"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được chuyển thể thành kịch nói

Thúy Phương Thứ năm, ngày 24/11/2022 15:03 PM (GMT+7)
Tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" nổi tiếng của Bảo Ninh đã được Nhà hát kịch Hà Nội chuyển thể lên sân khấu kịch với tên Trái tim người Hà Nội.
Bình luận 0
Vở kịch được thể hiện dưới bàn tay của tác giả kịch bản Phùng Nguyễn, đạo diễn và âm nhạc NSƯT Tiến Minh; thiết kế sân khấu: họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng; biên đạo múa: NSƯT Thanh Nam...  Hai nhân vật chính của tiểu thuyết và kịch do hai nghệ sĩ trẻ thủ vai: Tiến Lộc (vai Kiên), Thuỳ Dương (vai Phương). Đây là vở diễn của Nhà hát kịch Hà Nội tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm 2022. 
"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được chuyển thể thành kịch nói - Ảnh 1.

Kiên và Phương - hai nhân vật chính trong vở kịch Trái tim người Hà Nội. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên

Theo chia sẻ của ê-kíp thực hiện vở diễn, khi lên sân khấu kịch, Trái tim người Hà Nội sẽ có phần thể hiện âm thanh, ánh sáng kết hợp với sự sắp đặt có ý đồ của đạo cụ, bối cảnh mang đến một bức tranh sinh động, hoành tráng và mãn nhãn người xem. Âm nhạc với nhiều sắc thái khi thì bùng nổ, đốt cháy khán phòng khi lại vô cùng êm dịu, ngọt ngào và bình yên của của mùa thu, của Hà Nội. Khán giả sẽ có được những giây phút lắng đọng để có thể chạm tay vào nỗi nhớ, vào miền ký ức của một thời thanh xuân.

Trái tim người Hà Nội kỳ vọng sẽ đưa khán giả quay ngược lại không gian, thời gian trở lại những năm tháng chiến tranh để sống lại những giây phút hào hùng, gặp lại những người lính trẻ, để biết họ đã sống, đã yêu, đã lựa chọn đường đi cho dù đúng, dù sai thì đó vẫn là một hành trình không thể thay đổi trong cuộc đời của họ.

"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được chuyển thể thành kịch nói - Ảnh 2.

Các diễn viên trong vở Trái tim người Hà Nội. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên

Theo Nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: "Vở kịch Trái tim người Hà Nội là sự chuyển thể đầu tiên tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh sang một loại hình nghệ thuật khác. Vở diễn sử dụng không gian ước lệ biến đổi theo các tình huống kịch. Diễn xuất của các diễn viên có người thủ cùng lúc mấy vai (trừ hai nhân vật chính) đã xâu chuỗi một số sự kiện của tiểu thuyết theo một chủ đề tình yêu, tuổi trẻ gắn với Hà Nội. 

Những câu thơ Em ơi, Hà Nội phố của Phan Vũ và những bài hát soạn cho vở diễn vang lên trên sân khấu vừa như những khúc chuyển đoạn, vừa như khơi gợi cảm xúc cho người xem. Hai diễn viên đóng chính đã gây ấn tượng xúc động khi vào vai, nhất là vai Kiên".

"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh được chuyển thể thành kịch nói - Ảnh 3.

Nhà văn Bảo Ninh chúc mừng ê-kip vở kịch Trái tim người Hà Nội. Ảnh: Phạm Xuân Nguyên

Nhà văn Bảo Ninh khi gặp Tiến Lộc (đóng vai chính - Kiên) ngoài sân khấu, đã nói rằng ông cũng đã hình dung về Kiên như diễn xuất của nam diễn viên, chỉ khác là không đẹp trai bằng Tiến Lộc.

Trái tim người Hà Nội sẽ được công diễn vào 20h các ngày 09 và 10/12/2022 tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Bảo Ninh xuất bản lần đầu vào năm 1990 và lập tức gây “bão” trên văn đàn Việt Nam ở đủ mọi khía cạnh khác nhau. Tác phẩm là dòng hồi ức của người lính về chiến tranh và thời tuổi trẻ đã trải qua trong bom đạn.

Vào thời điểm ra đời của mình, Nỗi buồn chiến tranh có thể được xem là tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại đầu tiên viết về chiến tranh có cái nhìn khác với quan niệm truyền thống, khẳng định mạnh mẽ vai trò cá nhân trong xã hội, quyền sống, hạnh phúc và đau khổ của con người với tư cách một cá thể độc lập.

Nỗi buồn chiến tranh cũng là cuốn tiểu thuyết tiếng Việt được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới, được xuất bản trên nhiều nước và tái bản hàng chục lần, là tác phẩm được đưa vào giảng dạy tại các trường Đại học Mỹ và một số nước khác. Là tác phẩm có sức ảnh hưởng và được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm và yêu thích. Đây không chỉ là cuộc chiến ở Việt Nam mà là cuộc chiến chung của toàn nhân loại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem