Trẻ em 9 tuổi đã dùng smartphone nhưng 4 năm sau mới được trao đổi về an toàn trên mạng

Thứ ba, ngày 29/11/2022 08:07 AM (GMT+7)
Trẻ 9 tuổi đã được dùng thiết bị di động nhưng phải đến 13 tuổi, trẻ mới được trò chuyện về an toàn trên mạng, nghĩa là có 4 năm trẻ em Việt Nam thiếu thông tin về tự bảo vệ bản thân trên Internet - theo Google.
Bình luận 0
Trẻ em 9 tuổi đã dùng smartphone nhưng 4 năm sau mới được trao đổi về an toàn trên mạng - Ảnh 1.

Khảo sát của Google năm 2022 chỉ ra, cứ 3 phụ huynh thì có 1 người cảm thấy con mình không hiểu rõ các vấn đề về sự an toàn trên mạng.

Theo một khảo sát của Google và Qualtrics về ý kiến của cha mẹ về sự an toàn trên mạng trong đầu năm 2022, cha mẹ Việt Nam cảm thấy tích cực và tự tin hơn khi cùng gia đình sử dụng công nghệ so với năm ngoái với 81% cha mẹ tin tưởng rằng con họ sẽ trao đổi với họ khi gặp vấn đề trên mạng. Bên cạnh đó, mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh là thói quen lành mạnh trên môi trường kỹ thuật số, quyền riêng tư - bảo mật và nội dung không phù hợp.

Tuy nhiên, cứ 3 phụ huynh thì có 1 người cảm thấy con mình không hiểu rõ các vấn đề về sự an toàn trên mạng; khi độ tuổi trung bình của trẻ sở hữu điện thoại di động là 9, nhưng độ tuổi trung bình của trẻ được trò chuyện về sự an toàn trên mạng.

“Hiện nay, với nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục, song song với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chính là việc phát triển các kỹ năng an toàn trên mạng cho cả giáo viên và học sinh. Đặc biệt sau thời gian học sinh học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng càng cần thiết để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ tiềm ẩn, gây hậu quả xấu.

Mặt khác, Bộ giáo dục và Đào tạo có chủ trương xây dựng và lồng ghép vào chương trình giáo dục việc đào tạo kĩ năng số, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thúc đẩy trao đổi hợp tác quốc tế trong việc bảo đảm an toàn thông tin cho trẻ em tại trường học" - đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.

Trong bối cảnh ấy, Google và Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (C.F.C Việt Nam), các sở giáo dục và trường học tại nhiều tỉnh thành đã phối hợp triển khai chương trình giáo dục "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google" tại Việt Nam.

Khởi động từ tháng 10/2021, dự án "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google" cung cấp bộ giáo trình đa dạng và hoàn toàn miễn phí, cùng trò chơi interland phiêu lưu về an toàn kỹ thuật số.

Năm 2022, Google giới thiệu "Internet phiêu lưu ký" phiên bản Việt hóa, giúp các bậc cha mẹ cùng trẻ học hỏi và phát triển trong môi trường mạng một cách tự tin và an toàn. Riêng bộ giáo trình được thiết kế đặc biệt nhằm hướng dẫn trẻ sử dụng internet một cách an toàn, cẩn trọng và tránh các hành vi xấu có nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ, cũng như dạy trẻ các nguyên tắc cơ bản về an toàn kỹ thuật số và quyền công dân số để các em có thể tự tin khám phá thế giới trực tuyến.

Theo đại diện Google, sau hơn 1 năm triển khai dự án "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google", đã có 7.443 giáo viên tại 1.115 trường tiểu học ở 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái được tập huấn giảng dạy trẻ kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả với hơn 1 triệu học sinh được tiếp cận và trang bị các kiến thức từ chương trình.

Anh Lê (Theo Viettimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem