Dân Việt

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Mùa Xuân 25/11/2022 14:50 GMT+7
Sáng nay (25/11), tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Lào Cai tổ chức Hội thảo "Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng".

Clip: Các đại biểu tham luận tại Hội thảo "Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng".

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện các Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ, Trung tâm Khuyến nông của 28 tỉnh/thành khu vực phía Bắc cùng một số chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức quốc tế.

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 2.

Hội thảo "Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng". Ảnh: Mùa Xuân.

Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Đức Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, đến nay ngành nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế và luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 5%/năm. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, các vùng sản xuất hàng hóa được hình thành, như vùng chè gần 7.400ha, cây quế 53.500ha, cây dược liệu 3.523ha,...

Tại Lào Cai, những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi thủy sản rất phát triển, đặc biệt là phát triển cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), sản lượng hàng năm gần 1.000 tấn. Ngoài ra Lào Cai cũng được xác định là tỉnh trọng điểm phát triển cây dược liệu của Quốc gia.

Trong khuôn khổ Hội thảo "Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng" tổ chức tại tỉnh Lào Cai, các đại biểu đã đánh giá thực trạng về hoạt động và tổ chức bộ máy hệ thống khuyến nông các cấp. Từ đó đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức bộ máy và hoạt động khuyến nông các cấp; có chính sách phù hợp giúp cho hoạt động khuyến nông cộng đồng, tổ nhóm khuyến nông ở cơ sở hoạt động hiệu quả. 

Các ý kiến đều nhấn mạnh, để hoạt động khuyến nông hiệu quả, phù hợp với xu thế mới cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông; tạo được sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng". Ảnh: Mùa Xuân.

Trình bày tại Hội thảo về khuyến nông trong chuyển đổi số trên thế giới, ông Lê Anh Tuấn - chuyên gia cao cấp tư vấn độc lập Tổ chức Great đã khái quát về những nội dung, như các xu thế trong cải cách khuyến nông; hệ thống dịch vụ đa chức năng; hệ thống dịch vụ tư vấn nông thôn theo nhu cầu; liên kết nông dân với thị trường; cơ chế tài chính cho hệ thống dịch vụ đa năng theo nhu cầu... 

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của tác nhân từ lĩnh vực công trong việc quản trị và cung cấp, tổ chức sản xuất trong hệ thống dịch vụ tư vấn nông thôn; công nghệ thông tin và truyền thông; hệ thống dịch vụ tư vấn nông thôn nhạy cảm về giới; các phương pháp và cách tiếp cận tư vấn khuyến nông; quản lý hệ thống dịch vụ và tổ chức tư vấn nông thôn và trong hệ thống đổi mới nông nghiệp...

Nhiều trăn trở đối với mạng lưới khuyến nông cơ sở

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Phòng, cho rằng từ tháng 6 - 7/2022, đã có 132 tổ Khuyến nông cộng đồng được UBND các xã trên địa bàn 6 huyện ra Quyết định thành lập. 

Sau khi có Quyết định thành lập tổ Khuyến nông cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường cán bộ quản lý NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn. 

Kết nối các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp về ký hợp đồng với một số tổ Khuyến nông cộng đồng về dịch vụ cung ứng phân bón chậm trả cho nông dân; ký hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm lúa, khoai tây.

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 4.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu kết luận tại Hội thảo. Ảnh: Mùa Xuân.

Hàng năm Trung tâm xây dựng từ 20-25 mô hình các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản các mô hình đều tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất an toàn, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, mô hình liên kết 4 nhà. Nhiều mô hình đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW đến nay đã có 33/63 tỉnh tiến hành sắp xếp Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 2 tỉnh giải thể Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh; 36/63 tỉnh đã tiến hành hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện; nhiều tỉnh đã giải thể đội ngũ khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản. 

Điều này đã gây nên tình trạng "đứt gãy" hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững.

Để nâng cao vai trò khuyến nông trong thời gian tới các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm sớm kiện toàn hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất theo một mô hình từ cơ chế chính sách, hoạt động khuyến nông góp phần xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới. Cần có hướng dẫn chung cho hoạt động của tổ Khuyến nông cộng đồng trên toàn quốc để hoàn thành nhiệm vụ trong việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu cho các tổ Khuyến nông cộng đồng hoạt động được hiệu quả.

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 5.

Đại biểu tỉnh Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo "Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng". Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La trăn trở, hiện nay công chức xã chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường có chuyên ngành nông, lâm, ngư nghiệp đang được giao kiêm nhiệm vụ khuyến nông. Tuy nhiên, do thực hiện nhiều nhiệm vụ UBND xã giao nên hầu như không có thời gian thực hiện nhiệm vụ khuyến nông; chưa thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt thông tin về sản xuất nông nghiệp, nên không phát huy được vai trò, trách nhiệm khuyến nông viên cấp xã.

Khuyến nông viên là lao động hợp đồng được hưởng phụ cấp bằng 2 lần mức lương cơ sở chưa đảm bảo quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động để tham gia đóng bảo hiểm theo quy định hiện hành.

Đa số khuyến nông viên xã là lao động hợp đồng lâu năm nhưng lại có phụ cấp thấp, công việc vất vả, địa bàn hoạt động rộng, không có chi phí đi lại, dẫn đến tâm lý không yên tâm công tác (đa số nghỉ việc, chuyển việc khác hoặc làm công nhân...), do đó hiệu quả công việc chưa cao.

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 6.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La phát biểu tham luận tại Hội thảo"Củng cố, đổi mới, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông và tham vấn chính sách cho khuyến nông cơ sở, khuyến nông thôn bản, tổ nhóm khuyến nông cộng đồng". Ảnh: Mùa Xuân.

Mong muốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo tầm cỡ quốc gia để các bộ ngành đề xuất với các ngành liên quan có chính sách cho khuyến nông viên xã. Cụ thể, khuyến nông viên phải được xem là lao động hợp đồng được hưởng lương bậc 1, theo trình độ đào tạo, được tham gia các khoản đóng góp theo quy định. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc trình ban hành mới cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khuyến nông.

Những vấn đề đặt ra đối với khuyến nông cơ sở hiện nay

Kết luận tại Hội thảo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, nhấn mạnh dứt khoát phải giữ được hệ thống khuyến nông cơ sở, giữ bằng cách nào, như thế nào chúng tôi kêu gọi tất cả các lãnh đạo khuyến nông cấp tỉnh tham dự Hội thảo ở đây ta phải tự cứu lấy chúng ta, phải chứng minh cho cộng đồng, lãnh đạo là khuyến nông không thể yếu được.

Hệ thống khuyến nông đang hoạt động hiệu quả, chúng ta phải tưởng tượng nếu không có lực lượng khuyến nông cơ sở để chuyển giao khoa học kỹ thuật thì cả nền sản xuất phải xem lại. Chúng ta phải tự tin để cùng nhau chứng minh sự tất yếu tồn tại của hệ thống này. 

Xác định được là đâu là mẫu chốt của vấn đề, các đại biểu điều cho rằng chúng ta phải kiện toàn, cơ cấu tổ chức, chế độ... Những điều này Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận nhưng luôn luôn phải đặt câu hỏi, nhận thức được tầm quan trọng của nó.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ bắt tay vào để làm công cuộc đổi mới hệ thống khuyến nông, tìm mọi cách chứng minh được sự tồn tại của hệ thống khuyến nông cơ sở kèm theo những cơ chế chính sách cho đội ngũ này. Đâu là cộng tác viên, đâu là khuyến nông cộng đồng, nhưng đâu là gốc lõi khuyến nông tại địa phương chính là khuyến nông cơ sở.

Sau Hội thảo này Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ làm một báo cáo cụ thể về những vấn đề đặt ra đối với khuyến nông cơ sở, từ đó trình Bộ trưởng NN&PTNT, nó là cả một hệ thống các chính sách đi kèm.

Phải giữ được khuyến nông cơ sở gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân - Ảnh 7.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lê Quốc Thanh đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành nghiên cứu, rà soát kỹ có những báo cáo cụ thể về các vấn đề đặt ra hiện nay trong hệ thống khuyến nông, làm cơ sở trình Bộ trưởng. Từ đó, Bộ trưởng sẽ tổ chức một Hội thảo quốc gia khuyến nông toàn quốc có các bộ, ngành, chính quyền địa phương cùng tham gia.

Đây là một kết quả rất quan trọng để xây dựng một kế hoạch hành động của hệ khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành thực hiện theo Nghị định 19 của Trung về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó, có các nội dung về hoạt động khuyến nông cơ sở.

Hội thảo hôm nay vấn đề là như vậy, cơ chế chính sách chưa đồng độ nhưng chúng ta phải đổi mới. Khuyến nông bây giờ phải đổi mới tư duy kinh tế, phải biết thị trường, kết nối với doanh nghiệp làm dịch vụ, chuyển đổi số, hướng tới khuyến nông làm việc một cách chuyên nghiệp.