất khẩu đi Nhật Bản bị vướng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật một cách bị động. Nghĩa là, sản phẩm của ông bị nhiễm chéo dư lượng từ các hộ liền kề, khiến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bị ảnh hưởng khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Diễn đàn đối thoại về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 21/11. Ảnh: Trần Khánh

Diễn đàn đối thoại về phát triển nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị, do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 21/11. Ảnh: Trần Khánh

Tại Đồng Nai, HTX Nông nghiệp Lâm San chủ yếu xuất khẩu hồ tiêu sạch sang thị trường châu Âu. Cách làm của HTX Lâm San là sản xuất nông nghiệp sinh thái, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San cho rằng, Việt Nam có Nghị định về nông nghiệp hữu cơ là tốt. Tuy nhiên, sau 3 năm, tinh thần của Nghị định 109 chưa được hiểu đúng nên hiệu quả phát triển nông nghiệp hữu cơ còn chậm.

Từ cách làm của mình, HTX Lâm San cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ không khó. Ông Luân nhấn mạnh, thị trường mới là yếu tố quyết định. Từ yêu cầu của thị trường, các tiêu chuẩn sẽ đặt ra để sản xuất sao cho phù hợp.

"Và khi sản xuất chưa đảm bảo thì cơ chế, chính sách sẽ hỗ trợ nông dân làm đúng, từ đó thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển hơn", ông Luân nói.

Sản xuất tiêu sạch xuất khẩu đi châu Âu ở HTX nông nghiệp Lâm San, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Sản xuất tiêu sạch xuất khẩu đi châu Âu ở HTX nông nghiệp Lâm San, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Bà Nguyễn Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam cho biết, đất làm nông nghiệp hữu cơ đang bị ngành bất động sản gây áp lực.

Theo bà Minh, các doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ đang cảm thấy rất bất an khi đất thuê đã được cải tạo nhưng rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy mua bán đất. Nhiều nơi vùng sâu vùng xa của Lâm Đồng cũng có nguy cơ bị bán.

"Thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung nhiều giải pháp, phát triển hơn thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tàu trong việc kết nối, chia sẻ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị", ông Toản chia sẻ.

"Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị trong thời gian chuyển đổi đất canh tác từ vô cơ sang hữu cơ; đồng thời hỗ trợ phát triển thị trường cho nông nghiệp hữu cơ", bà Minh đề nghị.

Phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia thừa nhận, thị trường cho nông nghiệp hữu cơ vẫn đang là vấn đề khó.

Nếu không có thị trường cho sản phẩm hữu cơ thì thà đừng làm nông nghiệp hữu cơ. Bởi vì, sản phẩm hữu cơ phục vụ thị trường cao cấp, giá bán cao, ít đối tượng tiếp cận.

Ông Thanh cũng cho rằng, để phân biệt rạch ròi không gian cho nông nghiệp vô cơ với nông nghiệp hữu cơ là rất khó. Việc chuyển đổi hữu cơ vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang làm tích cực chuyển đổi sản xuất hữu cơ và đã có những biến chuyển nhất định.

Trong quá trình hoàn thiện và phát triển, nông nghiệp hữu cơ thời gian tới cần chú trọng hơn nữa yếu tố con người.

"Con người sẽ quyết định từ cơ chế, các thức canh tác, giải pháp khoa học công nghệ cho đến phát triển thị trường. Nhận thức về nông nghiệp hữu cơ của người tiêu dùng cũng cần 1 cuộc thay đổi", ông Thanh nói.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của một doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của một doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay còn manh mún, diện tích còn khiêm tốn và không tập trung, chủ yếu ở dạng mô hình.

Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp trong nông thôn còn bất cập. Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa triển khai được trên diện rộng nên phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.

Thị trường nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa phát triển mạnh, mới chỉ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp.

Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.