Nhiều di tích còn giữ nguyên vẹn thần phả của làng, được các thế hệ trước giữ gìn và truyền lại; đó là truyền thuyết dân gian về các vị thần và Thành hoàng làng được thờ ở đình làng, lăng, miếu, các vị anh hùng có công với đất nước hay sự tích hòa thượng khai lập những ngôi chùa cổ.
Trong đó nhiều sự tích kể về vua Gia Long, khi còn là Nguyễn Ánh trong những năm cuối thế kỷ 18. Sau những lần bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lẫn trốn vào những đình, chùa trong đất liền hoặc bôn tẩu bằng đường biển ra đảo Phú Quý.
Gia Long (1762 – 1820) là vị Hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Nguyễn Ánh có bị quân Tây Sơn truy kích ra đến Phú Quý hay không, và ra thời gian nào cũng như việc ngài có ghé đến một số đình, chùa, lăng vạn ở Bình Thuận, lâu nay là vấn đề thu hút sự quan tâm tìm hiểu của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trong nhiều di tích thì tài liệu xưa ghi chép về nội dung trên khá nhiều, kể cả trong sử sách của triều Nguyễn.
Người dân ở những di tích trên thì rất tự hào về điều đó ở làng quê mình. Ở Bình Thuận chúng tôi ghi nhận nội dung trên qua một số thần phả của các di tích sau:
Di sản Gia Long trong đất liền
Tại vạn Thạch Long, sách Đại Nam nhất thống chí có ghi nhận: “Miếu Nam Hải ở phía Tây núi Vị Nê, thôn Thạch Long, thờ thần Nam Hải (Long Vương). Năm Ất Mão đầu đời Trung Hưng, Thế Tổ đến chơi đền, tặng một đôi tán. Trước đền là động cát, trước kia có đài phong hỏa, nay bỏ”. Năm Ất Mão tức năm 1795, lúc Nguyễn Ánh tức vua Thế Tổ còn chưa lên ngôi. Như vậy, cư dân định cư ở Mũi Né tính đến nay khoảng hơn 200 năm và ngôi vạn Thạch Long cũng có niên đại xấp xỉ như thế tức vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18. Nghiên cứu tài liệu lưu trữ ở đây cho biết, nguồn gốc dân cư đa phần ở Quảng Bình và Quảng Nam.
Cụ thể là gốc gác ở làng biển Lý Hòa (ngày nay vẫn giữ địa danh Lý Hòa ở về phía nam dưới chân đèo Lý Hòa), thuộc tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vốn là nguyên quán của lớp người đến lập nghiệp nơi đây và miếu Nam Hải lúc đó ở thôn Thạch Long, thuộc tổng Thắng An, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận.
Tại chùa Bửu Sơn: Sách Đại Nam nhất thống chí viết về chùa Bửu Sơn: “Chùa ở trên đỉnh núi, phía sau có 2 ngôi tháp, nên tục danh là chùa Tháp. Thuở đầu Nguyễn Trung Hưng, vua Cao Hoàng (Triều Nguyễn) đến viếng, mới đặt cho tên là Bửu Sơn tự, ban cấp tiền và làm tấm biển. Nay trong chùa có biển khắc chữ “Ngự tứ Bửu Sơn tự” (vua đã đến ban cho tên chùa Bửu Sơn).
Tại đình làng Bình An: Tài liệu khảo sát nghiên cứu qua các nguồn bằng chữ Hán Nôm còn lưu giữ ở đây cho biết: Đình Bình An được vua Gia Long ban tặng 2 chiếc đại hồng chung vào năm Giáp Tý (1804) – năm Gia Long thứ 3.
Một chiếc để tại đình và một chiếc đặt ở Cổ Thạch Tự (chùa Hang). Chuông đúc bằng gang pha đồng, tiếng kêu thanh thót, vang dài và ngân xa. Trọng lượng mỗi chiếc trên 100 kg, được đúc với hình dáng và trang trí nhiều hình tượng trang trọng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, giặc đã đột nhập vào chùa Cổ Thạch nhiều lần chúng đập vỡ chuông (nhà chùa đã ủng hộ cho Việt Minh dùng đúc vũ khí), sau đó chúng cho rằng đình làng đã dùng chuông để báo động cho Việt Minh, nên chúng cướp luôn chiếc đại hồng chung còn lại của đình.
Di sản Gia Long ở Phú Quý
Tại chùa Linh Quang: Thần phả ghi “Chùa được tạo dựng vào năm 1747 (đời Cảnh Hưng năm thứ 8). Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Linh Quang gắn liền với sự suy thịnh của xã hội đương thời. Nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử liên quan đến chùa mãi mãi được khắc ghi.
Đặc biệt là vua Gia Long, khi còn là Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã bôn tẩu ra Phú Quý và dừng chân lưu gót tại chùa”.
Tư liệu cho biết, khi bị quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Ánh từ Gia Định phải chạy ra đảo Cổ Long (tên gọi đảo Phú Quý lúc đó). Trong thời gian ẩn náu trên đảo, Nguyễn Ánh đã từng đến chùa Linh Quang khấn niệm và cầu mong đức Phật bảo bọc, chở che cho vận mệnh của mình lúc nguy cấp vì việc nước.
Để tưởng nhớ những ngày vua bôn ba ra hải đảo, đồng thời lưu lại kỷ niệm vua đến thăm chùa, các nhà sư ở chùa Linh Quang đã tạo tác bài thơ ngay trước sân thượng của chùa với nội dung:
“Gia Long bôn tẩu thời quốc nạn
Cập đảo mai danh đáo Linh Quang
Ngắm nhìn đoài, chấn phùng thánh địa
Đặt hướng Tây canh dựng Đại môn”.
Không biết vua Gia Long trú ngụ trên đảo Phú Quý được bao lâu, nhưng đề phòng bất trắc xảy ra, nhà vua thường ở đảo Hòn Tranh phía nam Phú Quý để trú ẩn.
Ngày nay, bên đảo Hòn Tranh còn lưu lại một số di tích liên quan đến Nguyễn Ánh và tùy tướng của ông, trong đó có một giếng nước ngọt quanh năm mà người dân trên đảo quen gọi là giếng Gia Long. Giếng sâu 7m, được xây bằng đá san hô, thành giếng cao 80cm, đường kính 1,2m.
Sau sự kiện này, đến năm Nhâm Tý (1792), quân Tây Sơn tới đảo và thu nạp dân để lập đội thủy binh vì họ có kinh nghiệm và tính can trường trên biển. Phú Quý lúc này có tên gọi là xứ Cù Lao Khoai, thuộc huyện An Phước, phủ Bình Thuận.
Khảo sát, nghiên cứu về sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho các vị thần và ra lệnh cho các làng, xã ở tỉnh Bình Thuận thờ phụng, cho biết số lượng đã lên đến con số trên 400 điệu sắc. Riêng đảo Phú Quý có đến trên 100 điệu sắc phong.
Nếu so số dân và diện tích với những nơi khác trong đất liền thì quả là mật độ dày đặc. Vì sao có sự việc đó, trong lúc giao thông với Phú Quý thế kỷ 18, 19 vô cùng cách trở, đi lại khó khăn ở thời điểm bấy giờ lại được các đời vua Triều Nguyễn quan tâm như vậy.
Chắc chắn là vì Phú Quý được coi là đảo tiền tiêu quan trọng lúc bấy giờ của triều Nguyễn và mặt khác vì có thời gian vua Gia Long được người dân che chở, bảo bọc và các vị thần bảo trợ cho tai qua, nạn khỏi trong thời gian lánh nạn trên đảo.