Chiều 22/11, tại TP.HCM, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư các yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc. Hội nghị nhận được sự quan tâm của rất nhiều tỉnh thành và doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan nuôi chim yến.
Bà Trần Thị Thu Phương - đại diện Cục Thú y, cho biết, Việt Nam đã đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch tổ yến từ năm 2018. Sau 4 năm đàm phán liên tục, mới đây Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về các yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Phương cho biết Nghị định thư bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu, yêu cầu đối với bao bì, nhãn ghi, kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Về yêu cầu đối với sản phẩm tổ yến: Sản phẩm tổ yến là sản phẩm được hình thành, được làm từ nước bọt của chim yến, đã được loại bỏ bụi bẩn, lông chim và an toàn cho người tiêu dùng. Sản phẩm phải qua xử lý nhiệt đảm bảo nhiệt độ tâm sản phẩm đạt 70 độ C trong tối thiểu 3,5 giây và đáp ứng các tiêu chuẩn tại Phụ lục VII, Nghị định 13/2020/NĐ-CP và tiêu chuẩn của Trung Quốc.
Tiềm năng xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc rất lớn
Việt Nam có một điều kiện đặc biệt là gần Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Việt Nam cũng có nhiều điều kiện tự nhiên như bờ biển dài, nhiều vịnh, đầm, phá… thuận lợi để phát triển ngành nuôi yến.
Nhận thức được lợi thế Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và trong nước có điều kiện tự nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi yến, trong suốt 3 năm qua, Bộ NN-PTNT đã đưa vào chiến lược và kiên trì để đưa loại thực phẩm này vào Trung Quốc.
Sản phẩm tổ yến phải có nguồn gốc từ nhà yến được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh.
Sản phẩm không thuộc các tỉnh có bệnh cúm gia cầm trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp chế biến đã đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận.
Về bao bì, đóng gói, sản phẩm tổ yến phải đáp ứng các yêu cầu về bao bì, ghi nhãn sản phẩm của Trung Quốc. Cụ thể, bao bì đóng gói phải phù hợp, đảm bảo vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc tế; được niêm phong và ghi rõ tên, trọng lượng sản phẩm; tên và số đăng ký nhà nuôi yến; tên và địa chỉ, số đăng ký của doanh nghiệp chế biến; điều kiện bảo quản, ngày sản xuất và các thông tin liên quan khác.
Mỗi lô hàng xuất khẩu phải kèm theo 1 bản chính giấy chứng nhận kiểm dịch thú y và giấy chứng nhận xuất xứ.
Cục Thú y cũng lưu ý, sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư sẽ bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm giữ, xử lý, trả lại hoặc tiêu hủy.
Nghị định thư cũng đặt ra yêu cầu đối với cơ sở nuôi chim yến. Theo đó, các cơ sở phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và gửi danh sách cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các cơ sở phải có sổ sách ghi chép nhật ký nuôi chim yến, thu hoạch tổ yến và phải được cơ quan thú y giám sát dịch cúm gia cầm, Newcastle, kiểm soát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển đến doanh nghiệp chế biến.
Đối với doanh nghiệp chế biến, các doanh nghiệp phải được Cục Thú y thẩm định, giám sát an toàn thực phẩm, phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà yến đến sản phẩm xuất khẩu, có hệ thống xử lý nhiệt hiệu quả, quản lý chất lượng (HACCP, ISO…) và đăng ký với cơ quan Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo lệnh 248 và được phía Trung Quốc chấp thuận.
Các hiệp hội, doanh nghiệp lớn về chim yến, tổ yến bày tỏ vui mừng khi Nghị định thư được ký kết, tạo điều kiện xuất khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc. Các đơn vị mong muốn được hướng dẫn chi tiết về quy trình, tiêu chuẩn cũng như một số thuận lợi về đăng ký với cơ quan quản lý.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định Nghị định thư chính thức được ký kết sau 4 năm đàm phán, là thành công to lớn, mở ra thị trường vô cùng tiềm năng cho ngành yến Việt Nam, đảm bảo phát triển ổn định cho sản phẩm yến, mang lại giá trị kinh tế cao.
“Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với khoảng 300 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Việt Nam có điều kiện, tiềm năng yến rất lớn, thuận lợi nuôi chim yến và sản phẩm tổ yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, nhờ vậy, sản phẩm tổ yến Việt Nam rất được khách Trung Quốc ưa chuộng. Đó là cơ hội cho ngành yến Việt Nam, nâng cao giá trị và thương hiệu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để sớm xuất khẩu được sang Trung Quốc, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục, tổ chức thực hiện quy định nêu trong Nghị định thư.
“Cục Thú y tiếp tục trao đổi, đàm phán, thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch thú y với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Nhu cầu yến Trung Quốc rất lớn, ta gián đoạn sau Covid-19, do đó cần đẩy nhanh. Cục cần triển khai ngay”, lãnh đạo Bộ NNPTNT yêu cầu.
Với các cơ quan chuyên môn, cơ sở, doanh nghiệp chế biến, Thứ trưởng yêu cầu cần khẩn trương xây dựng biện pháp kiểm soát cúm gia cầm, Newcastle trên chim yến, giám sát an toàn thực phẩm tổ yến theo yêu cầu Nghị định.
“Lâu dài, các địa phương cần có kế hoạch chiến lược phát triển ngành yến Việt Nam có trách nhiệm, bền vững bảo đảm thương hiệu tổ yến Việt Nam cho thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường tiềm năng khác”, ông Tiến nhấn mạnh.
Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc
Theo Công văn số 8107/BNN-TY ngày 01/11/2022 của Bộ NNPTNT, Bộ NNPTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp có liên quan tại địa phương: nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, các nội dung của Nghị định thư để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất các sản phẩm tổ yến đã qua chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến; tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm (như Cúm gia cầm, Newcastle,...) để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh sang đàn chim yến tại địa phương; phối hợp để tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm yến tại các cơ sở có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm tổ yến;…