Vay vốn tạo việc làm, hàng trăm nông dân thoát nghèo bền vững. VD: Cao Oanh
PV báo NTNN tới thăm mô hình trang trại vườn - ao - chuồng của anh Lê Duy Hà - 30 tuổi, ở thôn 6, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vào buổi sáng cuối tháng 11. Giữa cái nắng nóng cuối thu, anh Hà lội ruộng vớt cua, đánh trạch. Anh Hà cho biết, anh cùng bố thầu được 12 héc ta đất đồng. Từ những thửa đất hoang hóa, anh Hà khai hoang, đào ao nuôi cá. Trồng bưởi trồng cam, kết hợp với chăn nuôi gà lợn. Nhờ có sự quyết tâm và có thêm cả sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay tín dụng mà giờ đây anh vươn lên tạo việc làm, thoát nghèo, cuộc sống bớt khó khăn.
Anh Hà tâm sự: "Vốn không có, đất đai rộng thênh thang nên tiền của bỏ vào mô hình như "gió vào nhà trống". Gần đây nhất, đầu năm 2022, gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách huyện Thiệu Hóa cho vay 100 triệu đồng, tôi dùng toàn bộ số tiền này đầu tư vào mua giống cua và giống trạch thả ao và cải tạo ao nuôi".
Theo anh Hà, giống cua đồng hiện nay khá đắt, 1 tạ cua đồng giống có giá là 15 triệu đồng. Anh đã chi 30 triệu đồng mua 2 tạ cua đồng. Đồng thời, anh Hà cũng mua thêm 2 vạn trạch thả cùng.
Theo tính toán, 1 tạ cua giống có thể thu về được 5 tạ cua thịt. Giá thành của 1 kg cua thương phẩm vào khoảng 120-150 nghìn đồng. Như vậy với 5 tạ cua thương phẩm, anh Hà có thể thu về tầm 70 triệu đồng. Chưa kể tiền cá trạch, tính cả thu nhập tiền cá trạch anh có thể thu được 80 triệu đồng. Một năm anh Hà có thể nuôi được 2 vụ cua và trạch. Trừ chi phí anh có thể thu lãi được từ 120-150 triệu đồng.
Do thiếu vốn nên anh Hà không thể mở rộng sản xuất, chỉ có thể lấy ngắn nuôi dài, chăn nuôi thêm mấy chục con lợn, gà, trồng thêm một ít bưởi, cam.
"Vì thiếu vốn nên tôi không thể mở rộng sản xuất. Không có tiền mua giống nên năng suất chất lượng sản phẩm đều thấp. Tôi mong muốn sang năm có thể được vay thêm từ 100-200 triệu đồng để cải tạo trang trại, mua thêm giống cây, giống cua, cá... để thả", anh Hà nói.
Ông Nguyễn Duy Thủy - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Thiệu hóa cho biết, từ đầu năm 2022 thực hiện theo Nghị định 78 của Chính phủ, Ngân hàng chính sách huyện Thiệu Hóa cho vay thuộc 12 chương trình với tổng dư nợ tín dụng là trên 500 tỷ, Với số hộ được vay vốn là 10.000 hộ dân được vay vốn. Năm 2022 Ngân hàng chính sách huyện cũng thực hiện cho vay với hộ nghèo, vay vốn tạo việc làm và chương trình khác là theo Nghị quyết 11 với số vốn là 130 tỷ đồng, hơn 1.000 khách hàng được vay vốn. Ngoài ra Ngân hàng cũng thực hiện cho vay vốn nhiều chương trình khác như: vay vốn tín dụng; vay vốn mua nhà ở xã hội...
"Trong 20 năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 321.000 hộ thoát nghèo. Đồng thời tạo việc làm cho gần 91.000 lao động, trong đó có hơn 11,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được vay vốn; giúp hơn 448 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; đầu tư gần 637 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường; xây dựng hơn 40,5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; cho vay 14 người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc cho hơn 841 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách tỉnh Thanh Hóa
"Nguồn vốn tín dụng đã giúp nhiều bà con xây dựng phát triển các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, nguồn vốn ưu đãi cũng được cho vay giải quyết việc làm (cho vay 50 tỷ đồng), góp phần giảm nghèo bền vững", ông Thủy nói.
Không chỉ tạo động lực hy vọng cho người nghèo vươn lên làm kinh tế, nhiều nông dân thuộc hộ nghèo ở huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cũng được vay vốn vươn lên làm kinh tế, làm giàu.
Gia đình ông Đoàn Văn Hiến (50 tuổi), thôn Đại Từ 1, xã (Đông Thịnh, Đông Sơn) là một tấm gương như vậy. Năm 2019, gia đình ông Hiến là gia đình hộ nghèo. Ông Hiến bị tai nạn nằm liệt giường, vợ thì bị u tuyến giáp lại phải nuôi 3 con ăn học nên kinh tế gia đình gặp cực kỳ nhiều khó khăn.
"Đang lúc khó khăn không biết bấu víu vào đâu thì gia đình tôi được ngân hàng chính sách huyện Đông Sơn hỗ trợ cho vay vốn sản xuất kinh doanh và cho vay vốn học sinh để các con được tiếp tục tới lớp, nhờ vậy mà gia đình tôi mới vượt qua được khó khăn", ông Hiến nói.
Số tiền 100 triệu đồng vay vốn, vợ chồng ông Hiến đầu tư vào chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Số tiền được ông đầu tư mua bò giống, mua thức ăn, và sửa chữa chuồng trại.
Từ việc gia đình chỉ có 13 con bò, giờ đây vợ chồng ông Hiến đã dùng số tiền vay vốn mua thêm 4 con, nâng tổng số đàn bò lên 14 con. Mỗi năm gia đình ông xuất chuồng được chừng 5- 7 con. Lợi nhuận mang lại từ 8-10 triệu đồng/1 con. Như vậy, mỗi năm vợ chồng ông cũng thu lãi được từ 70-80 triệu đồng.
"Trước đây cứ nghĩ vay tiền ngân hàng là sợ lắm, nhưng từ ngày được tư vấn, giới thiệu thủ tục vay vốn rất đơn giản, linh hoạt nên tôi cũng cảm thấy thoải mái, không lo lắng", ông Hiến kể lại.
Ông Hiến cho biết, nhiều lúc muốn mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng ngoài khó khăn về vốn, gia đình ông cũng đối mặt với các khó khăn vì thiếu diện tích đất để trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi bò.
"Vợ chồng tôi cảm ơn ngân hàng chính sách. Nhờ có vốn vay mà vợ chồng tôi đã thoát nghèo (năm 2021), 2 con đã học xong đại học, có việc làm. Con út đang học ĐH năm 3 gần ra trường. Ngôi nhà cũ nát trước đây cũng đã được thay bằng ngôi nhà bằng khang trang rộng mát", ông Hiến chia sẻ thêm.
Không chỉ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, các công ty vừa và nhỏ cũng được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Mô hình sản xuất sản phẩm bánh tráng theo tiêu chuẩn OCOP Công ty TNHH Sản xuất và TM thực phẩm An Chi (Thôn Văn Châu, Xã Đông Văn, Huyện Đông Sơn, Tỉnh Thanh Hoá) của anh Nguyễn Văn Thảo cũng là một trong những đơn vị được hưởng lợi từ nguồn vốn này.
Nhờ được vay vốn, tạo việc làm mà công ty của anh Thảo đang tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, với mức tiền lương từ 6-10 triệu đồng/lao động/tháng.
Anh Thảo cho biết, năm 2021 công ty anh được vay 200 triệu đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên nguồn vốn này là không đủ, để mở rộng sản xuất anh Thảo cho biết, anh cần thêm từ 1 tỷ đồng để đầu tư thêm máy móc, nâng cao quy trình, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Trao đổi với PV Báo Nông thôn Ngày nay về các chương trình cho vay tín dụng của ngân hàng nói chung và vốn vay tạo việc làm nói riêng, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện ngân hàng Chính sách tỉnh đang triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách.
Đến hết tháng 10/2022, ngân hàng chính sách tỉnh có tổng dư nợ đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,5%. Có 245 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số là gần 4 ngàn tỷ đồng với hơn 74 nghìn khách hàng là người dân tộc thiểu số.
"Riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm và chương trình duy trì và mở rộng việc làm dư nợ đạt gần 1.000 tỷ đồng với gần 17 nghìn lao động được vay vốn", ông Thanh nói.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, đại diện ngân hàng Chính sách tỉnh Thanh hóa kiến nghị Chính phủ, các bộ ban ngành có liên quan tiếp tục bổ sung tăng nguồn vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm. Đề nghị địa phương tiếp tục bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách để cho vay giải quyết việc làm, duy trì việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.