Dân Việt

Tuyệt đối không ăn thử nấm rừng, những lưu ý cực kỳ thận trọng khi ăn nấm rừng

Đức Duy 11/12/2022 05:30 GMT+7
Trong các loài nấm rừng, một số loài nấm ăn được và có giá trị dinh dưỡng cao, hình dáng bên ngoài rất giống các loài nấm độc. Vì vậy, người dân thường nhầm lẫn giữa loài nấm độc và nấm ăn nên gây ra hậu quả ngộ độc do độc tố của nấm độc.

Mùa hè, tiết trời nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho các loại nấm tự nhiên phát triển, đặc biệt là ở các vùng rừng ẩm ướt. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thường xảy ra các vụ ngộ độc do ăn nấm rừng. 

Thời gian gần đây xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc tại các huyện: Thạch An, Hòa An, Bảo Lạc, Bảo Lâm... ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Vì vậy, người dân cần lưu ý khi hái nấm và ăn nấm rừng.

    Tuyệt đối không ăn thử nấm rừng, những lưu ý cực kỳ thận trọng khi ăn nấm rừng - Ảnh 1.

    Nấm độc tán trắng (Amanita verna) mọc hoang trong rừng, tuyệt đối không được hái về ăn.

    Trong các loài nấm rừng, một số loài nấm ăn được và có giá trị dinh dưỡng cao, hình dáng bên ngoài rất giống các loài nấm độc. Vì vậy, người dân thường nhầm lẫn giữa loài nấm độc và nấm ăn nên gây ra hậu quả ngộ độc do độc tố của nấm độc.

    Để phòng, chống ngộ độc do nấm rừng, người dân đặc biệt chú ý khi hái nấm mọc tự nhiên như sau: Quan sát thấy nấm không bị các loài khác như côn trùng, thú ăn thì tuyệt đối không hái về ăn; biết chắc chắn nấm rừng ăn được mới hái về ăn. 

    Kiểm tra, xác minh nấm thật kỹ trước khi hái và nấu ăn, kiên quyết loại bỏ nấm rừng lạ hoặc chưa biết rõ. Khi không tự tay hái nấm hoặc chưa có người phân loại thành thạo nấm ăn được và nấm độc thì không được ăn; tuyệt đối không ăn thử nấm vì rất nguy hiểm, có thể chết người nếu thử phải nấm độc. 

    Không dùng phương pháp cho động vật (chó, mèo...) ăn thử vì có loài nấm rừng sau khi ăn đến nửa ngày hoặc lâu hơn mới có biểu hiện ngộ độc nên không thể xác định có độc hay không sau khi cho động vật ăn.

    Các loài nấm ăn được và nấm độc mọc tự nhiên trong rừng có nhiều loại tương đối giống nhau cả về đặc điểm, hình thù, màu sắc... nên một số người thường hay hái nhầm phải nấm độc. Không hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm (đối với nấm tán) vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loài. Đặc biệt không được ăn nấm đã già hoặc nấm bị ôi thiu.

    Khi bị ngộ độc nấm rừng cần phải xử trí bằng cách gây nôn cho người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện ngộ độc, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.