Quảng Trị: Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 31/10/2022 13:24 PM (GMT+7)
Đa phần ai nấy đều không thích người nói trạng nhưng cứ gặp người làng Huỳnh Công (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại bắt họ nói trạng cho bằng được. Chuyện lạ mà có thật bởi làng Huỳnh Công nổi tiếng nói trạng Vĩnh Hoàng, dí dỏm, hài hước và mang nhiều ý nghĩa.
Bình luận 0

Làng nói trạng Vĩnh Hoàng

Một buổi sáng tháng 10, chúng tôi đến thăm Huỳnh Công để tìm hiểu lịch sử nói trạng ngấm trong máu thịt người làng này.

Làng Huỳnh Công cách thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) về phía Đông khoảng 7km đường nhựa. Chưa cần tiếp cận với người dân, chỉ cần nhìn vào bức hoạ ở cổng làng Huỳnh Công Tây, bạn đã cảm nhận được chất trạng nơi này. Đó là bức hoạ người nông dân bắt hổ đi cày.

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 1.

Bức hoạ bắt hổ đi cày ở cổng làng Huỳnh Công Tây đã cho thấy chất trạng truyền thống của người làng Huỳnh Công. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo gia phả của dòng họ Huỳnh (tức họ Hoàng, viết vào tháng 4 niên hiệu Tự Đức thứ 16, năm 1863) thì vào năm 1362 (cách đây 660 năm), ông Huỳnh Đại La, người ở Hoan Châu đã cùng con trai khai hoang, lập làng Huỳnh Công. Sau này, các họ Trần, Nguyễn, Tạ đến góp sức mở rộng quy mô.

Tháng 2/1946, làng Huỳnh Công (gồm 3 thôn Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Nam) nhập với 18 thôn khác thành xã Vĩnh Hoàng. 

Năm 1955, xã Vĩnh Hoàng được chia thành 4 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Nam, Vĩnh Tú, Vĩnh Thái. Làng Huỳnh Công thuộc về xã Vĩnh Tú, có địa hình đặc biệt, gồm những mỏm đồi liên hoàn xen lẫn rừng rậm thiên nhiên với nhiều lâm sản quý.

Huỳnh Công có đất đỏ bazan màu mỡ xen các trảng cát phù hợp cây tiêu, chè, cao su, khoai, sắn… và đặc biệt là dưa đỏ - đặc sản nổi tiếng khắp đất nước với cái tên dưa Vĩnh Tú. Loại dưa đen trùi trũi, to vật vã, vỏ cứng, ruột đỏ tươi, mềm và ngọt mát.

Ở Huỳnh Công còn có bàu Thuỷ Ứ chưa bao giờ cạn, như cái kho đựng cá, tôm của dân làng. Ngày nay, bàu Thuỷ Ứ còn là nơi check-in, điểm du lịch sinh thái thú vị của du khách gần xa.

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 2.

Một góc làng Huỳnh Công kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ngược về quá khứ, trước khi con người làm chủ, biến vùng đất này trở nên trù phú, Huỳnh Công là nơi trú ngụ của lãnh chúa sơn lâm (hổ). Cuộc sống người dân xưa kia rất nghèo bởi thiên tai, hổ beo phá phách…

Những thành ngữ như ăn cơm bữa diếp, đói rạ mắt, quần chó táp đứng hay câu ca buồn nhức nhối Áo rách chi lắm áo ơi/ Áo rách trăm chỗ không nơi rận nằm chính từ nơi này mà ra. Xưa có người con gái về làm dâu đất này, cơ cực quá đã phác hoạ chân dung mình thế này: Em về Vĩnh Tú làm chi/ Ruộng đồng thì ít, rú ri thì nhiều. Em về Vĩnh Tú làm giàu/ Chột môn thay mắm, sắn tàu thay cơm.

Dù nghèo đói là vậy nhưng không thể khuất phục con người Huỳnh Công. Họ vẫn ngày đêm chăm chỉ làm việc, khai hoang phục hoá phát triển quê hương.

Trong lịch sử của xã Vĩnh Hoàng, Huỳnh Công là làng sáng tác chuyện để nói trạng, vì vậy ngoài tên gọi đã trở thành thương hiệu là trạng Vĩnh Hoàng, người ta còn gọi là trạng Huỳnh Công.

Nghệ nhân kể chuyện trạng Võ Văn Nồng (xã Vĩnh Tú) cho biết, xưa kia không có máy móc hỗ trợ, người dân xã Vĩnh Hoàng nói chung, làng Huỳnh Công nói riêng làm lụng rất vất vả. Đến giờ giải lao, mọi người tụ tập lại, vừa uống nước chè vừa nói trạng để tạo niềm vui, vơi bớt mệt nhọc. Dần dần, những câu chuyện trạng trở thành nét đặc sắc, được lưu truyền và phát triển thêm nhiều câu chuyện mới, hợp với thời sự hơn.

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 3.

Nghệ nhân kể chuyện trạng Võ Văn Nồng (xã Vĩnh Tú) ghi chép lại những câu chuyện để lưu truyền cho con cháu. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trong tác phẩm Vĩnh Linh của nhà văn Nguyễn Huy đã từng viết: "Vĩnh Linh có hai làng, một làng giỏi võ với tài bắt cọp là làng Thuỷ Ba (xã Vĩnh Thuỷ), một làng giỏi văn với tài ứng tác truyện tạng nổi tiếng khắp cả nước đó là Vĩnh Hoàng".

Để nói trạng như người dân Vĩnh Hoàng phải có đầu óc thông minh, một cảm quan nghệ thuật sắc sảo, có tài bịa chuyện nhanh, ứng tác văn học và giàu kỹ năng trào lộng, hài hước trong bất cứ hoàn cảnh nào…

Chuyện trạng quảng bá quê hương

Người dân Vĩnh Hoàng nói trạng nhưng không phải chỉ nói khoác, phóng đại sự việc một cách đơn thuần, bông lơi dễ dãi. Qua những câu chuyện trạng, thiên nhiên và con người Vĩnh Hoàng hiện ra thật đẹp, dân dã, chất phác và hồn nhiên. Từ rú Trâm Bầu, bàu Thủy Ứ, ruộng đồng, vườn cây đến con cá, quả dưa, củ khoai, trái ớt… tất cả đều sinh chuyện, luôn gắn với một giai thoại độc đáo, hài hước, tưng tửng và mang tính bất ngờ thú vị.

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 4.

Cụ Trần Hữu Chư vẽ chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở bức tường nhà mình. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ví như giới thiệu về sự trù phú của bàu Thuỷ Ứ, người dân Vĩnh Hoàng kể câu chuyện "Cá tràu bảy món", nghe thôi là mắt a mồm chữ o. 

Câu chuyện như sau: Rảnh rỗi, bọ (tôi) xách cần câu ra bàu Thủy Ứ kiếm chút cá cải thiện. Bọ móc mồi lấy đà quăng cần một phát, ai dè chạc (dây) câu chạy ro ro, không xuống bàu mà qua tận bên rú Hàn. Đang nghĩ, lỡ hắn (nó) mắc cột cây thì ai qua gỡ cho, thì ở mô (đâu) một lạo (con) chuốc chuốc (chim cuốc) đã lao ra đớp mồi chạy, chưa được mấy bước thì một ả (em) chồn chắc rình rập nãy giờ, chộp luôn. 

Bọ xâm mắt nhưng cũng mừng thầm, không câu được cá thì có chuốc chuốc với chồn rồi. Rứa (vậy) là bọ bình tĩnh, trặc (giật) cần câu, lôi cả hai con xuống bàu. Mới được một đoạn thì, oa chà, từ dưới bàu, một đực (con) tràu (cá lóc) đại chang (to lớn), trốôc (đầu) nổi lên đen thui như cái nồi bung, lao lên ngoạm luôn ả chồn lặn mất tăm. Hoảng quá, bọ trặc cần, vật chắc với đực tràu. 

Hắn kéo, bọ trì, thi gan rứa, từ sáng đến chiều. Chạc cước câu căng như dây đờn (đàn), gió thổi qua kêu tửng từng tưng. Cuối cùng đực tràu đoạ, bọ lôi lên bờ, kéo về nhà, bọ lấy cuốc xợt (chắn) vảy, cho mỗi người trong xóm một cái làm quạt…

Bọ mổ bụng đực tràu lôi ra ả chồn, mổ bụng ả chồn lôi ra lạo chuốc chuốc, mổ bụng lạo chuốc chuốc thì ôi thôi lủ khủ là cá, tôm, tép... cả rổ. Vị chi hôm đó nhà bọ mần được bảy món: tép rang, cá rán, lòng xào sả, chồn giả cầy, thịt hong, cháo lòng và lẩu.

Nghe và đọc những truyện trạng ứng tác trong cuộc sống lao động, sản xuất, thời kỳ kháng chiến chống giặc xâm lược, sức mạnh của người dân Vĩnh Hoàng càng được bộc lộ rõ. Chuyện "Dư một đứa con" là ví dụ điển hình. Câu chuyện kể về vợ chồng anh dân quân đi trực chiến về, ba đứa con đã ngủ dưới hầm. 

Vợ chồng phát hiện trong hầm có bốn đứa trẻ đang ngủ, dư một đứa lại đang nóng sốt. Mãi đến khi bật lửa lên mới hay là quả bom khoan của giặc chui xuống hầm cạnh bọn trẻ. Anh chồng nhẹ nhàng bồng quả bom lên, vứt xuống vũng trâu dầm.

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 5.

Nguyễn Trần Thiên Phúc đã kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ khi 6 tuổi. Ảnh: N.V

Giới thiệu về đặc sản dưa đỏ Vĩnh Tú, người Vĩnh Hoàng sáng tác câu chuyện quả dưa to đến nỗi đàn quạ chui vào ăn, chủ nhân phát hiện bắt bọp (giết) mỏi cả tay. Hay cây ớt to đến mức xẻ thân đủ ván đóng cổ quan tài; cây khoai dài qua 2 tỉnh, gốc ở Vĩnh Hoàng, ngọn dài tới huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình)…

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 6.

Gỏi tép nhảy Bàu Trạng ở xã Vĩnh Tú vừa lọt top 100 món ăn đặc sản lần thứ V, năm 2021 – 2022 do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công bố vào tháng 9/2022. Ảnh: N.V

Tựu chung, bằng những biện pháp nghệ thuật độc đáo, phóng đại gián tiếp, khai thác đề tài, xây dựng cốt truyện, nhân vật sử dụng ưu thế ngôn ngữ địa phương, truyện trạng Vĩnh Hoàng đã đưa người nghe vào thế giới hiện thực nhưng thấm đẫm chất lãng mạn. 

Phải dày dặn, vững vàng trong thử thách, phải có bản lĩnh nghị lực, nhất là có tình yêu tha thiết với quê hương, làng xóm, tình yêu đời, yêu cuộc sống người Vĩnh Hoàng mới tạo được tiếng cười hấp dẫn và độc đáo đến như vậy. 

Kho truyện trạng Vĩnh Hoàng đã chứng minh khả năng sáng tạo vô cùng to lớn của quần chúng lao động, làm rõ hơn ý nghĩa: Ở đâu cuộc sống người lao động chịu muôn vàn thử thách ở đó có sự sáng tạo văn học dân gian. Đối với người dân Vĩnh Hoàng, kho truyện trạng là niềm tự hào, là niềm kiêu hãnh; nó làm cho người Vĩnh Hoàng thêm gắn bó với quê hương, tác dụng động viên quần chúng có thêm sức mạnh trong sản xuất, chiến đấu. 

Tiếng cười trong từng truyện trạng thực sự là vũ khí tăng thêm sức mạnh của bản lĩnh, ý chí, giúp người dân Vĩnh Hoàng tự tin, vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng quê hương mến yêu của mình ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Làng nổi tiếng hơn 600 năm nói trạng Vĩnh Hoàng - Ảnh 7.

Không chỉ nói trạng giỏi, người Huỳnh Công nói riêng, Vĩnh Tú nói chung còn đam mê thể thao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Nhưng, phải lưu ý một điều là nếu chỉ đọc truyện trạng Vĩnh Hoàng thì giỏi lắm bạn chỉ cảm thụ được một nửa cái tinh tuý, cái hay mà thôi. Nếu muốn cảm nhận rõ hơn, bạn hãy đến làng Huỳnh Công để nghe trực tiếp mới được cười sảng khoái.

Bà Hoàng Dạ Hương, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Tú cho biết, có nhiều người được công nhận là nghệ nhân chuyện trạng Vĩnh Hoàng như ông Trần Đức Trí (vừa mới mất), nghệ nhân Nguyễn Đình Sồ, nghệ nhân Võ Văn Nồng. Có người lại vẽ chuyện trạng như cụ Trần Hữu Chư… Người trẻ tuổi kể chuyện trạng như cậu bé Nguyễn Trần Thiên Phúc (9 tuổi, thôn Tây Ba, xã Vĩnh Tú). Chỉ mới học sinh lớp 3 nhưng Phúc đã đứng trên nhiều sân khấu từ ở xã cho đến tỉnh để kể chuyện trạng bằng những thổ âm, thổ ngữ "đặc sệt" địa phương cùng sự nhấn nhá, nhả chữ đúng chất làng trạng.

Mới đây, câu lạc bộ chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã được thành lập, trở thành sân chơi cho người dân có cơ hội tập trung biên soạn, sáng tác, biến tấu ra nhiều thể loại về trạng, viết ra để kể.

Bà Lê Thị Anh Chi - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, cùng với tinh thần giữ gìn bản sắc của người dân, chuyện trạng Vĩnh Hoàng sẽ lưu truyền ngàn đời, như mạch nước ở bàu Thuỷ Ứ, chưa bao giờ cạn.

Kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng là nét độc đáo, di sản phi vật thể cần quan tâm lưu truyền, phát triển. Clip: Ngọc Vũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem