Làng Bèo Bọt ở Thanh Hóa, nơi cách biệt bên kia dòng sông Mã, nông thôn mới còn xa lắc xa lơ

Hữu Dụng Thứ sáu, ngày 02/12/2022 14:05 PM (GMT+7)
Thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá là một ngôi làng nằm biệt lập với thế giới bên ngoài suốt hàng trăm năm qua, muốn vào làng chỉ có 2 cách là đi đò vượt sông Mã hoặc leo qua vách núi để vào làng. Thế nên, chuyện xây dựng nông thôn mới ở đây nghe cứ xa lắc xa lơ...
Bình luận 0

"Ốc đảo" trên cạn

Thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá, hiện có 87 hộ dân với 385 nhân khẩu, nằm cách trung tâm xã Cẩm Thành khoảng 10 km, thôn Bèo Bọt như một ốc đảo nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi dòng sông Mã và những vách núi cao.

Hàng trăm năm qua, người dân ở đây có 2 cách để di chuyển ra bên ngoài, một là đi thuyền vượt sông, hai là leo qua núi đá vôi dựng đứng dẫn sang huyện Bá Thước và vòng lại.

Thôn Bèo Bọt - ngôi làng nằm biệt lập bên dòng sông Mã - Ảnh 1.

Hàng ngày người dân ở thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá phải đi đò vượt sông để ra vào làng.

Bước lên đò, chúng tôi hỏi ông Cao Ngọc Hoan (46 tuổi, người lái đò) nơi đây, sao thôn lại có cái tên như vậy?

Ông Hoan vừa cười, vừa nói đùa các chú cứ vào thôn đi rồi sẽ biết, đời sống của người dân nơi đây cũng như cái tên gọi của làng ấy. Cái tên Bèo Bọt nó đã nói lên tất cả về cuộc sống nơi đây, nó thiếu thốn đủ thứ, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, cuộc sống của dân làng nó bèo bọt như cái tên gọi của làng từ xa xưa đến nay ghép lại.

Ông Hoan là người lái đò nhiều năm, hơn ai hết hiểu rõ những khó khăn, vất vả mà những hộ dân thôn Bèo Bọt vẫn phải vượt qua hàng ngày, phải chịu cảnh qua sông trong mùa nước chảy xiết, lụy đò khi đêm Đông hay khi có ốm đau đột xuất.

Thôn Bèo Bọt - ngôi làng nằm biệt lập bên dòng sông Mã - Ảnh 2.

Do nằm biệt lập với bên ngoài nên đời sống của bà con thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá còn gặp nhiều khó khăn.

"Có những thời điểm giữa đêm hoặc 1 - 2 giờ sáng, tôi đang nằm ngủ thì nhận được điện thoại cầu cứu của người dân trong làng. Thường thì những trường hợp như có người trở dạ, người thân cần đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.. phải đưa qua sông gấp để lên trạm xá. Nhiều lúc đang mơ màng, cứ thấy điện thoại reo là giật bắn mình vì lo những cuộc gọi khẩn tìm tới", ông Hoan tâm sự.

Đến thôn Bèo Bọt vào một buổi chiều cuối năm, không khí vắng lặng, bình yên, không tiếng xe cộ ồn ào mà chỉ có những tiếng í ới nhau gọi đò đến rồi mọi người nhanh lên cho kịp chuyến.

Ông Cao Xuân Tuấn - Trưởng thôn Bèo Bọt cho tôi biết, trước kia, ở vùng này có 2 thôn, 1 là thôn Bèo, 2 là thôn Bọt. Do nhân khẩu ít nên cuối năm 2018, hai thôn đã sáp nhập, và từ đó có cái tên Bèo Bọt. Về tuổi đời, cư dân đã sinh sống tại vùng đất này hàng trăm năm, và người dân chủ yếu trồng luồng, cấy lúa, sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp.

Thôn Bèo Bọt - ngôi làng nằm biệt lập bên dòng sông Mã - Ảnh 3.

Một ngôi nhà đơn sơ của người dân ở thôn Bèo Bọt, xã Cẩm thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá.

"Cả làng không có đường giao thông để giao thương với bên ngoài khiến người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc thu hoạch và vận chuyển luồng, bà con nơi đây cũng tốn rất nhiều công đoạn và thời gian. Khi chặt xong phải vác từng cây, rồi chia nhỏ thành từng bó nhỏ mới có thể bỏ vừa đò, sau đó cũng phải mất cả chục lần đò mới vận chuyển hết số luồng của bà con ra ngoài để bán. Vì vậy, bán được luồng thì trừ chi phí vận chuyển đi người dân nơi đây chẳng còn được là bao. Bởi vậy, đời sống bao năm qua của người dân ở đây chẳng khá lên được nhiều cũng giống như cái tên làng vậy" - ông Tuấn trầm ngâm kể.

Nông thôn mới xa lắc xa lơ, một cây cầu vẫn là giấc mơ

Bà Lữ Thị Phấn (hộ cận nghèo, trú thôn Bèo Bọt) nói, gia đình có cô con gái 3 tuổi đang học tại trường Mầm non Cẩm Thành, hàng ngày 6 giờ sáng phải đưa con đi học,  xong khoảng 16 giờ lại ra đón con về. Mỗi ngày phải đi đò ít nhất 4 lần.

Thôn Bèo Bọt - ngôi làng nằm biệt lập bên dòng sông Mã - Ảnh 4.

Hàng ngày các em học sinh phải đi ít nhất 4 lần đò ra vào thôn Bèo Bọt.

"Những ngày thường thì không sao nhưng đến mùa mưa hoặc khi thuỷ điện xả lũ là người dân nơi đây phải thấp thỏm lo âu mỗi lần đi đò qua sông. Sợ và khổ nhất vẫn là các học sinh đến trường, thức dậy để tranh thủ qua đò cho kịp buổi học. Có khi, vì sợ các em trễ học, người lái đò phải chở quá số lượng quy định. Vào mùa lũ nơi này gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài và thường thiếu nước sạch" - bà Phấn trầm ngâm cho biết.

Ở thôn Bèo Bọt hiện tại, đa phần chỉ còn người già, trẻ em và một số lao động bám địa bàn làm nông nghiệp, canh tác trên đất rừng sản xuất. Vốn đã biệt lập với bên ngoài, nay lại thưa thớt người càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm phần đìu hiu.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt - ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hiện toàn thôn Bèo Bọt có 42 em học sinh đang học tiểu học, 21 em đang học trung học cơ sở, 4 em đang học trung học phổ phông và hơn 20 em đang học các lớp mầm non. Do vị trí địa lý riêng biệt, giao thông hạn chế. Để bán nông sản, người dân phải đi đò, vác cả xe máy sang sông rất vất vả. Khi xây nhà thì phải mang từng viên gạch, từng bao xi măng… lên thuyền để chở về thôn, nhưng đò cũng không dám cho chở nặng vì sợ chìm thuyền. Việc người dân, cử tri kiến nghị xây cầu thì cũng đã có từ hàng chục năm trước, năm nào người dân cũng ý kiến, nhưng vì kinh phí không có, muốn xây dựng cây cầu qua sông không hề dễ dàng".

Thôn Bèo Bọt - ngôi làng nằm biệt lập bên dòng sông Mã - Ảnh 5.

Ở thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá còn rất nhiều ngôi nhà đơn sơ, mái ngói.

Chúng tôi rời thôn Bèo Bọt khi mặt trời đang dần xuống núi, nhìn các em học sinh đang ngồi chờ đò bên bờ, ông lái đò thở dài "học hết lớp 12 rồi chúng cũng rời các thôn Bèo Bọt này, để đi làm ăn xa như bao thanh niên khác mà thôi, còn thôn này vẫn cứ bèo bọt"...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem