Đây là loài cá dày đặc sản, ăn bổ dưỡng như ăn sâm nước sẽ được nhân nuôi ở Hậu Giang
Loài cá dày đặc sản ở miền Tây sẽ được Hậu Giang ương giống, nuôi thành cá thịt thương phẩm
Thứ bảy, ngày 03/12/2022 18:30 PM (GMT+7)
Dự án ương cá dày giống, nuôi cá dày thương phẩm là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2022 , do TS Nguyễn Bạch Loan làm chủ nhiệm, Trường Đại học Kiên Giang là tổ chức chủ trì.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, do ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang, làm Chủ tịch Hội đồng, vừa tiến hành đánh giá, xét duyệt thuyết minh dự án “Xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá dày (Channa lucius) ở tỉnh Hậu Giang”.
Dự án là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2022, do TS Nguyễn Bạch Loan làm chủ nhiệm, Trường Đại học Kiên Giang là tổ chức chủ trì.
TS. Nguyễn Bạch Loan, Trường Đại học Kiên Giang. Chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá dày (Channa lucius) ở tỉnh Hậu Giang” trình bày về các nội dung sẽ thực hiện.
Thực hiện dự án, ban chủ nhiệm sẽ xây dựng quy trình kỹ thuật ương cá dày từ cá bột lên cá giống và quy trình kỹ thuật nuôi cá dày từ cá giống lên cá thương phẩm, phù hợp với thực tế sản xuất ở tỉnh và có tỷ lệ sống giai đoạn nuôi thương phẩm đạt từ 70% trở lên.
Xác định được mật độ, loại thức ăn phù hợp cho cá dày, thời gian ương/nuôi, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) giai đoạn ương, nuôi thương phẩm. Từ đó xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá dày đạt hiệu quả kinh tế tại tỉnh Hậu Giang.
Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để phổ biến, nhân rộng kết quả nghiên cứu cho cán bộ kỹ thuật địa phương và người dân.
Đề cương thuyết minh dự án đã được hội đồng thống nhất thông qua. Trong thời gian tới, Ban chủ nhiệm dự án sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện thuyết minh theo ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng và tiến hành thực hiện dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.