Tính đến nay, dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã được triển khai thí điểm trên 18 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng, Kon Tum, Trà Vinh, Sơn La, Hòa Bình với tổng số là 24 dự án, gồm 16 dự án 350 - 400 triệu đồng/dự án/tỉnh) từ nguồn vốn của Bộ NNPTNT và 8 dự án (500 triệu đồng/dự án/tỉnh) từ nguồn vốn của địa phương.
Những hiệu quả tích cực bước đầu
Đánh giá về hiệu quả bước đầu thực hiện các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình "Không còn nạn đói ở Việt Nam cho biết, việc hỗ trợ cho mô hình các loại cây trồng vật nuôi ngắn ngày (vịt, gà thịt, gà đẻ trứng, rau xanh…) sẽ giúp cho người dân nhanh chóng có thêm nguồn thực phẩm (thịt, rau) bổ sung cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Nhờ các loại cây trồng, vật nuôi được đưa vào sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên, tập quán người dân địa phương, các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã góp phần thay đổi nhận thức, kiến thức và thực hành của người dân trong hoạt động chăn nuôi từ hình thức nhỏ lẻ, nuôi thả tự nhiên sang hình thức chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, có thu nhập bền vững.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Trưởng phòng Phòng Giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NNPTNT) nêu ví dụ như ở Trà Vinh, khi ông vào khảo sát để triển khai thực hiện dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, người dân Khmer ở đây chưa biết trồng rau để sử dụng. Đến nay các hộ dân đã biết nuôi gà, trồng rau để sử dụng trong bữa ăn gia đình.
Theo đánh giá tình trạng cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ em sau khi thực hiện mô hình nông nghiệp dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) năm 2021, sau khi thực hiện dự án, trẻ em dưới 24 tháng tham gia trong các câu lạc bộ dinh dưỡng đều tăng cân với mức trung bình 0,64kg, tăng chiều cao trung bình 1,6 cm; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở cả ba thể đã có xu hướng giảm ở tất cả các tỉnh: thể nhẹ cân giảm trung bình 1,7%, thấp còi giảm 3,3%, gầy giảm còn 8,1%.
Ấn tượng nhất của ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) về kết quả triển khai Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025 là việc thay đổi nhận thức, cách tiếp cận về phát triển sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo. Việt Nam là quốc gia đã đảm bảo an ninh lương thực, nhưng đảm bảo dinh dưỡng và phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm an toàn vẫn còn hạn chế.
"Một trong những tiêu chí giảm nghèo đa chiều mà chúng ta hướng tới là giảm nghèo dinh dưỡng - bản chất là chúng ta đóng góp vào tăng thể trạng, chuẩn bị nguồn lực con người, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hiện nay"- ông Thịnh nói.
Thông qua viêc triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, lần đầu tiên các chương trình được phối hợp lại với nhau, những hoạt động của các Bộ, ngành phối hợp với địa phương được thông suốt để đạt các mục tiêu chung. Ví dụ như đảm bảo cho người dân tiếp cận thực phẩm dễ dàng hơn đảm bảo từ sản xuất tới tiêu dùng, giúp đồng bào ở vùng nghèo giảm được suy dinh dưỡng, nhất là suy dinh dưỡng trên trẻ em; nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, giảm thất thoát lương thực...
Theo ông Thịnh, từ các mô hình, kế hoạch xây dựng ở Trung ương rồi triển khai thực hiện ở các địa phương, cách tiếp cận về nông nghiệp từ sản xuất sang tiếp cận theo hệ thống lương thực, thực phẩm, bao gồm gồm tất cả các công đoạn từ sản suất tới chế biến, thương mại, sử dụng, tiêu dùng... đã được thay đổi. "Chúng ta đã tham mưu để xây dựng kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng an toàn, bền vững và có trách nhiệm" – ông Thịnh nhấn mạnh.
Hướng tới đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình "Không còn nạn đói" ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2025 là giai đoạn 2 của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói". Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến thực hiện tại 42 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo.
Cụ thể, Chương trình "Không còn nạn đói" sẽ triển khai, nhân rộng ra khoảng 800 xã, bao gồm các xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; huyện nghèo và các xã còn lại đạt tiêu chí nông thôn mới thấp dưới 10 tiêu chí.
Do tiến độ thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn trước nhìn chung chậm so với yêu cầu nên giai đoạn này cần đẩy mạnh thực hiện để đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Ông Lê Đức Thịnh cho biết, vì Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" không có nguồn kinh phí riêng mà chủ yếu lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo, chương trình phát triển dân tộc miền núi và nông thôn mới.
Tuy nhiên, khi lồng ghép thì có rất nhiều cơ chế mà mỗi chương trình đặt ra nên cần có sự chỉ đạo và cơ chế lồng ghép rõ ràng để đảm bảo nguồn lực cho thực hiện. Trong khi đó, trọng tâm mà Chương trình "Không còn nạn đói" hướng tới là đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam, nguồn nhân lực cho sản xuất, cho phát triển kinh tế - xã hội.
"Khi nói đến "Không còn nạn đói", người ta hay nghĩ đến là chúng ta thiếu gạo, thiếu lương thực, thiếu ngô, sắn… nhưng cái chương trình đang hướng tới là suy dinh dưỡng. Nếu như suy dinh dưỡng cứ tiếp tục diễn ra như giai đoạn vừa qua thì thể trạng, nguồn nhân lực cho nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của chúng ta sẽ bị đe dọa nhiều" – ông Thịnh nhấn mạnh.
Hiện nay, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đang xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2022-2025, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm mỗi tỉnh thực hiện được 1/3 số xã trong vùng dự án của địa phương. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và thách thức đối với nhiều địa phương.
Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An nhận định, Chương trình "Không còn nạn đói" là một chương trình hay, cách tiếp cận mới. Tuy nhiên, việc triển khai ở địa phương vẫn chưa đồng bộ, quyết liệt. "Chương trình "Không còn nạn đói" chúng ta đã triển khai được mấy năm rồi, nó vẫn nằm ở đâu đó, ở địa phương chưa triển khai được cái gì" – ông Lương nói và cho biết hiện tỉnh Nghệ An còn 76 xã đặc biệt khó khăn, nguồn lực có hạn, nếu không có hướng dẫn thì rất khó thực hiện.
Cùng quan điểm, ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho rằng, Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" hết sức to lớn và có tính nhân văn cao. Tuy nhiên, đây là chương trình không có tiền, chủ yếu lồng ghép là chính.
"Hiện tại, tỉnh Yên Bái còn 59 xã đặc biệt khó khăn, 2 huyện đặc biệt khó khăn. Nếu chúng ta đưa vào kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho các tỉnh, về tỉnh sẽ tổ chức một là xây dựng đề án, hai là xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, vì còn 3 năm nữa thôi" – ông Trường nói.
Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục PHát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, địa bàn Thanh Hóa số lượng huyện nghèo, xã nghèo còn nhiều. Hiện có 6 huyện nghèo, 3 xã vùng bãi ngang ven biển và tổng số xã cần hỗ trợ là 94 xã. "Theo dự thảo Quyết định, 1 năm làm 30 xã, chúng tôi cảm thấy nguồn lực của Thanh Hóa rất khó khăn" – ông Lương nói.
Theo kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam giai đoạn 2022-2025, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 172/QĐ-TTg ngày 12/6/2018, gồm: 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững; 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập; không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm.