Sáng nay (23/11), Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo kỹ thuật về phương pháp dự báo cung - cầu lao động.
Hội thảo là một phần trong nỗ lực của Cục Việc làm nhằm phát triển mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động sẽ được sử dụng cho Bộ LĐTBXH.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục việc làm cho biết, cung - cầu lao động là hai yếu tố cơ bản góp phần hình thành và phát triển thị trường lao động. Sự biến động cung cầu lao động sẽ tức thì dẫn đến biến động của cả thị trường lao động. Dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế và các xu thế lớn khác đang tác động mạnh mẽ đến cả cung - cầu lao động.
Thời kỳ hậu Covid-19, cung lao động về số lượng đã có sự thay đổi rõ nét, lực lượng lao động từ 15 tuổi trong quý III năm 2022 là 51,9 triệu người, tăng hơn 0,2 triệu người và tăng gần 2,8 triệu người so với năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2022 là 68,7%, tăng 0,2% với quý trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,5%, thấp hơn 12,6% so với nam (75,1%).
Về chất lượng lao động cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý III năm 2022 là 26,3%, cao hơn 0,1% so với quý trước và hơn 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, cầu lao động cũng có sự thay đổi. Cầu lao động đã và đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực ngành nghề, đòi hỏi nguồn cung lao động thích ứng phù hợp về cả số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó đó, thị trường lao động cũng đang đối diện với nhiều thách thức về thị trường lao động. Theo đó, thiếu nguồn cung lao động cả về số lượng và chất lượng. Thiếu hụt lao động cục bộ vẫn đã và đang diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực ngành nghề.
Sự biến động về cung cầu lao động diễn ra là sự tất yếu, theo quy luật khách quan của sự chuyển đổi về kinh tế luôn song hành cùng chuyển đổi thị trường lao động.
Ông Huy cũng cho rằng, thay vì bị động, chúng ta phải chủ động để nắm bắt, làm chủ được diễn biến thay đổi của cung cầu lao động thì mới có thể quản trị, điều tiết thị trường lao động. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm 2021-2023 đã nêu rõ "tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước".
"Trên cơ sở xác định mô hình phân tích, dự báo phù hợp chúng ta mới có thể biết rõ thông tin đầu vào và từ đó tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Đây chính là yếu tố then chốt, quyết định đến đầu ra của hoạt động phân tích dự báo. Thông tin đầu vào càng chi tiết, cụ thể, kịp thời và chính xác thì cũng có thông tin đầu ra tương tự như vậy", ông Tào Bằng Huy nói.
Cũng theo ông Huy, Bộ LĐTBXH, Cục Việc làm đã đầu tư nhiều nguồn lực cho nỗ lực phân tích dự báo cung - cầu lao động. "Thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với cung lao động, thiếu hụt lao động cục bộ vẫn đã và đang diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực ngành nghề", ông Huy nói.
Ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Thông tin Phân tích và Dự báo Chiến lược (Viện Khoa học lao động và Xã hội - Bộ LĐTBXH) thay mặt nhóm nghiên cứu của Cục việc làm đã trình bày các nghiên cứu về báo cáo cung cầu.
Báo cáo cho thấy xu hướng toàn cầu hóa, cũng như phát triển bền vững bao trùm trở thành chủ đạo. Nhiều vấn đề tác động của khoa học công nghệ; đô thị; phát triển môi trường xanh; xung đột căng thẳng chính trị... cũng như các điều kiện trong nước (già hóa dân số; đô thị hóa; dịch bệnh; chênh lệch giàu - nghèo; thương mại quốc tế...) đã tác động mạnh mẽ tới việc hình thành phát triển của thị trường lao động. Ông Toàn cũng đề cập tới các phương pháp dự báo cung (lao động) - cầu (doanh nghiệp) lao động.
Ông Phạm Mạnh Thùy - Trưởng Ban Nhân lực - Viện Chiến lược Phát triển có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm về các phương pháp được áp dụng trong phân tích kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Ông Thùy cho rằng để dự báo được cung cầu lao động thì cần xác định rõ các đối tượng được dự báo. Để xây dựng chiến lược nguồn nhân lực giai đoạn tới thì cần phải xác định được trình độ đào tạo của người lao động.
Đề cập tới vấn đề khi dự báo cung lao động, ông Thủy cho rằng: "Chỉ nên dự báo xu hướng, kỹ năng của người lao động, chứ không nên tham vọng dự báo kỹ năng của từng ngành".
Lý giải cho nhận định này, ông Thùy lấy ví dụ cụ thể. Khi thị trường lao động thay đổi, nhu cầu lao động cũng thay đổi theo để thích ứng với công việc mới. Lao động không thể làm 1 việc suốt đời.
"Ví dụ như tôi là một tiến sĩ, mai này kinh tế khó khăn, thất nghiệp tôi sẵn sàng ra đường chạy Grab vì thế cần phải đào tạo các kỹ năng để thích ứng", ông Thùy nói.
Chính bởi vậy, ông Thùy cho rằng cần đào tạo những kỹ năng cơ bản cho lao động để họ có thể thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh. Ví dụ như: Kỹ năng sử dụng tiếng Anh; kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng giao tiếp, công nghệ...