Xây dựng lòng tin cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Nói phải đi đôi với làm

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 29/09/2022 11:33 AM (GMT+7)
Nông nghiệp hữu cơ đã và sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì tính đặc thù. Riêng với thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, việc cần thiết và trước hết là phải thiết lập lại lòng tin với nhau, với người tiêu dùng và với xã hội.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến, tổ chức tại TP.HCM hôm qua. 

Xây dựng niềm tin cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Trong khâu sản xuất, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho rằng, chỉ có lòng tin mới thay đổi được nhận thức, tư duy của người nông dân.

Theo ông Lam, phải xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ và chứng minh được hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, đảm bảo lợi ích trực tiếp của người nông dân. Từ đó người nông dân thấy hiệu quả, và tự họ thay đổi.

Người tiêu dùng tham quan một gian hàng bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người tiêu dùng tham quan một gian hàng bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xây dựng lòng tin là nói đi đôi với làm, đặc biệt là với nông dân, lấy thực tiễn để chứng minh hiệu quả. Tập đoàn Quế Lâm xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ đầu vào, quy trình kỹ thuật và bao tiêu đầu ra giúp nông dân, tất cả tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn không bỏ đi bất cứ thứ gì.

Sau đó là doanh nghiệp phải xây dựng lòng tin với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

"Chỉ có quy trình đạt chuẩn, sản phẩm đạt chuẩn mới có thể đảm bảo đầu ra cho người nông dân và thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng" - ông Lam nói.

Đồng tình, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cũng đánh giá thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển.

Thế nhưng, ngay từ khâu sản xuất vẫn đang tồn tại rất nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình canh tác hữu cơ. Và chính người tiêu dùng cũng khó phân định đâu là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Theo bà Hạnh, có thể đưa ra một định nghĩa đơn giản mà rõ ràng về mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đó là cách sản xuất đảm bảo 6 không: Không phân bón vô cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không dùng giống biến đổi gen, không dùng thuốc kích thích tăng trưởng và không có hóa chất trong đất và nước.

Khách hàng mua sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sở siêu thị Co.opMart, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khách hàng mua sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sở siêu thị Co.opmart, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khâu truyền thông cũng không nên quá tung hô các sản phẩm kiểu như: Định hướng hữu cơ, tiếp cận hữu cơ hoặc sắp... hữu cơ. Như thế có khi còn gây hại cho hữu cơ thứ thiệt.

"Tất cả phải giữ vững niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam, đặc biệt là với nông nghiệp hữu cơ", bà Hạnh chia sẻ.

Khơi thông thị trường trong nước cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ 

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu chỉ đạt 18 tỷ USD vào năm 2000. Nhưng đến năm 2018, mức doanh thu này đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Vào năm 2020, doanh số bán lẻ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thị trường toàn cầu tăng 15%, lên 129 tỷ USD. Thị trường đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022.

Ông Tiến lưu ý, đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung bị gián đoạn, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng bất lợi do chi phí logistics tăng cao và thời gian giao hàng lâu hơn.

Covid-19 cũng đã cho thấy, thị trường nội địa và vùng lân cận là lợi thế lớn trong cuộc khủng hoảng.

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cho biết, dịch Covid-19 đã cho thấy, thị trường nội địa và vùng lân cận là lợi thế lớn trong cuộc khủng hoảng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cho biết, dịch Covid-19 đã cho thấy, thị trường nội địa và vùng lân cận là lợi thế lớn trong cuộc khủng hoảng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các công ty xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ xuyên lục địa bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Điều này dự báo trong tương lai sẽ có nhiều chuỗi cung ứng địa phương hơn.

Trong tương lai, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu sẽ tập trung vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Các quốc gia châu Á và châu Phi vốn có truyền thống tập trung vào các ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ hướng đến xuất khẩu, hiện nay, cũng đang phát triển thị trường nội địa.

Để phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, ông Tiến tiếp tục nhấn mạnh lại việc xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng.

Điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng.

"Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng", ông Tiến nói

Ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, giai đoạn năm 2000 đến 2010, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn âm thầm làm sản phẩm hữu cơ cho doanh nghiệp châu Âu.

Từ năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu làm chủ thực sự. Cũng trong giai đoạn này, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ.

Tuy nhiên, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường châu Âu. "Do đó, chúng tôi cho rằng hướng đi vào thị trường trong nước sẽ dễ hơn", ông Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) lưu ý việc phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) lưu ý việc phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) thừa nhận, rõ ràng nông nghiệp hữu cơ là một phân khúc đặc thù.

Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trên diện rộng là không dễ vì những đặc thù từ canh tác, đặc thù trong trách nhiệm bảo vệ môi trường, sức khỏe người dùng cũng như trách nhiệm chung với tăng trưởng xanh.

Nông nghiệp hữu cơ đã và sẽ còn nhiều khó khăn. Riêng với thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, việc cần thiết và trước hết là phải thiết lập lại lòng tin với nhau, với người tiêu dùng và với xã hội.

Sản phẩm càng khó làm thì càng phải kiến tạo những không gian quảng bá sang trọng, nhất là những sản phẩm đẳng cấp như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, người tiêu dùng có sự tôn trọng nhất định.

"Sau nữa là xây dựng hệ thống phân phối. Các cá nhân, tập thể làm nông nghiệp hữu cơ phải cùng nhau xây dưng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tiếp cận, khơi thông ngay thị trường trong nước", ông Nguyễn Quốc Toản đề nghị.

Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem