Viện KSND tỉnh Tuyên Quang đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang đối với Nguyễn Hải Đăng (23 tuổi, ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) về tội giết người.
Quá trình điều tra xác định khoảng 1 giờ sáng 22/11, T. và S. (cùng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) thuê Nguyễn Hải Đăng (23 tuổi, ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) lái ô tô đi từ huyện Yên Bình đến xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để đón bạn của T.
Tại xã Quang Sơn, nhóm của T. không đón được bạn mà lại bị chín người ngồi trên hai ô tô mang biển kiểm soát Vĩnh Phúc và Hà Nội chặn đường. Sợ bị đánh, Đăng quay xe bỏ chạy theo hướng từ Vĩnh Phúc lên Tuyên Quang.
Khoảng 5 giờ 20 sáng cùng ngày, đến cây xăng thuộc xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, Đăng dừng lại mua xăng. Hai ô tô kia đuổi kịp theo phía sau, chín người trên hai xe xuống chặn xe của Đăng.
Thấy vậy, Đăng điều khiển cho xe lùi về phía sau, lúc này Đoàn Thanh T. (17 tuổi, ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) và Phạm Thị Ngọc A. (16 tuổi, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, thuộc nhóm chín người trên hai ô tô) chạy đuổi theo, nhảy lên nắp ca pô xe của Đăng.
Đăng lùi xe và nhấn ga tiến về phía trước để bỏ chạy. Ngọc A. và Thanh T. ngã xuống đất, bị xe của Đăng chèn qua người. Hậu quả A. chết tại bệnh viện, còn Thanh T. bị thương.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nêu quan điểm, trong vụ việc này cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về tội giết người và có thể khởi tố thêm một tội danh nữa là gây rối trật tự công cộng để tiến hành điều tra.
Ông phân tích, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa những người thanh niên có mặt trên hiện trường vụ án, làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định hành vi của từng đối tượng có liên quan để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đồng thời cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ những người đi trên những chiếc xe ô tô có mang theo hung khí không, kiểm tra điện thoại, tin nhắn và các phương tiện liên lạc khác để xác định có hành vi nào đe dọa thách đố, hẹn nhau để đánh nhau hay không?
Bởi, theo quy định của pháp luật, hành vi đánh nhau nơi công cộng là hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi này có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của những người có liên quan, đồng thời ảnh hưởng, đến trật tự công cộng an toàn công cộng.
Tất cả những người có ý định đánh nhau nơi công cộng và đã thực hiện hành vi đánh nhau gây mất an ninh trật tự, hậu quả khiến một người tử vong, những người đó sẽ bị xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.
Còn đối với hành vi của lái xe ô tô bỏ chạy khiến một người tử vong của Nguyễn Hải Đăng, theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức của người này và xác định mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả chết người để làm rõ hành vi của Đăng là giết người hay vô ý làm chết người.
Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy, Đăng nhận thức được rằng nếu tiếp tục điều khiển xe di chuyển mà trên xe đang có người bám, có thể dẫn đến hậu quả nạn nhân rơi xuống tử vong nhưng vẫn cố ý di chuyển xe bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả nạn nhân dây xuống tử vong, đây là hành vi giết người.
Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy, Đăng không nhận thức được rằng hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, không mong muốn sát hại nạn nhân thì có thể không xử lý về tội giết người mà có thể xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người.
"Trong vụ việc này nhận thức của Đăng và tư thế của nạn nhân như thế nào khi chiếc xe di chuyển là yếu tố quan trọng để xác định yếu tố lỗi, làm căn cứ xác định tội danh và làm cơ sở quyết định mức hình phạt phù hợp" – vị chuyên gia nêu quan điểm.