Sáng 26/11, tại TP.Vũng Tàu đã diễn ra hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong vùng Đông Nam bộ và đảm bảo tính khả thi; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ gắn với công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của các địa phương trong vùng.
Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%.
Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
Chương trình đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, chương trình chú trọng quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Qua đó, phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.
Bên cạnh đó, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam bộ để giúp vùng Đông Nam bộ phát triển bứt phá, gồm: Các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thủy có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không trong vùng và các dự án trung tâm thông tin, logistics của vùng; đồng thời đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.
Tại hội nghị các tỉnh thành đã đưa ra nhiều tham luận về phát triển kinh tế địa phương như hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị, giáo dục... Đại diện nhiều doanh nghiệp trình bày các tham luận về nhu cầu, phương án đầu tư, nêu bật các thuận lợi, khó khăn, mong muốn khi đầu tư vào các địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, các địa phương, đơn vị đưa ra các ý kiến, mục tiêu, quan điểm khá đầy đủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến để hoàn thiện chương trình hành động.
Theo Thủ tướng, vùng Đông Nam bộ là vùng quan trọng của các nước, đóng góp vào thành quả chung của đất nước sau 35 năm đổi mới. 11 tháng vừa qua sau khó khăn của dịch bệnh, cả nước nói chung và Đông Nam bộ nói riêng phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển kinh tế. Vùng Đông Nam bộ đóng góp rất lớn vào những thành tựu chung của cả nước đặc biệt là GDP.
"Để vùng Đông Nam bộ đạt được những thành tựu này là nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn, quản lý nhà nước, vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Ngoài ưu điểm thì còn tồn tại hạn chế về cơ chế chính sách. Kết nối hạ tầng đồng bộ chưa hiệu quả, còn cắt khúc nhiều. Huy động nguồn lực chủ yếu vào nhà nước. Các tỉnh thành chưa phát huy được nguồn lực công-tư. Nhiều nơi chưa phát huy hết được lợi thế của vùng, phát triển nhưng chưa ngang tầm với khu vực, chưa đạt như mong muốn. Phát triển văn hóa chưa theo kịp kinh tế chính trị và nhìn chung thực sự chưa được chú trọng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, hiện nay, thách thức lớn nhất của vùng Đông Nam bộ là phát triển chưa bền vững, tắc nghẽn giao thông, tác động bởi chống biến đổi khí hậu (nước biển dâng cao, sạt lở), ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, an sinh xã hội. Do đó, thời gian tới cần phấn đấu đưa vùng năng động nhất, đóng góp nhiều nhất trong đó có GDP cho đất nước xứng đáng "vùng vì cả nước - cả nước vì vùng". Cần ổn định chính trị, an toàn xã hội. Phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm tổng thể để tạo ra các sản phẩm từ trí tuệ, năng lực của người Việt Nam, chiến lược lâu dài là phát huy nội lực, đột phá.
Song song với đó, giai đoạn tới theo Thủ tướng, cần tăng cường vốn, xây dựng phát triển con người, huy động nguồn lực hợp tác công tư; tạo ra các đột phá để góp phần hoàn thiện, phát triển.
Theo kế hoạch làm việc, chiều nay đoàn công tác của Chính phủ khảo sát một số dự án trọng điểm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó đoàn tiếp tục khảo sát và dự lễ khánh thành nhà máy tiện ích trung tâm và cụm cảng - bồn bể chuyên dụng dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam.