Dân Việt

Vùng đất heo hút Đun Pù ở Thanh Hóa ra ngõ là đụng hộ nghèo, chưa biết khi nào lên nông thôn mới

Vũ Thượng 11/12/2022 05:31 GMT+7
Bản Đun Pù (xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), hiện có 51 hộ dân, trong đó có 22 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo...Với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cần nghèo cao như vậy nên con đường xây dựng nông thôn mới ở đây còn xa vời lắm lắm....

Dân tộc Thái chiếm 90% ở bản Đun Pù

Đây là bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021- 2025.

Cách UBND xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa hơn 4km, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN di chuyển vào trung tâm bản Đun Pù bằng xe máy hơn 20 phút.

Clip: Cuộc sống khó khăn tại bản Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Bản Đun Pù nằm chênh vênh trên những quả núi cao, để đến được bản chúng tôi phải vượt qua các cung đường dốc quanh co, nhiều đoạn dựng đứng, nếu không thạo đường hẳn đi lại sẽ rất vất vả, nguy hiểm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Văn Tuệ (bản Đun Pù) kể: "Đun Pù có địa hình đồi núi, độ dốc rất cao, nên chăn nuôi luôn chậm phát triển. Đặc biệt, về mùa đông lạnh giá con trâu, bò…nuôi toàn bị chết".

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 2.

Đường lên bản Đun Pù (xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đường dốc quanh co. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, bản Đun Pù dân tộc Thái chiếm 90%, do nơi đây thiếu đất sản xuất, địa hình đồi dốc nên việc giao thương hàng hóa, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào khai thác cây luồng là chính.

Qua tìm hiểu, tại bản Đun Pù vào mùa hè khô, nóng (hiệu ứng phơn), mùa đông lạnh rét là nguyên nhân khiến chăn nuôi, trồng trọt của các hộ dân trong bản không phát triển…Chính vì thế, bản Đun Pù vẫn là một trong những bản vùng cao có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa.

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 3.

Ông Lương Văn Dân-Trưởng bản Đun Pù. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Lương Văn Dân-Trưởng bản Đun Pù cho biết: "Bản chúng tôi hiện có 51 hộ dân với 240 nhân khẩu, trong đó còn 22 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Trên địa bàn của bản Đun Pù việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập bình quân đầu người không cao".

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 4.

Khu vực nuôi con vịt, gà của các hộ dân bản Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Vũ Thượng

"Mặc dù, chính quyền địa phương đã triển khai một số dự án phát triển kinh tế tại bản như: Cấp máy xay xát, hỗ trợ cây con giống, nhưng do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt…khiến đời sống người dân còn gặp nhiều  khó", ông Lương Văn Dân cho biết thêm.

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 5.

Do địa hình đồi dốc nên việc canh tác của người dân bản Đun Pù gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng theo ông Dân, bản Đun Pù đến nay có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao bởi một bộ phận người dân với dân trí còn thấp nên hạn chế trong việc tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tình trạng một số hộ nghèo ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Đun Pù với hành trình xây dựng nông thôn mới khó khăn

Bản Đun Pù hiện có 16 ha đất sản xuất, trong đó có 5 ha trồng lúa, còn lại bà con trồng cây luồng và các loại cây trồng khác, nên chỉ có thể canh tác nhỏ lẻ tại một số diện tích đất của gia đình.

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 6.

Cây luồng là cây trồng chủ lực để người dân bản Đun Pù (xã Nam Xuân) có thu nhập hằng ngày. Ảnh: Vũ Thượng

Cây luồng được xem là cây trồng chủ lực của người dân bản Đun Pù (xã Nam Xuân), vì thế hằng năm được chính quyền địa phương, các cấp đoàn thể phổ biến kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây luồng nhằm phát huy hiệu quả cây trồng này.

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 7.

Những ngôi nhà của người dân bản Đun Pù. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Hà Thị Nam (bản Đun Pù) tâm sự : "Tôi lấy chồng và ở bản Đun Pù đã hơn 10 năm, hiện gia đình chỉ có hơn 1 sào ruộng, nuôi vài ba con ngan, gà, đất đai không nhiều nên cuộc sống cứ luẩn quẩn trong cái đói nghèo".

Cô giáo Cao Thị Tuần (phụ trách lớp mầm non bản Đun Pù) kể: "Cuộc sống của người dân bản Đun còn nhiều vất vả lắm, ăn còn thiếu đâu có điều kiện cho các con tới trường nhiều.

Cuộc sống khó khăn của người dân bản Đun Pù ở xứ Thanh  - Ảnh 8.

Điểm trường mầm non xã Nam Xuân tại bản Đun Pù. Ảnh: Vũ Thượng

Qua đó, hằng năm cứ vào gần đầu năm học mới, chúng tôi đến từng nhà động viên gia đình cho con tới lớp đều. Ngoài ra, để giúp những đứa trẻ không phải dậy sớm đến điểm trường chính cách khoảng 4 km đường đồi núi, trong mùa đông giá rét, nên một lớp học được dựng lên ngay trên đỉnh Đun Pù này".

Bức tranh nông thôn mới ở Đun Phù phía trước còn vô vàn khó khăn, trong đó có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo...

"Bản Đun Pù khí hậu khắc nghiệt thường hay rét đậm, rét hại vào mùa đông khiến chăn nuôi, trồng trọt của người dân gặp nhiều bất lợi,…Bên cạnh đó, đường xá đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, bản không có ngành nghề gì khác, điều đó khiến thu nhập người dân còn thấp.

Để nâng cao mức sống cho người dân bản Đun Pù, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể đã có một số chính sách hỗ trợ như: Công cụ sản xuất, máy móc, cây, con giống để sinh kế, nhờ đó mà một số hộ dân đã tạm thời thoát nghèo", ông Hà Văn Ngoãn-Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết.