Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp đến thăm công ty sản xuất chuối sấy dẻo của vợ chồng anh Văn Đức Tiến và Trương Thị Nhung (trú thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Công ty có 30 công nhân, mỗi ngày thu mua 10 tấn chuối tươi, sản xuất ra 1 tấn chuối sấy dẻo. Công ty này không chỉ mang lại thu nhập cao cho chủ nhân, tạo việc làm cho nhiều người mà còn giải quyết đầu ra cho nông dân trồng chuối trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hoá.
Tâm sự với chúng tôi, anh Tiến cho biết, sau thời gian bươn chải với nhiều nghề, đầu năm 2020, anh quyết định đầu tư làm chuối sấy dẻo.
Chuối tươi sau khi thu mua về để chín tự nhiên, rửa sạch, bóc vỏ, rửa lại, ép mỏng rồi đưa vào phòng sấy khoảng 40 giờ đồng hồ trước khi đưa ra đóng gói hút chân không. Tuy nhiên, ban đầu anh Tiến chỉ sấy chuối bằng công nghệ thô sơ. Nghĩa là dùng củi đun nồi hơi nước để tạo nhiệt cho phòng sấy.
Theo anh Tiến, vì dùng củi đốt nên nhiệt lượng tạo ra không đều, dẫn đến việc phân phối nhiệt độ trong phòng sấy khó ổn định. Vì vậy, sản phẩm không đều về màu sắc, chất lượng. Hơn nữa, việc dùng củi làm chất đốt dẫn đến khói bụi, ô nhiễm môi trường.
Sau khi tham gia một số hội thảo, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, anh Tiến biết Sở Khoa học Công nghệ, trực tiếp là Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin Khoa học Công nghệ nên đến "cậy nhờ".
Anh Tiến chia sẻ, dù đã tìm hiểu về công nghệ sấy lạnh, bản thân lại tốt nghiệp đại học ngành tự động hoá, nhưng anh vẫn không dám đầu tư hệ thống sấy chuối dẻo, bởi chưa dám tin.
Đem nỗi niềm của mình tâm sự với lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ, anh Tiến nhận được sự động viên, hỗ trợ nhiệt tình.
Để anh Tiến vững tin, ban đầu Sở đề nghị anh Tiến mang 2 tấn chuối từ Hướng Hoá về TP Đông Hà để Sở hỗ trợ sấy lạnh.
"Khi mẻ chuối sấy lạnh đầu tiên ra lò, nhìn màu sắc đẹp mắt, sản phẩm ngon hơn cách làm truyền thống của mình, lòng tôi như vỡ oà, bởi nút thắt lâu nay đã được tháo gỡ" – anh Tiến chia sẻ.
Khi đã vững tin, anh Tiến quyết định đầu tư hệ thống sấy lạnh chuối dẻo. Quy trình sấy đã có nhưng theo anh Tiến, đó chỉ là quy trình chung, không thể áp dụng ngay.
Anh Tiến giải thích, khí hậu, nhiệt độ, chất đất… mỗi nơi sẽ tạo ra quả chuối có đặc tính khác nhau, nên cần quy trình sấy khác nhau. Vì vậy, Sở Khoa học Công nghệ đã cử cán bộ đến tận công ty, cùng anh Tiến nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần. Sau 2 tháng gian khổ mới tìm ra quy trình chuẩn để áp dụng.
"Công nghệ là cả một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sau thất bại mới đi đến thành công" – anh Tiến nói.
Nhiều tháng nay, nhờ áp dụng thành công công nghệ sấy lạnh, anh Tiến đã tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, màu sắc tự nhiên, được thị trường toàn quốc ưa chuộng.
Theo anh Tiến, công nghệ sấy lạnh dùng điện gia nhiệt cho quả chuối nóng lên, bốc hơi. Hơi nóng đi qua hệ thống làm lạnh, ngưng tụ thành giọt nước đi ra ngoài. Hệ thống này được điều khiển theo lập trình, đảm bảo nhiệt độ, thời gian sấy… nên sản phẩm tạo ra vượt trội về chất lượng. Tháng 11/2022, sản phẩm chuối sấy dẻo của anh Tiến đạt tiêu chuẩn Vietgap.
"Trước đây sấy bằng đốt củi, tôi thường xuyên mất ngủ vì lo lắng, bởi chỉ cần công nhân ngủ quên là hỏng cả mẻ chuối. Từ khi áp dụng khoa học công nghệ, tôi đã yên tâm ngủ ngon" – anh Tiến tâm sự.
Với phương châm sản xuất tuần hoàn, anh Tiến đã tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của Sở Khoa học Công nghệ Quảng Trị, dùng chế phẩm vi sinh để ủ, sản xuất phân bón dạng viên nén từ cùi và vỏ quả chuối. Số lượng phân vi sinh này đem bón cho cây chuối rất hiệu quả.
Ước mơ của anh Tiến là mở rộng quy mô sản xuất để thu mua chuối nhiều hơn, tránh cho nông dân rơi vào cảnh được mùa mất giá.
Chị Mai Thị Thuỷ (trú thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, Cam Lộ, Quảng Trị) là người có kinh nghiệm 10 năm trong nghề sản xuất các loại cao như cao lá vằng, cà gai leo, cao lạc tiên…
Cũng như những người dân khác ở làng nghề nấu cao Định Sơn, trước đây, chị Thuỷ chỉ sản xuất theo cách truyền thống. Nghĩa là lá cây được đun sôi đến khi nước đặc quánh, tạo thành cao, rất dẻo. Dù sản phẩm của chị đã có thương hiệu nhưng khách hàng đánh giá chưa tiện dụng.
Nắm bắt được khó khăn của người dân, sau khi nghiên cứu thành công, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để chị Thuỷ sản xuất cao hoà tan dạng bột. Thay vì sản xuất ra cao dẻo, sản phẩm cao hoà tan được đóng gói nhỏ, đổ vào nước khuấy đều là có thể sử dụng. Không chỉ vậy, Sở Khoa học Công nghệ còn hướng dẫn chị Thuỷ kết hợp cà gai leo, lá vằng với linh chi để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Chị Thuỷ cho biết, mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ sản xuất các loại cao. Hiện chị đang xây dựng nhà máy để mở rộng quy mô sản xuất.
"Từ khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, không chỉ tôi mà nhiều người dân nấu cao trên địa bàn đã tạo nên bước đột phá về chất lượng sản phẩm cũng như sản lượng bán ra. Đây là tiền đề quan trọng để người dân tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng cao, tiện dụng, phù hợp nhu cầu thị trường. Nhân đây tôi muốn nhắn nhủ đến những người sản xuất rằng, hãy mạnh dạn đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ chắc chắn sẽ thành công" – bà Thuỷ nói.
Ông Đào Ngọc Hoàng – Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, Sở đã nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho nhiều người dân theo hướng cầm tay chỉ việc. Trong đó, đa số các hộ sản xuất đã thành công. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học theo định hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường để người dân áp dụng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.