Dân Pà Ban ở Thanh Hóa lên núi hái loại quả rừng lạ, chín teo tóp, cắn một miếng cả làng thấy chua
Dân Pà Ban ở Thanh Hóa lên núi hái loại quả rừng lạ, chín teo tóp, hỏi tên ai cũng bất ngờ vì quá quen
Vũ Thượng
Thứ bảy, ngày 26/11/2022 13:04 PM (GMT+7)
Những ngày này tại (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) thời tiết mưa lạnh, nhưng người dân bản Pà Ban vẫn tập trung lên núi, đồi hái quả quýt hoi (quýt hôi) về bán.
Nhờ hái quả quýt hoi chín rực cành mà người dân nơi đây thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Xã Thành Sơn cách trung tâm huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) hơn 60 km, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, phải vượt qua những cung đường quanh co, dưới trời đổ mưa nặng hạt, kéo theo đó là sương mù bao phủ kín các cung đường đèo dốc, tạo ra hình thái thời tiết khá nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông.
Clip: Cận cảnh người dân bản Pà Ban (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) lên núi hái quả quýt hoi về bán.
Dẫn chúng tôi lên đỉnh Pà Ban, ông Ngân Văn Chàng (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) nhắc: "Muốn lên đỉnh Pà Ban hái quả quýt hoi phải đi bộ dưới mặt đường đất, đá trơn trượt, gồ ghề…Đặc biệt, trời mưa suốt ngày nên con vắt rừng xuất hiện nhiều lắm, có thể chúng bám vào chân, tay mình hút máu bất kể lúc nào".
"Cây quýt hoi là loại quýt mọc tự nhiên trong rừng, trên sườn núi cao, tại các bản xa ở huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa). Quýt hoi có tên tiếng Thái cổ là pén hoi, vùng Pù Luông gọi là nghia hoi. Pén-nghia có nghĩa là quýt, hoi là ốc. Gọi là quýt ốc, vì nó có đặc điểm quả nhỏ, vỏ hơi sần sùi, có gai như vỏ ốc", ông Chàng thông tin.
Ông Ngân Văn Chàng (bản Pà Ban, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đang chọn những quả quýt hoi chín vàng để hái. Ảnh: Vũ Thượng
Sau khi chuẩn bị kỹ càng, cũng như được sự trợ giúp từ ông Chàng, và một số người dân đi hái quả quýt hoi trên đỉnh Pà Ban, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi.
Quả quýt hoi chín nhuộm rực cành. Ảnh: Vũ Thượng
Trên đỉnh Pà Ban với khung cảnh huyền ảo, từng chùm mây mờ treo lơ lửng, mưa rừng bắt đầu nặng hạt, những cây quýt hoi quả chín vàng dần hiện hữu trước mắt chúng tôi. Quan sát, những cây quýt hoi mọc không đồng đều, các cây cách nhau vài chục mét, thậm chí cả trăm mét mới có một cây.
Ông Ngân Văn Chàng nói: "Trên đỉnh Pà Ban cơ bản quanh năm sương mù, cây quýt hoi ở đây mọc tự nhiên là chính, có cây ra quả từ 20-30 kg, có cây chỉ 5-7 kg. Như nhà tôi có 3 ha đồi, ngoài cây quýt hoi mọc tự nhiên, tôi trồng thêm cây cam, cây keo…năm thu hoạch cũng được cả trăm triệu đồng".
Cây quýt hoi cao hàng chục mét cho quả xum xuê. Ảnh: Vũ Thượng
Thu tiền triệu mỗi ngày từ hái quả quýt hoi
Qua tìm hiểu, cây quýt hoi tuy là loài cây dễ tính, nhưng do trong một thời gian dài bị lãng quên, ít được chăm sóc, đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chất lượng giống thấp, nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích.
Những năm gần đây, cây quýt hoi được chính quyền huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) quan tâm phục tráng. Cùng với việc tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình…Qua đó, cây quýt hoi trên địa bàn đang dần được hồi phục và mang lại giá trị kinh tế.
Cũng có mặt tại khu vực thu hoạch quả quýt hoi trên đỉnh Pà Ban, ông Ngân Văn Hờ (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: "Cây quýt hoi thường ra hoa vào mùa xuân và đến đầu tháng 11 cuối tháng 12 hằng năm bắt đầu hái quả. Do cây quýt hoi mọc lâu năm ở những khu vực đồi dốc, cây cao từ 5-7 mét, trên các cành cây lại có gai nên chúng tôi cũng gặp khó khăn trong quá trình hái quả".
"Hầu như ngày nào tôi cũng đi hái quả quýt hoi, không kể thời tiết nắng, mưa…Hôm nay (24/11), tôi hái hơn 100 kg quả quýt hoi, nếu vận chuyển xuống đường lớn là có thương lái đến thu mua. Hiện giá bán quả quýt hoi 15.000 đồng/kg, bình quân ngày tôi lên núi hái quả quýt hoi cũng bỏ túi khoảng 1.000.000 đồng", ông Hờ tâm sự.
Quả quýt hoi ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc biệt. Khi ăn quýt hoi, người ta cảm nhận đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Người vùng cao thường dùng vỏ quýt hoi làm trà uống, để chữa bệnh ho hen.
Đặc biệt, người dân tộc Thái, dân tộc Mường ở huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) khi nấu canh ốc, nhất thiết phải có lá quýt hoi làm gia vị, thì bát canh ốc mới thơm ngon. Vì thế, loại quả này mới có những cái tên, như: Pén hoi-nghia hoi-quýt hoi-quýt ốc.
Hiện nay, trên thị trường cũng đang có loại "Trà Quýt Hoi" được làm từ 100% vỏ quả quýt tự nhiên, sấy khô bảo đảm quy trình, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia. Múi quýt được vắt lấy nước cốt, sên cùng vỏ quýt, gừng ré, đường phèn, được đóng hộp theo quy trình khép kín. Sau đó, dung dịch này được pha trộn mật ong tạo thành một loại đồ uống thơm ngon, bổ sung vitamin C.
"Trước đây, cây quýt hoi mọc tự nhiên và người dân đến mùa là đi lên núi hái quả, nhưng nhiều năm trở lại đây giá bán quả quýt hoi cao, chính vì thế người dân bắt đầu trồng mới thêm một số diện tích. Hiện, toàn xã có 15 ha trồng cây quýt hoi, tập trung ở các bản như: Pà Ban, Eo Kén, Kho Mường…cho sản lượng khoảng 20 tấn/ha/năm.
Giá bán quả quýt hoi giao động từ 10.000-15.000 đồng/kg. Nhận thấy cây quýt hoi đem lại kinh tế cao cho người dân vùng núi, nên chúng tôi đã xây dựng đề án nhằm phát triển cây quýt hoi thành cây trồng chủ lực của địa phương", ông Ngân Văn Tuân-Phó Chủ UBND xã Thành Sơn trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.