Sống cùng lịch sử là bộ phim của đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân được đầu tư đến 21 tỷ đồng. Phim kể về một nhóm bạn trẻ "đi phượt" đến Điện Biên rồi "tình cờ mơ thấy" mình xuất hiện trong trận chiến Điện Biên Phủ và trở thành những dân công kéo pháo, đào hầm.
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, bộ phim được làm theo "thủ pháp đồng hiện" – rất mới so với điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Sống cùng lịch sử khi ra rạp lập kỷ lục thảm bại vì không bán nổi vé. Theo đó, các rạp liên tục hủy các buổi chiếu vì không có khán giả nào tới xem.
NSND Nguyễn Thanh Vân đưa ra lời giải thích rằng: "Ê-kíp đã cố liên lạc với các rạp nhà nước lẫn tư nhân. Tuy vậy, không phải chủ rạp tư nhân nào cũng đồng ý bởi họ còn phải tính đến bài toán kinh doanh khi trình chiếu bộ phim". Tuy nhiên, đạo diễn Thanh Vân chia sẻ, bộ phim của ông không quá coi trọng yếu tố kinh doanh mà tập trung truyền tải các thông điệp lịch sử đến khán giả, cũng như chú trọng vào các dịp trình chiếu miễn phí để kỷ niệm những ngày lễ lớn.
Bên cạnh đó, đạo diễn cũng thừa nhận rằng, đơn vị sản xuất của Hãng phim truyện Việt Nam không có bộ phận PR chuyên nghiệp để giúp dự án đến với nhiều khán giả hơn.
Cậu Vàng (2021)
Cậu Vàng do Trần Vũ Thủy đạo diễn, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của cố nhà văn Nam Cao. Bộ phim không chỉ nói về nhân vật chính Lão Hạc và những thân phận khốn khổ trước Cách mạng tháng Tám được mô tả rất nhiều trong truyện của Nam Cao. Tuy nhiên, Cậu Vàng không những thua thảm ở phòng vé, mà còn gây ra nhiều tranh cãi lớn.
Giữa những làn sóng chỉ trích khi chọn chó Shiba thay vì chó ta, đạo diễn Trần Vũ Thủy cũng cho biết, lý do anh chọn chó Shiba vì chó ta chưa đủ khôn ngoan để thực hiện cảnh diễn cùng nhân vật của Lão Hạc. Đạo diễn chia sẻ: "Cậu Vàng là trung tâm kết nối các nhân vật, giúp kịch bản liền mạch, vì thế chú chó giống Shiba là lựa chọn tốt nhất mà đoàn phim tìm được". Kể cả vậy, khán giả vẫn khó chấp nhận và đây là một trong những lý do khiến cho phim Cậu Vàng lỗ đến 30 tỷ đồng khi chỉ thu về 3 tỷ đồng doanh thu.
Virus cuồng loạn (2022)
Virus cuồng loạn là bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy, kể về một đoàn phim đang quay tác phẩm về đề tài zombie tại một khu nghỉ dưỡng thuộc vùng núi. Tại đây, cả đoàn đã gặp nạn zombie thật. Nguồn cơn chính là do những thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc được bán rộng rãi.
Nói về bộ phim này, Nguyễn Ngọc Nhất Duy từng chia sẻ rằng, anh biết phim của mình còn nhiều thiếu sót nhưng nó vẫn xứng đáng ở thang điểm 7. Đạo diễn trẻ còn khẳng định: "Cả ê-kíp đang cố lấy lại niềm tin của khán giả với phim xác sống".
Nhận xét về bộ phim, chuyên gia điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng: "Sự lỏng lẻo, dễ dãi của đạo diễn lẫn nhà phát hành đã tạo điều kiện cho những dự án tệ "quấy rầy" người xem. Vì lẽ đó, khán giả "bội thực" trước những bộ phim chất lượng trung bình yếu và quay lưng với điện ảnh nội địa cũng là điều dễ hiểu".
Huyền sử Vua Đinh (2022)
Gây thất vọng hơn cả Virus cuồng loạn mới ra mắt cách đây không lâu, bộ phim lịch sử Huyền sử Vua Đinh chỉ thu về vỏn vẹn 36 triệu đồng. Phim kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, có yếu tố huyền sử - là những truyền thuyết dân gian truyền miệng, có liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mang tính chất thần kỳ. Dù vậy, nhiều người cho rằng, đây là một bộ phim được làm hời hợt, không có cấu trúc chuẩn điện ảnh và không khác nào phim tài liệu minh họa.
Đạo diễn Anthony Võ và nhà sản xuất Bích Lành cho biết: "Chúng tôi làm phim này xuất phát từ mong mỏi cá nhân. Chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ xem phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi lịch sử Việt rất hay thì lại không có nhiều người biết. Chúng tôi muốn mang lịch sử đến gần công chúng, đến thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng biết cách làm cho đến nơi đến chốn nhưng sức người có hạn, kinh phí cũng có hạn nên chủ trương có đến đâu, làm đến đó".
Tuy nhiên, với 45 triệu đồng thu được phim Huyền sử Vua Đinh chính thức nằm trong top phim tư nhân có doanh thu thấp nhất điện ảnh Việt. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm thẳng thắn nhận xét: "Một số nhà sản xuất, đạo diễn vẫn ảo tưởng nhiều vào nền điện ảnh và phải có những cú ngã ngựa, những cú tát trực tiếp với sự lạnh lùng, xa lánh thì may ra mới tỉnh được. Đó là một cuộc đào thải khắc nghiệt nhưng cần thiết". Chuyên gia điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng cho rằng, không thể lấy mác "tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc" để bao biện cho một tác phẩm kém chất lượng.