Thấy phụ phẩm nông nghiệp như: mít, chuối, thân cây bắp… của gia đình và bà con trong vùng bỏ nhiều, chị Đặng Thị Ngọc Đào (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã nảy ý định tận dụng nguồn thức ăn có sẵn này để nuôi dê.
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nuôi dê lấy sữa
Chị Đặng Thị Ngọc Đào - chủ Cơ sở chăn nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào (ấp 2B, xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình chị có khoảng 7 công đất, trước đây trồng lúa và chuyển dần sang làm vườn với nhiều loại cây như chuối, mít, bắp… Hàng năm phụ phẩm nông nghiệp từ vườn nhà và các hộ lân cận bỏ đi rất nhiều. Cách đây khoảng hơn 10 năm, sau một chuyến đi học tập kinh nghiệm từ mô hình nuôi dê ở Ba Vì (Hà Nội), chị quyết tâm nuôi dê từ nguồn thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương.
Chị Đặng Thị Ngọc Đào chia sẻ, hiện chị cũng đã nghiên cứu thành công thêm 2 sản phẩm từ sữa dê là sữa dê sấy khô vị mít và vị sầu riêng. "Xứ mình trồng mít và sầu riêng nhiều nên tôi muốn đưa 2 vị trái cây đặc thù này vào kết hợp với sữa dê để tạo nên một sản phẩm đặc thù, khác với một số sản phẩm sữa sấy khô có trên thị trường"- chị Đào chia sẻ.
Do ít vốn nên chị đầu tư mua được 12 con dê cái chuyên lấy sữa và 3 con dê đực, đây là giống dê được gia đình chị mua từ Trung tâm nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội), thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NNPTNT.
Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nuôi dê nên chị Đào cũng gặp nhiều khó khăn. Qua hơn 10 năm tích lũy kinh nghiệm cộng với học hỏi từ nhiều nguồn thì đến nay chị đã nắm vững quy trình chăm sóc dê cho sữa. Hiện đàn dê của gia đình chị đã tăng lên được 350 con, giai đoạn cao điểm có khoảng 100 con chuyên lấy sữa; đồng thời phát triển diện tích nuôi gần 2ha.
Với số lượng dê lấy sữa trên, mỗi ngày gia đình chị lấy được từ 40-60 lít sữa tươi, riêng những tháng cao điểm có khi được 80 lít sữa/ngày, với giá bán từ 50.000-70.000 đồng/lít sữa tươi chưa thanh trùng. Để nâng cao giá bán của mặt hàng sữa, vợ chồng chị Đào đã đầu tư máy thanh trùng tại nhà và sữa sau khi được thanh trùng thì giá bán được nâng lên 80.000 đồng/lít.
Tuy vậy, lúc đầu sản phẩm sữa dê của chị Đào còn lạ với người tiêu dùng, do khách hàng quen với sữa bò. Chị Đào phải đi tiếp thị sữa, giới thiệu sản phẩm ở nhiều nơi từ các chợ đến các trường học ở Hậu Giang và Cần Thơ. Dần dần, sau một thời gian sử dụng sản phẩm sữa dê của cơ sở chị Đào, người tiêu dùng đã chấp nhận.
Để người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm của mình, chị Đào đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhờ có thương hiệu và an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến và hiện sản phẩm đã có mặt tại TP.Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ…
Xây dựng sản phẩm OCOP từ sữa dê
Năm 2017, để mở hướng kinh doanh, chị Đào lập Cơ sở chăn nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào. Từ nguồn nguyên liệu chất lượng của cơ sở, năm 2019, nhận thấy tiềm năng phát triển trong tương lai của sữa chua dê sấy thăng hoa nhờ lưu giữ được các chất dinh dưỡng, dễ bảo quản và sử dụng, chị Đào đã đầu tư công nghệ sấy thăng hoa.
Chị Đào cho biết, đây là một kỹ thuật còn được gọi là "làm khô lạnh" - hay còn gọi là kỹ thuật khử nước, thường được sử dụng để bảo quản các loại nguyên liệu và thực phẩm, giúp thuận tiện hơn cho vận tải, cũng như giữ được các phẩm chất của sản phẩm ban đầu, giữ được đặc tính ưu việt nhất của sữa chua.
Sữa chua sấy khô rất độc đáo, vừa ngon miệng, vừa thích hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt là khi ngậm viên sữa chua sấy khô vào miệng chúng ta có cảm giác béo béo, giòn giòn, hương vị đặc biệt. Ngoài ra, chị Đào còn chế biến thêm sản phẩm phô mai sữa dê để từng bước tiếp cận với thị trường ngoài nước.
Với 3 sản phẩm đặc thù từ sữa dê tươi (sữa dê tươi thanh trùng, sữa dê sấy khô và phô mai sữa dê) đã mang lại thu nhập cho gia đình chị Đào bình quân mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Năm 2020 được sự hỗ trợ của địa phương, chị đăng ký 3 sản phẩm OCOP từ sữa dê, Năm 2021, cả 3 sản phẩm từ sữa dê của chị Đào đều được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Từ ngày 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, được sự hỗ trợ của địa phương, chị Đào đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm của mình tại các hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra chị còn lập trang web, trang facebook và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Voso, Tiki…
Hiện Cơ sở Ngọc Đào còn mở cửa đón khách đến trải nghiệm chăm sóc dê, vắt sữa dê, làm nông… vào dịp cuối tuần, và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê ngay tại chỗ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.