Dân Việt

Sau Quy Nhơn, tỉnh Bình Định muốn có thành phố thứ 2 trên 180 ngàn dân

Thăng Bình 08/12/2022 12:45 GMT+7
Tỉnh Bình Định đang xin Bộ Nội vụ chủ trương thành lập thành phố thứ 2 với dân số trên 180 ngàn dân, nơi từng là kinh đô của 2 vương triều Tây Sơn và Vijaya (Chăm Pa).

Ngày 8/12, UBND tỉnh Bình Định xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh này đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ xin chủ trương thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập thành phố An Nhơn. 

Nếu được phê duyệt, An Nhơn sẽ là thành phố thứ 2 của tỉnh Bình Định sau Quy Nhơn.

Sau Quy Nhơn, tỉnh Bình Định muốn có thành phố thứ 2 trên 180 ngàn dân - Ảnh 1.

Thị xã An Nhơn của tỉnh Bình Định nằm trên tuyến Quốc lộ 1 đi qua. Ảnh: TB.

Qua đó, UBND tỉnh Bình Định xin chủ trương thành lập thêm 6 phường, gồm: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong. Hiện, thị xã An Nhơn đang có 5 phường. 

Theo UBND tỉnh Bình Định, đối chiếu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (ngày 25-5-2016; gọi tắt Nghị quyết số 1211), các xã Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong đã đạt 4/4 tiêu chuẩn của phường thuộc thị xã.

Về đề nghị chủ trương thành lập thành phố An Nhơn, UBND tỉnh Bình Định cho biết, thành phố này được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 244,494km2 và quy mô dân số 180.019 người. Đối chiếu theo Nghị quyết số 1211 thì thị xã An Nhơn hiện đã đạt các tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh.

Sau Quy Nhơn, tỉnh Bình Định muốn có thành phố thứ 2 trên 180 ngàn dân - Ảnh 2.

An Nhơn nổi tiếng là thủ phủ mai vàng miền Trung. Ảnh: TB.

An Nhơn vốn là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời được mệnh danh là vùng "đất vua". Nơi đây từng là kinh đô của 2 vương triều Chăm Pa và Tây Sơn. Hiện, phế tích thành Hoàng Đế (triều Tây Sơn) vẫn còn hiện hữu, đây cũng là kinh đô Vijaya (Chăm Pa) thế kỷ 11-15 với tên thành Đồ Bàn.

Thị xã An Nhơn được thành lập năm 2011 trên cơ sở diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện An Nhơn. Ngày 2/3/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III.

Sau Quy Nhơn, tỉnh Bình Định muốn có thành phố thứ 2 trên 180 ngàn dân - Ảnh 3.

Cổng vào thị xã An Nhơn. Ảnh: TB.

Hiện, An Nhơn là đô thị vệ tinh của Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội trong khu vực miền Trung - Tây nguyên theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.

Xét về vị trí địa lý, An Nhơn có hệ thống giao thông rất thuận lợi, có Quốc lộ 1A  và đường sắt Bắc – Nam đi qua, là nơi thuận lợi kết nối với cảng biển Quy Nhơn, nằm trong vành đai trung tâm của nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc đang được UBND tỉnh Bình Định, Bộ GT-VT đầu tư.

Sau Quy Nhơn, tỉnh Bình Định muốn có thành phố thứ 2 trên 180 ngàn dân - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III vào năm 2021. Ảnh: TB.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của An Nhơn đều đạt trên 15%. So sánh chỉ số tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2021, tổng giá trị sản xuất tăng gần 4,5 lần, từ 4.139 tỷ đồng lên 18.522 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ tăng từ 62,5% lên gần 88%. Đặc biệt, thu ngân sách tăng từ 158,4 tỷ đồng/năm lên 1.022 tỷ đồng/năm.

Thu nhập bình quân đầu người của thị xã An Nhơn năm 2021 gấp 3 lần năm 2011 (tăng từ 20,07 triệu đồng/người lên 59,85 triệu đồng/người).