Những “di chứng” tiềm ẩn do đói dinh dưỡng và lý do đầu tư vào dinh dưỡng là lựa chọn khôn ngoan

Khương Lực Thứ tư, ngày 07/12/2022 05:17 AM (GMT+7)
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) nhận định, câu chuyện đói hiện nay của chúng ta không phải là đói lương thực mà đói dinh dưỡng. Vì thế, việc bố trí nguồn lực để nhân rộng các mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, nhất là ở các xã, huyện nghèo, đặc biệt khó khăn là rất cần thiết.
Bình luận 0

Đói dinh dưỡng gây ra nhiều hệ lụy

Đói dinh dưỡng bao gồm cả thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người và thiếu các vi chất bổ sung đang để lại nhiều "di chứng" đối với sức khỏe, sinh kế và tuổi thọ của các cá nhân cũng như đối với nền kinh tế của quốc gia.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới và trong khu vực đang chịu đồng thời 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là thiếu dinh dưỡng (thấp còi, gày còm), thừa cân/béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, vấn đề thừa cân béo phì tăng mạnh trong 10 năm qua, gấp hơn 2 lần so với năm 2010.

Những “di chứng” tiềm ẩn do đói dinh dưỡng và lý do đầu tư vào dinh dưỡng là lựa chọn khôn ngoan - Ảnh 1.

Đói dinh dưỡng để lại nhiều "di chứng" đối với sức khỏe, sinh kế và tuổi thọ của các cá nhân cũng như đối với nền kinh tế của quốc gia. Ảnh: K. Lực

Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi vẫn còn ở mức rất cao là 38% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số đang cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15%). Tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em người Kinh (21% so với 8,5%). Trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30%.

Theo các chuyên gia, dinh dưỡng kém trong 1.000 ngày đầu đời (từ khi bắt đầu mang thai của người mẹ đến sinh nhật thứ hai của trẻ) có thể dẫn đến tình trạng thấp còi, gây giảm khả năng nhận thức, giảm hiệu suất học tập và năng suất làm việc. Trên toàn cầu, 45% số trẻ em tử vong có liên quan đến thiếu dinh dưỡng.

Tỷ lệ béo phì đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, tác động đến nền kinh tế quốc gia và nhân lực do làm giảm năng suất và tuổi thọ và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang làm nổi bật tầm quan trọng của dinh dưỡng tốt đối với một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Những người bị suy dinh dưỡng có nhiều khả năng bị bệnh nặng và tử vong bởi Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.

Đáng chú ý, suy dinh dưỡng làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất và làm chậm tăng trưởng kinh tế, có thể kéo dài chu kỳ nghèo đói và sức khỏe kém. Suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức có thể gây thiệt hại cho xã hội lên tới 3,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, riêng thừa cân/béo phì và các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống đã tiêu tốn 500 tỷ USD mỗi năm.

Đầu tư vào dinh dưỡng là lựa chọn khôn ngoan

Đầu tư cho dinh dưỡng là cơ hội để tác động tích cực đến sức khỏe, tăng tiềm năng và năng suất cá nhân, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế của các quốc gia. Ngăn chặn suy dinh dưỡng sẽ giúp đạt được ít nhất 12 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), giúp tạo ra một thế giới lành mạnh, thịnh vượng và ổn định, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.

Những “di chứng” tiềm ẩn do đói dinh dưỡng và lý do đầu tư vào dinh dưỡng là lựa chọn khôn ngoan - Ảnh 2.

Trong năm 2022, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trong nuôi cá lót bạt quy mô nông hộ đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho người dân tại xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: K.Lực

Theo tính toán của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), lợi nhuận từ đầu tư vào dinh dưỡng cao. Ví dụ, với mỗi USD được đầu tư vào việc giảm tình trạng thấp còi, điều này có thể tạo ra lợi tức kinh tế tương đương với khoảng 18 USD.

Hơn nữa, theo tính toán của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoản đầu tư hàng năm 1,2 tỷ USD vào việc cải thiện nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng toàn cầu thông qua việc bổ sung, tăng cường thực phẩm hoặc vi chất hóa sinh học cho các loại cây lương thực, sẽ mang lại sức khỏe tốt hơn, ít tử vong hơn và tăng thu nhập trong tương lai lên tới 15,3 tỷ USD mỗi năm: tỷ lệ lợi ích/chi phí là 1/13.

Chương trình "Không nạn đói" do Tổng thư ký Liên hợp quốc phát động, là một lời kêu gọi hành động toàn cầu để chấm dứt nạn đói, bao gồm cả việc không để trẻ em dưới 2 tuổi thấp còi vào năm 2030, là một trong năm trụ cột chủ yếu liên quan đến lương thực và nông nghiệp.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết thực hiện mục tiêu này và Chính phủ đã cụ thể hóa bằng việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 ban hành Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

Chương trình có 5 nhiệm vụ chính và được thiết kế thành 2 giai đoạn (2018 - 2021 và 2022 - 2025) nhằm tích hợp, gắn kết hài hòa giữa các nội dung để các Bộ, ngành lồng ghép và triển khai mới gồm 68 nội dung. Trong đó có 52 nội dung thực hiện lồng ghép, 16 nội dung được xây dựng mới.

Kinh phí thực hiện Chương trình được lấy từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; các chương trình mục tiêu, dự án; nguồn vốn sự nghiệp hàng năm và nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, với tổng nguồn vốn dự kiến 545,11 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020 là 33,95 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến 511,16 tỷ đồng.

"Trong quá trình thực hiện, đến nay đã xây dựng được 26 mô hình cụ thể ở các địa phương, các tỉnh trong cả nước. Trên cơ sở ấy hình thành lên đội ngũ chuyên gia, tư vấn từ Trung ương xuống địa phương, rồi các nhóm, tổ ở các mô hình này. Các địa phương phát triển mô hình dinh dưỡng cơ bản, đây là tiền đề để phát triển ở giai đoạn tiếp theo đến năm 2025" – ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thông tin.

Các Bộ, ngành Trung ương cơ bản triển khai tốt, địa phương còn lúng túng

Ông Ma Quang Trung, chuyên gia tư vấn Chương trình "Không còn nạn đói" đánh giá, qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình "Không còn nạn đói", các bộ, ngành ở Trung ương cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của Thủ tướng giao.

Tuy nhiên, việc triển khai ở các địa phương hiện còn lúng túng, thậm chí có địa phương chưa triển khai. Đến nay, ở cấp địa phương mới có 16/42 tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói". Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến thực hiện tại 42 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo.

Hiện Chương trình "Không còn nạn đói" không có nguồn lực riêng, hoàn toàn dựa vào lồng ghép với các chính sách khác, đặc biệt ở 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về: giảm nghèo, phát triển dân tộc miền núi và nông thôn mới. Vì thế, việc lồng ghép vốn cũng như huy động thêm nguồn lực để thực hiện mục tiêu các mục tiêu Chương trình "Không còn nạn đói" là rất quan trọng.

Theo ông Ma Quang Trung, khái toán kinh phí thực hiện Chương trình "Không còn nạn đói" cho giai đoạn 2 (2021-2025) là gần 512 tỷ đồng, trong đó có gần 300 tỷ đồng vốn lồng ghép từ nguồn của các chương trình, dự án trong giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là nguồn vốn huy động khoảng 54 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách (vốn sự nghiệp) hơn 157 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, trong giai đoạn 2022-2025, chương trình "Không còn nạn đói" sẽ được mở rộng xuống các địa phương, đặc biệt là các địa phương thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và phát triển dân tộc miền núi có tỷ lệ hộ nghèo và suy dinh dưỡng cao từ 25-30%. 

 "Hiện nay Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đang tham mưu với Chính phủ, các địa phương xây dựng kế hoạch liên quan đến phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và hướng đến là đảm bảo dinh dưỡng, khai thác được các tiềm năng của các vùng, miền. Trong đó, đặc biệt là ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn khoảng 1.000 xã" – ông Thịnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem