Đáng chú ý là tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 - 77%. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sẽ có lễ mừng sự kiện này.
Theo VASEP, tính đến hết tháng 11, XK cá tra tăng trưởng mạnh 63%, đạt gần 2,3 tỷ USD, tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%. Cá ngừ là ngành có tốc độ tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40%, đạt 941 triệu USD. XK mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30% - đạt 704 triệu USD.
Thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thủy sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021, riêng con tôm đã chiếm khoảng 700-800 triệu USD. XK sang Trung Quốc - Hongkong và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD.
Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thủy sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD.
"Cần mạnh dạn đưa ra mục tiêu xuất khẩu thủy sản 20 tỷ USD vì nhu cầu thế giới còn rất lớn. Với sự tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, giảm nguồn lợi từ khai thác, chúng ta có thể hy vọng đạt được mức này ở một thời gian nào đó và cần nỗ lực để đạt được".
Ông Trương Đình Hòe
Khối các nước CPTPP (bao gồm cả Nhật Bản), chiếm trên 26% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, để có được thành tích này, thời gian qua, ngành thủy sản đã tập trung vào một số yếu tố.
Thứ nhất, đó là nhu cầu từ thị trường tăng lên, trọng điểm là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Thứ 2, giá XK tăng lên từ 10 - 15%, do giá cước tàu vận chuyển tăng. Thứ 3, các lợi thế về thuế quan sau khi ký các hiệp định CPTPP, EVFTA đã được chúng ta tận dụng hiệu quả, nhất là ở các thị trường Canada, Mexico, Australia tăng rất mạnh hơn 30%, đạt trên 200 triệu USD/thị trường.
Thứ 4, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường đã được chúng ta tổ chức lại rầm rộ sau dịch Covid-19, góp phần phục hồi và tăng trưởng mạnh từ tháng 3 đến tháng 8. Cuối cùng là chúng ta có nguồn nguyên liệu dự trữ từ cuối năm 2021 chuyển sang nên có sản lượng dồi dào đáp ứng nhu cầu các đơn hàng, nhất là cá tra, cá ngừ.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Hòe cho biết phía các doanh nghiệp đã có sự chủ động trong vấn đề nguyên liệu và sản xuất. Khi thế giới bắt đầu vào giai đoạn cao trào của dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp thủy sản vẫn kiến nghị với Bộ NNPTNT và Chính phủ tiếp tục nuôi trồng thủy sản bình thường và thực tế điều đó đã giúp cho việc phục hồi sau đại dịch rất nhanh.
Thứ hai là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, xu hướng tiêu dùng. Khi đại dịch xảy ra, người tiêu dùng không ra đường được nên phải ăn thủy sản tại nhà, các doanh nghiệp đã chuyển dịch kịp thời, đáp ứng ngay nhu cầu thị trường. "Đó cũng là bài học về sự kiên trì, chủ động mà các doanh nghiệp đã đúc rút được sau dịch Covid-19, vì vậy không cần quá nhiều thời gian để phục hồi như một số ngành khác" - ông Hòe nói.
Thứ ba là doanh nghiệp thủy sản đã theo đuổi mục tiêu hiện đại hóa trong nhiều năm. Việt Nam hiện trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới. Thứ tư là tập trung cho quá trình sản xuất xanh, bền vững, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của các quốc gia phát triển, đồng thời tìm kiếm cả những thị trường ngách, ít cạnh tranh để chiếm lĩnh.
Dự báo thách thức, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp
Trên bản đồ XK thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia XK lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy (2 nước có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam). Với kết quả của năm 2022, ước tính thủy sản Việt Nam sẽ chiếm hơn 7% thị phần trên thị trường thủy sản thế giới.
Tuy nhiên, trong tháng 11 vừa qua, tăng trưởng XK đã chậm lại, do nhu cầu thị trường tụt dốc. Dự báo, tháng 12, XK thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Nguyên nhân là lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 tới gần như đình trệ.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu.
Để ứng phó với tình hình này, ông Hòe cho biết chúng ta phải hiểu rõ nhu cầu của thị trường, sức mua của nhà nhập khẩu.
"Thực tế, từ tháng 7 nhu cầu đã bắt đầu giảm rồi, vì vậy giai đoạn phục hồi có thể trở lại sau quý I/2023. Các doanh nghiệp cần có giải pháp cầm cự, nỗ lực duy trì sản xuất nhằm duy trì quan hệ mua bán với các khách hàng thân thiết, thị trường lớn. Đó cũng là giải pháp chúng ta giữ ổn định vùng nguyên liệu, giúp nông dân yên tâm thả nuôi vụ mới, tránh tình trạng khi nhu cầu tăng lên lại không có hàng" - ông Hòe nói.