Có những buổi chiều muộn, ngoài trời mưa rỉ rả, triền miên buồn thê thiết, bên sông văng vẳng tiếng con chim vịt kêu chiều, trong ánh đèn dầu leo lét, nhìn các con bưng chén cơm lỏng bỏng nước canh cải trời ăn một cách ngon lành, tôi quay mặt vào vách, nước mắt ứa ra.
Cái hồi mới từ Sài Gòn về quê dạy học cách đây hơn bốn mươi năm, vào một buổi chiều, cô học trò nhỏ rụt rè nép sau cánh cửa phòng tập thể, nói lí nhí: "Cô ơi! Em hái cho cô nắm cải trời với mấy tai nấm mối cô nấu canh ăn cho mát”. Nghe hai tiếng cải trời tôi thấy rất lạ và lấy làm tò mò.
Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cải trời, lần đầu tiên tôi được thưởng thức cái vị ngọt thơm rất lạ của tô canh cải trời nấu nấm mối (chuyện về những tai nấm mối là một một câu chuyện dài không kém phần thú vị, tôi sẽ chép lại ở một bài khác).
Cải trời là một loại rau dại mọc tự nhiên thành từng cụm ở các mép mương, bờ ruộng. Mùa cải trời bắt đầu thường là từ giáp tết đến đầu hè năm sau. Nói là mùa vì khi đó cải hứng mưa nhảy con thành từng đám mơn mởn xanh um.
Chứ thật ra cải trời sống quanh năm, bất kể trời chan chát nắng, bất kể không có bàn tay con người chăm sóc, nó vẫn cứ đủng đỉnh lên xanh. Đặc biệt hầu như cải không hề bị sâu rầy phá hại. Cũng có thể vì thế người ta cho rằng đây là lộc của trời nên gọi là cải trời (?).
Rổ rau cải trời-thứ rau dại nhà nghèo hay ăn thủa hàn vi nay lại là một trong những loại "rau quý tộc" nơi thành phố.
Cải trời non ăn sống rất ngon, có thể ăn riêng hoặc dùng chung với các loại rau rừng khác chấm nước thịt kho, cá kho, trụng nước lẩu.
Ăn rau cải trời làm chín có nhiều cách: luộc hoặc xào. Cho dù là luộc hay xào thì thời gian chế biến rau cải trời cũng cần rất nhanh để giữ lại màu xanh, vị ngọt giòn và mùi thơm đặc trưng của cải.
Riêng tôi, cải trời nấu canh mới là “thần thánh”. Nấu canh cải trời thường đi kèm với tép bạc non, với tôm càng lột vỏ xắt hạt lựu, với cá lóc, cá rô đồng đã bóc xương hay với thịt bầm.
Ăn chay thì nấu rau cải trời với các loại nấm, đặc biệt là nấm mối. Một tô canh cải trời ngon có vị thanh của nước, vị ngọt giòn của rau, phảng phất một chút mùi thơm của cây thuốc Nam, một chút ngai ngái mùi của đất.
Đã có một thời, mâm cơm nhà tôi ít có bữa nào vắng tô cảnh cải trời. Hết mấy liếp vườn nhà, lại lân la qua vườn hàng xóm. Đơn giản vì đó là món ăn “miễn phí”. Món canh cải trời không tôm tép, không thịt cá, chỉ mượn vị ngọt của chút bột nêm, đã giúp chúng tôi vượt qua những ngày nghèo khó gieo neo nơi miền quê heo hút.
Có những buổi chiều muộn, ngoài trời mưa rỉ rả, triền miên buồn thê thiết, bên sông văng vẳng tiếng con chim vịt kêu chiều, trong ánh đèn dầu leo lét, nhìn các con bưng chén cơm lỏng bỏng nước canh cải trời ăn một cách ngon lành, tôi quay mặt vào vách, nước mắt ứa ra.
Tô canh rau cải trời nấu với tép bạc non
Bây giờ các con tôi đã lớn, tất cả đều thành đạt. Món Tàu, món Tây không thiếu nhưng mỗi bận có dịp về thăm quê, bao giờ chúng cũng đòi mẹ nấu cho tô canh cải trời không thịt cá. Mỗi lần như thế, tôi lại cắp rổ ra vườn hái nắm cải trời nấu tộ canh quê để nhớ về một thuở hàn vi.
Nhiều năm trở lại đây, món rau cải trời đã có mặt khắp các chợ, siêu thị ở thành phố. Nó không còn mang tiếng “rau quê” nữa mà đã sánh vai cùng các loại rau cải “quý tộc” khác với cái giá cũng “quý tộc” không kém.
Mỗi lần nhớ quê tôi vẫn thường ra chợ mua nắm cải trời về nấu canh tôm. Chỉ là ăn cho đỡ nhớ chứ thật ra cải trời thành phố không tìm đâu ra đúng “cải của trời”. Đó là giống cải được người ta gieo trồng, lá to, bụi lớn nhưng ăn vào lạt lẻo, kém hẳn vị thơm ngon.
Có dịp về quê tôi vào mùa cải trổ bông, nhìn những cái bông vàng li ti mọc thành đám trải dài hai bên mép mương vườn, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy tuổi thơ mình trong mịt mù khói bếp quyện lẫn hương vị nồng nồng của tô canh cải trời xưa mẹ nấu, thứ cảm xúc đầy tự hào cho những ai may mắn còn có một miền quê.
Còn với riêng tôi, câu chuyện về một buổi chiều, về cô học trò, về một miền quê nghèo, về tình thầy trò, về một loài rau mang cái tên rất lạ và… món canh cải trời trong những năm nghèo khó, gieo neo, mãi mãi là một phần đời không dễ nhạt phai.