Dân Việt

Thị trường điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào 2025

Hồng Vinh 30/11/2022 13:44 GMT+7
Xu hướng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây ngày càng phát triển và nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang dùng dịch vụ cloud thì thị trường sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2025…

Thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây (cloud computing) của các nhà cung cấp như Amazon Web Service (AWS) và sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam như FPT, VNPT, Viettel, CMC… cho thấy Việt Nam đang là một thị trường sôi động và đầy tiềm năng.

Trong bối cảnh Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ công nghệ thế giới, cùng điều kiện cơ sở hạ tầng số phát triển mạnh mẽ, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại ASEAN nhờ việc tăng tốc quá trình chuyển đổi số.

Thị trường điện toán đám mây Việt Nam sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào 2025 - Ảnh 1.

Công bố liên doanh G-AsiaPacific Vietnam đươc thành lập giữa G-AsiaPacific (Malaysia) và Công ty cổ phần Phân phối Việt Nét (Việt Nam) ngày 23/11.

Tại buổi công bố Công ty liên doanh G-AsiaPacific Vietnam do G-AsiaPacific (công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của K-One Technology Berhad, Malaysia) và Công ty cổ phần Phân phối Việt Nét (Việt Nam) thành lập ngày 23/11, ông Nguyễn Hữu Nguyên, đại diện Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: Trong vòng 10 năm qua, lưu lượng dữ liệu Internet tại Việt Nam đã tăng lên hàng chục lần. Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng những chiến lược và mục tiêu rõ ràng của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số là những yếu tố then chốt hình thành xu hướng và thúc đẩy sự phát triển của điện toán đám mây tại Việt Nam.

Mặt khác, sự tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Việt Nam càng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê, nếu xu hướng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tiếp tục phát triển, thì riêng dịch vụ lưu trữ trên “Cloud” sẽ phục vụ cho 100 triệu người dùng Internet, tương đương 500 triệu USD. Nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang dùng dịch vụ điện toán đám mây, thì thị trường sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2025.

Đánh giá về sự hợp tác G-AsiaPacific và Việt Nét, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam đang phấn đấu làm chủ các công nghệ dùng cho điện toán đám mây và đa dạng các loại hình ứng dụng. Lần hợp tác này là một phần trong kế hoạch mở rộng kinh doanh điện toán đám mây tại ASEAN và châu Đại Dương của tập đoàn K-One.

Đồng thời, Việt Nét sẽ phụ trách phát triển kinh doanh thương mại thông qua mạng lưới trải rộng và bề dày hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, G-AsiaPacific với đội ngũ chuyên gia của mình sẽ hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Ông Mark Goh, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập G-Asiapacific, cam kết sẽ đầu tư vào Liên doanh này để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được các công nghệ điện toán đám mây mới nhất trên thế giới, chuyển đổi và mở rộng quy mô kinh doanh kỹ thuật số.

Được biết, ngoài văn phòng chính tại TP.HCM, Việt Nét còn có văn phòng tại Hà Nội, Phnom Pênh (Campuchia), Kuala Lumpur (Malaysia) và Viêng Chăn (Lào). Việt Nét đang trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước trong khu vực ASEAN.