Dân Việt

Tộc người Mã Liềng ở Quảng Bình với những phụ nữ cuối cùng còn biết chơi đàn ống làm từ cây nứa

Trần Anh 09/12/2022 08:34 GMT+7
Tộc người Mã Liềng ở huyện miền núi Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) hiện đang sử dụng một loại nhạc cụ được gọi với tên "đàn ống" làm từ thân cây nứa già. Đàn ống là thứ "báu vật" chỉ dành riêng cho phụ nữ Mã Liềng, những lúc vui, buồn, họ dùng tiếng đàn để trút bầu tâm sự.

"Báu vật" chỉ dành riêng cho phụ nữ

Ngồi trước hiên nhà, bà Phạm Thị Lựu (ở bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang kéo dây đàn bằng một loại nhạc cụ được làm từ ống nứa và dây cước, âm thanh từ loại nhạc cụ này rất trầm ấm, du dương, tựa như mọi muộn phiền của cuộc sống bà gửi vào tiếng đàn này.

Dứt tiếng đàn, PV Dân Việt tiến tới hỏi bà Lựu, được bà cho biết, đây là "đàn ống", một lại nhạc cụ tồn tại hàng trăm năm qua của bà con Mã Liềng.

"Báu vật" của người Mã Liềng nói lên tiếng lòng phụ nữ - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Lựu (ở bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang kéo đàn ống để phát ra tiếng nhạc tựa tiếng lòng của bà. Ảnh: TA

Trò chuyện với PV, bà Phạm Thị Lựu nhớ lại: "Từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách làm đàn ống và cách chơi. Đến nay, trong các bản người Mã Liềng còn rất ít người biết làm và chơi loại nhạc cụ này".

Theo bà Phạm Thị Lựu, những năm 90 của thế kỷ trước, bà cùng người dân Mã Liềng sống len lỏi khắp núi rừng, cuộc sống rất bấp bênh. Thời điểm đó, dù khổ cực nhưng bên cạnh luôn có một "báu vật" được gọi đàn ống.

Phần lớn người chơi đàn ống là phụ nữ, truyền nhau cách chơi đàn từ mẹ sang con gái. Do vậy, kỹ thuật chơi đàn ống của phụ nữ Mã Liềng hay hơn đàn ông.

Đàn ống được người Mã Liềng chơi trong các dịp lễ cưới xin, ma chay, lễ cúng thần rừng... Tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh, họ sẽ đánh đàn theo nhịp điệu khác nhau.

"Báu vật" của người Mã Liềng nói lên tiếng lòng phụ nữ - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Lựu là một trong số ít người Mã Liềng còn biết cách làm đàn ống và chơi loại nhạc cụ này. Ảnh: TA

Đặc biệt, phụ nữ Mã Liềng xem âm thanh phát ra từ đàn ống như lời thổ lộ tâm tình, sự giao duyên đôi lứa.

"Thuở mới lớn, con gái Mã Liềng được mẹ dạy cách làm và chơi đàn ống. Những lúc vui, buồn, họ đều dùng tiếng đàn để trút bầu tâm sự.

Đến tuổi hẹn hò lứa đôi, tiếng đàn thể hiện tiếng lòng của người con gái Mã Liềng. Khi thích một chàng trai, họ sẽ đánh đàn cho người đó nghe. Say này, nếu thành duyên vợ chồng, họ sẽ không gãy tiếng đàn cho người đàn ông khác nghe để chứng minh lòng thủy chung", bà Lựu nói.

Cách làm và chơi đàn ống của người Mã Liềng

Theo bà Phạm Thị Lựu, đàn ống được sáng tạo và truyền qua nhiều thế hệ, đến nay, vẫn giữ nguyên dáng vẻ một loại nhạc cụ từ thủa sơ khai. Cách làm và chơi đàn ống khá đơn giản, hầu như ai nhìn qua một lần đều có thể làm được nhưng để chơi đúng điệu, đúng âm vần sẽ rất khó.

"Báu vật" của người Mã Liềng nói lên tiếng lòng phụ nữ - Ảnh 3.

Đàn ống được làm từ ống nứa và dây cước. Ảnh: TA

Để làm loại nhạc cụ này, người dân phải chọn cây nứa già, đốt phải dài, to và mỏng dẹt, có khi cả khoảnh rừng nứa mới chọn được một cây. Sau đó, chặt lấy đốt dưới cùng và mang về treo ở gác bếp cho đến khi ống khô.

Tiếp đến, phần đầu ống để rỗng, dùng dao gọt thành nhiều cạnh bằng nhau. Đầu còn lại đục một lỗ nhỏ. Đây đờn được làm bằng dây cước nhỏ. Sau đó, kéo căng dây cước từ cạnh ống đến lỗ nhỏ vừa đục.

"Báu vật" của người Mã Liềng nói lên tiếng lòng phụ nữ - Ảnh 4.

Bà Phạm Thị Lựu đang kéo căng dây đàn để âm thanh phát ra ngân vang, trong trẻo. Ảnh: TA

"Thế hệ trước đây, các bà, các mẹ, chọn dây đàn từ loại dây leo sống gần bờ suối, vỏ cây này được tách nhỏ, xoắn lại và hong qua lửa nhiều lần.

Để tiếng đàn được ngân vang, trong trẻo, ngoài việc chọn được cây nứa tốt, quan trọng nhất là việc kéo dây. Hai sợi dây một kéo căng, một kéo chùng. Mỗi lần chế tác đàn, tôi phải ngồi cả buổi mới cân được dây đàn theo đúng ý mình. Đàn ống có hai cách chơi, có thể dùng tay để gảy hoặc dùng thanh nứa để kéo phát ra âm thanh", bà Lựu cho hay.

"Người Mã Liềng sống trên địa bàn xem đàn ống như là "báu vật". Đây không chỉ là nhạc cụ mà còn là nơi gửi gắm tình cảm, nỗi niềm chân thành mộc mạc và thể hiện đời sống tâm linh của người Mã Liềng.

Ngày nay, cách làm và chơi đàn ống của người dân dần mai một, ít người biết sử dụng loại nhạc cụ này. Hiện chính quyền địa phương đang xây dựng đề án để bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo này của người Mã Liềng", ông Cao Phương Hướng – Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Người Mã Liềng là một cách gọi khác của dân tộc Chứt. Dân tộc Chứt còn có các tên gọi khác ngoài Mã Liềng như người Rục, người Sách, người A rem, người Mày, người Xá lá Vàng. Người Chứt là một trong 54 dân tộc Việt Nam, là một dân tộc ít người sinh sống ở miền Trung Việt Nam và Lào.