Vay vốn tạo việc làm tại Thanh Hóa:Hiệu quả cao, nhưng còn nhiều rào cản

Nguyệt Tạ - Nguyễn Chương Thứ sáu, ngày 16/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Không thể phủ nhận vai trò của chương trình tín dụng cho vay vốn giải quyết việc làm. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, chương trình cũng bộc lộ không ít hạn chế cần được tháo gỡ.
Bình luận 0

Vay vốn tạo việc làm cho lao động nông thôn từ vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Chương - Tạ Nguyệt

Hàng chục nghìn lao động có việc làm

Thăm mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình ông bà Nguyễn Bính Nụ (53 tuổi) ở tổ dân phố Tế Độ, thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mới thấy hết sự quyết tâm khởi nghiệp của đại gia đình.

Bà Nụ cho biết, gia đình bà làm nông dân truyền kiếp, đất đai là tài sản vô giá với gia đình. Năm 2018, địa phương có chính sách dồn điền đổi thửa, ông bà mạnh dạn gom đất, khai hoang được 1 hecta đất ruộng để làm trang trại.

Đào xong ao thả cá, đắp xong mấy công đất làm vườn trồng cây ăn quả, ông bà vui lắm bởi nền móng đầu tiên của trang trại trong mơ của gia đình đã bắt đầu thành hình hài.

Ông Vương Hùng Cường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa thăm mô hình vay vốn tạo việc làm tại trang trại của gia đình bà Nguyễn Bính Nụ (Hoằng Hóa). Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Vương Hùng Cường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa thăm mô hình vay vốn tạo việc làm tại trang trại của gia đình bà Nguyễn Bính Nụ (Hoằng Hóa). Ảnh: Nguyễn Chương

"Giấc mơ bắt đầu được hiện thực hóa là lúc vợ chồng tôi cạn kiệt vốn. Có bao tiền của tích lũy được chúng tôi đập vào trang trại này hết. Khát vốn, gia đình đi vay khắp nơi mà không được. Đúng lúc ấy, tôi được Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa cho vay 50 triệu đồng", bà Nụ kể.

Tiền đầu tư như “muối bỏ biển", có tiền bà lại tiếp tục đầu tư, mua thêm cây con giống, làm dãy nhà chăn nuôi lợn. Sau 3 năm gây dựng mô hình đã bắt đầu cho trái ngọt. Hơn 60 gốc quýt ngọt đã bói quả năm 2020 mang lại cho bà 40 triệu đồng/vụ. Một số cây ăn quả khác như xoài, nhãn, dừa xiêm cũng bắt đầu vào vụ cho thu hoạch.

Gương mặt tươi cười, chồng bà Nụ chia sẻ thêm: "Cái sướng nhất là giờ đây mình được làm giàu trên chính mảnh đất của mình, có công ăn việc làm khỏi làm thuê".

Mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của gia đình chính là niềm hy vọng, nơi gửi gắm quyết tâm làm giàu của gia đình. Bởi bà Nụ cho biết, không chỉ vợ chồng bà mà gia đình 2 cậu con trai cũng cùng chung tay góp sức. Họ cũng đầu tư công sức, tiền bạc để cùng ông bà gây dựng và phát triển trang trại này.

"Gia đình tôi mong muốn ngân hàng sẽ tạo điều kiện hơn nữa để chúng tôi được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Không có tiền nhiều khi có muốn mua thêm cây, con giống cũng không ai cho nợ", chồng bà Nụ chia sẻ thêm.

Theo ông, hiện giờ giống cây con rất đắt. 4 nghìn đồng/1 cây quýt, dừa xiêm lùn 50 nghìn đồng/1 cây... không có vốn không thể đầu tư được.

Mô hình trang trại của gia đình anh Lê Nguyên Vũ (36 tuổi) ở Hoằng Đạo, Hoằng Hóa cũng vậy. Hiện tại mô hình kinh tế rộng 7 héc ta của anh đang phát triển tốt và rất khát vốn. Anh Vũ tâm sự: "Nhìn trang trại còn hoang hóa nhiều, nhưng thực chất tiền đầu tư của gia đình vào đó đã lên tới vài ba tỷ đồng. Mỗi vụ mình phải thuê hàng chục lao động làm mùa vụ chăm sóc cây, đánh bắt cá, hái sen".

https://danviet.vn/kien-nghi-ban-hanh-quy-trinh-ho-tro-lao-dong-tu-do-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-2021071513233228.htm

Mặc dù đã đầu tư tới hơn 3 tỷ đồng làm kinh tế, nhưng trang trại của anh anh Lê Nguyên Vũ (36 tuổi) ở Hoằng Đạo, Hoằng Hóa vẫn rất "khát vốn". Ảnh: N.C

Trước đây anh vay được 50 triệu đồng, nếu bây giờ được vay thêm, anh sẽ mở rộng sản xuất, làm lại chuồng trại, mua thêm con giống. Hiện nay doanh thu của trang trại mỗi năm được hơn 300 triệu, nhưng nếu được đầu tư mô hình còn có thể thu về nhiều hơn thế.

Cũng như nhiều lao động khác, anh Vũ cũng mong muốn được vay vốn để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Dư nợ chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm đạt 576 tỷ đồng, với 12 nghìn khách hàng. Tuy dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm thấp, chỉ chiếm 5,4% tổng dư nợ của các chương trình tín dụng, nhưng hiệu quả chương trình rất lớn.

Kiến nghị tăng mức vốn vay, giải quyết các bất cập

Ông Vương Hùng Cường - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Hoằng Hóa cho biết dư nợ vốn vay tạo việc làm trên địa bàn huyện đạt hơn 18 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,1% tổng số vốn cho vay. Hiện có 390 hộ vay. Mức vay bình quân đạt 50 triệu đồng/1 hộ.

"Nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của bà con rất nhiều, nhưng do nguồn vốn hạn chế nên số tiền vay thấp, cung chưa đáp ứng đủ cầu".

Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đạt 10.595 tỷ với 20 chương trình tín dụng. Trong đó riêng nguồn vốn cho vay theo chương trình cho vay giải quyết việc làm từ năm 2015 đến tháng 6/2021 đạt 882,8 tỷ đồng với 20 nghìn lượt khách hàng vay vốn.

"Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có vốn sản xuất. Nguồn vốn cũng đã thu hút được nhiều lao động địa phương ở lại sản xuất trong đó có nhiều đoàn viên thanh niên ở lại địa phương, nhiều đoàn viên khác đi làm ăn xa trở về địa phương làm ăn. Nhờ vậy không chỉ tạo việc làm cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác, trong đó có cả hộ nghèo", ông Trứ nói. 

Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa thông tin về chương trình vay vốn tạo việc làm với PV Báo Dân Việt. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa thông tin về chương trình vay vốn tạo việc làm với PV Báo Dân Việt. Ảnh: Nguyễn Chương

Nhờ có nguồn vốn vay, địa phương xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa, chuỗi sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống... cung ứng sản xuất hàng hóa có giá trị trên địa bàn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ông Trứ cho biết việc áp dụng nghị định 74 cũng gặp một số khó khăn, rào cản. Ví dụ như nhu cầu vay vốn rất cao, nhưng khả năng đáp ứng của vốn vay còn thấp, hay việc lập hồ sơ với những người cư trú một nơi làm việc một nơi khác gặp khó khăn...

Trước thực trạng đó, để tăng hiệu quả của chương trình vay vốn tạo việc làm, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: "Tăng nguồn vốn vay thông qua nguồn vốn ủy thác, hoặc điều chuyển vốn vay giữa các chương trình. Bên cạnh đó đề xuất nâng mức cho vay tối đa lên 200 triệu đồng/lao động. Đồng thời kiến nghị gỡ bỏ điều kiện cư trú nơi nào thì phải đăng ký kinh doanh ở nơi đó để lao động được vay vốn. Nếu được, có thể mở rộng điều kiện vay vốn với người cư trú trên địa bàn cấp huyện".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem