Dân Việt

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Chú trọng tăng thu nhập của người dân

Văn Đức 05/12/2022 11:02 GMT+7
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua và thời gian tới, tỉnh Hậu Giang luôn xác định rõ những định hướng, mục tiêu cụ thể, trong đó vấn đề được quan tâm đặc biệt là tập trung đến phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Phấn đấu thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,5 lần

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 35 xã nông thôn mới (NTM), 7 xã NTM nâng cao. 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. Tỉnh phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 16 tiêu chí và các xã, ấp đặc biệt khó khăn phải cơ bản hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; những địa phương (xã, huyện) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Chú trọng tăng thu nhập của người dân - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: TTXVN

"Đối với các xã NTM, địa phương tập trung cho đề án Hậu Giang xanh của tỉnh. Đây là đề án rất thiết thực cho người dân kể cả ở nông thôn và thành thị, từng bước nâng cao nhận thức về môi trường ở nông thôn và đô thị" - lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang đánh giá.

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang thông tin: Qua đánh giá và nắm tình hình, từ khi các xã NTM công nhận đến nay, trước tiên là thể hiện rõ được ý thức của người dân ở nông thôn ngày càng được nâng lên rõ, đặc biệt là người dân ý thức được xử lý rác thải ở địa bàn và rác thải hộ gia đình.  Cùng với đó, người dân quan tâm chỉnh trang lại cảnh quan, bảo vệ môi trường. Trong sản xuất, nông dân chú trọng liên kết tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập. Thứ tư, duy trì các tiêu chí, thường xuyên duy chí mang tính chính người dân sẽ làm.

Hiệu quả các đề án, chương trình nông nghiệp

Vừa qua, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã tham mưu và vừa được UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí để đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.Bộ tiêu chí gồm 9 tiêu chí, trong đó có 5 tiêu chí bắt buộc và 4 tiêu chí tự chọn. Cụ thể đối với 5 tiêu chí bắt buộc, đáng chú ý là thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại cùng thời điểm; mô hình ấp thông minh sẽ được chính quyền địa phương cấp xã có thể đăng ký thực hiện và hoàn thành ít nhất một trong ba nội dung là kinh tế số, xã hội số và hành chính điện tử; về sản xuất phải có mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn và sử dụng công nghệ cao Đối với 4 tiêu chí tự chọn hoàn thành ít nhất một tiêu chí, gồm: giáo dục phải có mô hình giáo dục môi trường và thực hiện phân loại rác trong trường học, đồng thời cộng đồng học tập cấp xã được đánh giá, xếp loại "khá"; về văn hóa thì 100% điểm công cộng phải có lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời; đối với du lịch thì có ít nhất một dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh còn hiệu lực…

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Chú trọng tăng thu nhập của người dân - Ảnh 3.

Hậu Giang đang triển khai nhiều biện pháp để phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Sản phẩm từ cá thát lát ở huyện Phụng Hiệp được Hội đồng OCOP tỉnh Hậu Giang đánh giá đạt 4 sao. Ảnh: HUỲNH XÂY

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang cho biết, trong giai đoạn đã qua và thời gian tới tỉnh luôn định hướng xây dựng NTM là quyết liệt thực hiện các tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có hơn 70% số người dân sinh sống tại nông thôn và sống chủ yếu bằng nghề nông nên việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm hàng đầu trong xây dựng NTM. Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch: đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; chương trình OCOP, tổ chức xúc tiến đầu tư kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…

Các chương trình, đề án này giúp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường, nhất là tập trung cho các nông sản chủ lực gồm lúa, mít, chanh không hạt, bưởi, khóm, mãng cầu, heo, lươn, cá thát lát và cá tra; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tăng dần diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao…

Kết quả ấn tượng của việc thực hiện các đề ấn, chương trình phát triển nông nghiệp là đã góp phần nâng cao rõ rệt thu nhập và chất lượng đời sống của người dân nông thôn, cụ thể thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10 triệu đồng/năm (2010) lên 41,2 triệu (2021).