Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết như vậy tại buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, được tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Cụ thể, tháng 3/2022, Bộ NNPTNT đã phê duyệt 2 Đề án: Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
"Có thể nói, đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở chính là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông - chúng tôi gọi là hỗ trợ phần mềm - sẽ tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất. Người nông dân có sản xuất đúng quy trình hay không, cũng cần đến lực lượng khuyến nông. Người nông dân có kết nối được thị trường hay không, cũng cần đến lực khuyến nông" - ông Thanh khẳng định.
Trên cơ sở đó, các tổ khuyến nông cộng đồng chủ yếu được đào tạo huấn luyện để chuẩn bị với mong muốn ngoài thực hiện công tác khuyến nông truyền thống, thì người làm khuyến nông phải biết kết nối thị trường, doanh nghiệp, biết mua bán ở đâu để tư vấn cho người sản xuất.
Để thúc đẩy môi trường sản xuất nông thôn thì tổ khuyến nông cộng đồng này cũng phải am hiểu HTX và tư vấn cho người dân tham gia vào HTX như thế nào, ký hợp đồng mua bán nông sản ra sao... Và một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của lực lượng khuyến nông, đó là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
"Chúng tôi giao tổ khuyến nông cộng đồng phải có năng lực, trách nhiệm giúp cho người nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Việc này sẽ áp dụng từng sản phẩm cụ thể như nhật ký điện tử, hợp đồng online, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử..." - ông Lê Quốc Thanh cho biết.
Về câu hỏi này, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, từ khi có Đề án Tổ khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025, nhất là vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có 1 chỉ tiêu là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải có Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Đây là "cú hích" cho hoạt động khuyến nông Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, đến nay các hoạt động của khuyến nông đã vượt ra khỏi tầm của đề án, đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Từ Trung ương, Bộ NNPTNT, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến hoạt động này. Như vậy sự hình thành của các tổ khuyến nông cộng động phù hợp với thời cuộc và đóng góp cho đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giúp bà con nông dân chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp, sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tức là hướng đến chuyên nghiệp hoá.
"Về đối tượng tham gia tổ khuyến nông cộng đồng thành phần là ai, ai được tham gia, tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào trong Đề án ghi rõ. Đầu tiên đối tượng nòng cốt vẫn là lấy lực lượng khuyến nông viên cơ sở, có tham gia của ban quản lý, ban quản trị của HTX; có sự tham gia của chính quyền địa phương" - ông Thanh nêu rõ.
Thứ hai, khuyến nông cộng đồng có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Ví dụ như ở đâu có chăn nuôi phát triển thì khuyến khích sự tham gia của chi cục thú y, ở đâu có nhiều lâm sản thì khuyến khích sự tham gia của chi cục lâm nghiệp; ở địa phương có nhiều hải sản, thuỷ sản thì khuyến khích sự tham gia của chi cục thuỷ sản...
"Chúng tôi không quy định cứng là ở góc độ tiêu chuẩn, tiêu chí và thành phần, mà chỉ quy định lực lượng khuyến nông là nòng cốt và duy trì hoạt động. Tổ khuyến nông cộng đồng mang tính chất tự nguyện nhiều hơn là cơ quan, tổ chức hành chính. Nếu chúng ta xây dựng vào tổ chức hành chính sẽ vướng rất nhiều. Thực tế nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong vấn đề này" - ông Thanh cho biết thêm.
Hiện, Khuyến nông Quốc gia đang cùng với các địa phương, nhất là các vùng nguyên liệu xây dựng các quy chế hoạt động, thu hút các lực lượng tham gia vào tổ khuyến nông cộng đồng, trong đó có cả lực lượng khuyến nông của doanh nghiệp. Ví dụ như Công ty Amei có cán bộ khuyến nông thị trường, cán bộ khuyến nông vùng nguyên liệu sẽ thu hút cùng tham gia.
"Chúng tôi vừa làm vừa điều chỉnh. Tổ khuyến nông cộng đồng không có mô hình mẫu bởi mỗi địa phương có văn hoá, tập quán khác nhau" - ông Thanh khẳng định.