Vùng đất ở Quảng Trị có bà Chúa Râm, có câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ

Ngọc Vũ Chủ nhật, ngày 06/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Trong dân gian Quảng Trị còn lưu giữ mấy câu thơ truyền lại cho con cháu đời sau: Đi đâu cũng nhớ tháng ba/Hai bảy giỗ bà, tảo mộ vui xuân/Các nơi nô nức xa gần/ Vĩnh Trung, Vĩnh Thủy, Quảng Bình... về đây.
Bình luận 0

Thương dân dân lập đền thờ

Ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, hàng năm cứ đến ngày 27/3 âm lịch, các thế hệ con cháu ở nhiều nơi lại quần tụ về, làm lễ cúng giỗ bà Chúa Râm. Lễ cúng được thực hiện theo nghi thức triều đình.

Để tìm hiểu rõ hơn về thân thế của bà Chúa Râm, chúng tôi tìm về xã Vĩnh Long, gặp những bậc cao niên, lãnh đạo xã và biết thêm nhiều điều thú vị, thiêng liêng.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 1.

Hàng năm cứ đế ngày 27/3 âm lịch, người dân lại tổ chức cúng giỗ bà Chúa Râm. Trong lễ cúng giỗ có rước kiệu bà chúa. Ảnh: N.V

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài – Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Long cho biết, Vĩnh Long là xã đồng bằng, diện tích tự nhiên 2.806,46 ha. Trước năm 1949, xã Vĩnh Long nằm trong một xã lớn có tên Vĩnh Phong, bao gồm Vĩnh Chấp, Hồ Xá Bắc, Tử Chính, Đơn Duệ, Phú Mỹ (Vĩnh Nam). Sau năm 1949, xã Vĩnh Long hợp nhất với Vĩnh Chấp thành một xã gọi là xã Vĩnh Hồ. Đến năm 1956, xã Vĩnh Hồ tách thành hai xã Vĩnh Chấp và xã Vĩnh Long cho đến nay.

Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Long (1930-2005) có ghi, theo sách Ô Châu cận lục của học giả Dương Văn An viết từ thế kỷ XVI, thì làng Sa Long (có nghĩa là rồng sa) tức là làng Sa Trung ngày nay, ra đời cách đây trên 500 năm.

Thủy tổ của làng là Lê Thức, người đồng bằng sông Hồng có ba người con. Cô con gái đầu là Mẫn Lệ xinh đẹp, nết na, đoan chính, thông minh, học rộng, được vua triều đại Hậu Lê đem lòng yêu mến mới tuyển vào cung, nên bà có tên là Mẫn Lệ Phi (tức phi tần Mẫn Lệ). Hai em trai bà là Lê Phú, Lê Quý văn, võ song toàn, một làm Đô đốc, một làm Kinh lược sứ, đều giữ những chức vụ quan trọng của nhà nước phong kiến dưới thời hậu Lê.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 2.

Lễ rước kiệu, cúng giỗ bà Chúa Râm đối với người dân xã Vĩnh Long đặc biệt chú trọng, nhằm tri ân bậc tiền nhân khai khẩn, lập làng. Ảnh: N.V

Về sau, để củng cố phên giậu phía Nam, triều đình sai ba chị em thực hiện kế chiêu dân lập ấp ở châu Minh Linh. Lê Quý trở thành chức quan lớn nhất (hiệu là Lê Quý Công) cai quản toàn bộ châu Minh Linh vì đã có công khai sáng làng, xã ở vùng đất mới. Còn Lê Phú lo khai khẩn đất hoang tạo nên một vùng từ Cổ Kiềng (Sen Thủy, huyện Lệ Thủy - Quảng Bình) đến Hạ Bạn (Cát Sơn, huyện Gio Linh). 

Như vậy Sa Long không chỉ là tâm điểm của huyện Vĩnh Linh mà còn là tâm điểm của nhiều nơi khác trong và ngoài huyện. Từ một làng Sa Long lúc ban đầu, sinh sôi nảy nở và lôi cuốn những dòng người từ vùng quê khác tìm đến định cư sinh sống, cứ thế dần dần có nhiều làng khác ra đời, tạo thành một cộng đồng dân cư rộng lớn như ngày nay. Có thể nói làng Sa Long cũng như xã Vĩnh Long cùng có chung một tiền khai khẩn, một hậu khai canh.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 3.

Lê giỗ bà Vương phi họ Lê được cử hành theo nghi thức triều đình. Ảnh: N.V

Còn bà Mẫn Lệ Phi tuy không làm chức vụ gì cụ thể trong triều, nhưng bà là linh hồn của những cuộc khai phá vùng đất mới. Hơn nữa, bà Mẫn Lệ Phi còn rất mực yêu thương dân chúng nên được nhân dân tôn là Bà Chúa, lập miếu thờ.

Công cuộc chiêu dân lập ấp ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Linh được chép vào sử sách từ đời vua Tự Đức (triều Nguyễn). Người cháu hậu duệ đời thứ 12 của Lê Phú Công và Lê Quý Công là ông Lê Đức, đã nghiên cứu nguồn gốc họ Lê, sưu tầm tài liệu, xác định thêm một lần nữa công lao của ba chị em Bà Chúa, đã viết lại Thế phả.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 4.

Rước kiệu bà Chúa Râm - Mẫn Lệ Phi. Ảnh: N.V

Văn tế của Thế Phả có đoạn:... Ông cha ta khai sáng đầu tiên ở Sa Long vào đầu đời Lê sinh hạ trai vinh, gái quý, có công khai phá lúc đầu để lại công đức to lớn trăm đời sau không thay đổi... Với tình cảm kính yêu ngưỡng vọng, dân làng Sa Long gọi bà Mẫn Lệ Phi là "bà Chúa Râm".

Tương truyền, bà đi đến đâu thì có đám mây theo che nắng đến đó, nếu trời mưa bà đến thì trời cũng tạnh. Và cũng có nghĩa bà như là cây đại thụ tỏa bóng râm và có công đức che chở cho muôn dân. Làng Sa Long lập miếu thờ bà sau khi bà qua đời. Và cứ đến ngày 27/3 âm lịch hàng năm con em làng Sa Long dù đi đâu, ở đâu, làm gì đều phải nhớ về cùng dân làng cúng giỗ Bà Chúa. Lễ cúng theo nghi thức triều đình quy định.

Trong dân gian còn lưu giữ mấy câu thơ truyền lại cho con cháu đời sau: Đi đâu cũng nhớ tháng ba Hai bảy giỗ bà, tảo mộ vui xuân Các nơi nô nức xa gần Vĩnh Trung, Vĩnh Thủy, Quảng Bình... về đây.

Không chỉ người dân làng Vĩnh Long mà cả những nơi Bà Chúa có công chiêu dân lập ấp, hay khai sơn phá thạch đều tìm về làng Sa Long tế lễ như: làng Huỳnh Công (Vĩnh Tú) nổi tiếng với kể chuyện trạng; làng Thủy Trung (Vĩnh Trung); Cổ Kiềng và Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình); làng Thủy Ba (Vĩnh Thủy) nổi tiếng là làng bắt cọp...

Đem vàng ủng hộ Chính phủ

Dưới triều Nguyễn, từ Minh Mạng, Thiệu Trị đến Tự Đức, đều coi Bà Chúa là tiền khai khẩn xứ Minh Linh, nên đều có sắc phong, vật tặng sau khi bà mất. Tại miếu thờ Bà Chúa, sau hậu chẩm có đèn, đai, ngai thếp vàng thật, mũ cửu phụng gắn rồng vàng, áo bào gắn mặt rồng ngang. Một vỏ trấu lâu ngày chuyển thành màu đen là kỷ vật vô giá của một vương phi có công lao góp phần phồn vinh cho đất nước.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 5.

Các bậc cao niên cúng giố bà Chúa Râm Mẫn Lệ Phi. Ảnh: N.V

Cạnh miếu thờ bà có mộ quan đề đốc, tả hữu được đắp to, tường xây bao bọc. Đây là chốn linh thiêng, mọi người đến ngưỡng vọng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các bậc tiền nhân có công lớn chăm lo cho dân, giúp nước.

Những năm tiền khởi nghĩa, ở khu đền và miếu thờ Bà Chúa tại lòi Xó Rọ (Sa Long) trở thành nơi gặp gỡ, ẩn náu của những nhà cách mạng kiệt xuất như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, cùng các vị tiền bối ở huyện Vĩnh Linh như Trần Đức Thưởng, Trần Xuân Miên, Trần Công Ái, Trần Văn Ngoạn...

Thời điểm thực hiện "Tuần lễ vàng" của Chính phủ (bắt đầu từ 17/9/1945), dân làng đã làm lễ xin phép lấy vàng trên bệ thờ, mũ và áo của Bà Chúa ủng hộ cho kháng chiến. Khu đền thờ Bà Chúa còn là căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của xã Vĩnh Long và huyện Vĩnh Linh. Trong kháng chiến chống Mỹ đây là nơi đặt trạm ra đa, kho hậu cần cho quân đội.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 6.

Năm 1967, miếu Bà chúa bị hủy hoại do bom đạn sau hàng thế kỷ tồn tại. Sau ngày đất nước thống nhất, dân làng nơi đây đã góp công, góp của xây dựng một ngôi miếu rộng gần 7m2 ở Tây Bắc khu miếu. Ảnh: N.V

Trong chiến tranh, đế quốc Mỹ thả bom không chừa một mục tiêu nào trên đất Vĩnh Linh: Chợ, nhà dân, trường học, bệnh viện, cầu cống, ga xe lửa, nhà thờ Thiên Chúa giáo, v.v.. Nhưng riêng khu đền thờ Bà Chúa vẫn còn nguyên vẹn, ba ngôi mộ của chị em bà không hề suy suyển, mặc dầu ngôi đền chỉ cách cầu và ga Sa Lung không bao xa. Khi chiến tranh kết thúc, dân làng cùng nhau đóng góp tiền của để xây dựng, tôn tạo lại ngôi đền.

Trở lại cái tên sông Sa Long và làng Sa Long, hai cái tên đã một thời gắn liền với huyền thoại rồng sa. Đến triều đại Gia Long (1802-1819), tất cả các địa danh làng, xã, kể cả tên người đều phải tránh chữ "Long", nếu đã lỡ đặt rồi thì phải đổi. Chính vì vậy, sông Sa Long phải gọi chệch đi thành sông Sa Lung, còn làng Sa Long trở thành làng Sa Lung.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 7.

Liên quan đến bà Vương phi Họ Lê Mẫn Lệ Phi còn nhiều giai thoại lịch sử ghi chép trái ngược nhau. Tuy nhiên, lòng thần kính của người dân xã Vĩnh Long dành cho bà xưa nay chỉ có một. Ảnh: N.V

Theo các cụ lớn tuổi ở đây thì tên Sa Trung còn có ý nghĩa ghi nhớ tên một làng ở tỉnh Thái Bình có đông con em di cư vào đây từ những ngày đầu khai hoang mở đất.

Đất đai Vĩnh Long màu mỡ, có nhiều cánh đồng phì nhiêu, thẳng cánh cò bay và hàng nghìn ha gò đồi chứa đựng nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp (cao su). Hệ thống sông rạch tương đối dày đặc, có dòng sông lớn Sa Lung. Nhờ phù sa và sinh thủy của sông Sa Lung cả cánh đồng của Vĩnh Nam và Hồ Xá trở nên tươi tốt.

Bà Chúa Râm và câu chuyện lấy vàng ủng hộ Chính phủ - Ảnh 8.

Một góc của xã Vĩnh Long. Ảnh: N.V

Vùng quê sông nước hữu tình này đã hun đúc nên tâm hồn thư thái và khoáng đạt của con người. Con em Vĩnh Long nhiều người học hành đỗ đạt đã làm việc trong các cơ quan đảng và nhà nước từ huyện, tỉnh cho đến Trung ương. Chỉ riêng làng Sa Trung từ con trai, con gái cho đến con dâu, con rể đã có hàng trăm người có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Sa Trung có ông Lê Đức là tiến sĩ đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh. Năm 1841, ông Đức làm tổng đốc tỉnh Vĩnh Long - An Giang. Năm 1863, ông còn lãnh trách nhiệm sức binh lính trấn thủ biên giới Cao - Bắc - Lạng và anh dũng hy sinh, được nhà nước đương thời phong Chưởng vệ.

Một huyền thoại rồng sa hư hư thực thực, một đền thờ Bà Chúa Râm - Mẫn Lệ Phi tọa lạc đầy vẻ linh thiêng đã để lại trên mảnh đất Vĩnh Long sự ngưỡng vọng của người dân bao thế hệ trong vùng.

Lễ cúng giỗ Vương phi họ Lê - Mẫn Lê Phi. Clip: N.V


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem