Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cứ mỗi độ xuân sang, đi dọc các sườn đồi tại một số huyện ở Cao Bằng, chúng ta sẽ bắt gặp những bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp, thanh khiết và tràn đầy sức sống.
Đó là những đồi lê xanh mướt dưới vòm trời xanh trong trẻo, cùng với những chùm hoa lê trắng đưa nhẹ trong gió. Tất cả như đang cựa mình trỗi dậy dòng nhựa sống thanh tân theo bước chuyển mình của mùa xuân khiến núi rừng Cao Bằng bừng sáng đẹp say hồn người.
Quả lê là thứ quả bình dân, là đặc sản của núi rừng Cao Bằng.
Nếu xuân về thổi tràn hồn ta sắc trắng và vẻ đẹp thanh khiết của hoa lê thì khi hạ đến lê lại ân tình trao ta quả ngọt để thưởng thức. Với Cao Bằng, mùa lê chín còn gắn với Tết rằm tháng Bảy hằng năm - một lễ, Tết truyền thống lớn thứ hai trong năm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.
Người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có tục "Pây tái" vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Bảy. Theo tập tục, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, cứ đến ngày mùng 2 tháng Giêng (Tết Nguyên đán) và ngày rằm tháng Bảy hằng năm, là dịp cùng chồng con trở về nhà bố mẹ đẻ để báo hiếu, bày tỏ lòng biết ơn.
Những vật phẩm hiếu kính cha mẹ ngày rằm tháng Bảy thường là một đôi vịt béo, một chục bánh gai và hoa quả, trong đó, một loại quả không thể thiếu đó là lê vàng.
Trong không khí đầm ấm của ngày lễ, chan chứa tình thương yêu, sự kính trọng và niềm phấn khởi, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng của địa phương.
Sau bữa ăn, món lê vàng tráng miệng không chỉ làm gia tăng vị ngon của các đồ ăn mà còn lưu mãi hương vị ngọt ngào của quả và dư vị của tình cảm gia đình. Để rồi, khi chàng rể cùng con gái và các con cháu ra về, còn lưu luyến mãi và lại mong chờ mùa "Pây tái" năm sau.
Có phải hương vị lê vàng đã, đang và sẽ mãi dẫn đường đưa con người về với cội nguồn, về với tình cảm gia đình để biết sống trọn vẹn nghĩa tình, đạo lý !
Cứ thế, cây lê vàng ngàn xưa từ một quốc gia xa lạ "nhập tịch" Việt Nam, "định cư" lâu đời tại các vùng núi cao miền Bắc nước ta, chọn được vùng đất lành Cao Bằng, được thuần hóa, sàng lọc tự nhiên qua thời gian và qua các ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến đã trở thành giống cây ăn quả ưu việt, đặc trưng, có giá trị kinh tế cao.
Nếu được quan tâm đầu tư phát triển, lê vàng Cao Bằng sẽ trở thành thương hiệu uy tín, có cơ hội mở rộng thị trường trong nước và đến với thị trường quốc tế. Như vậy, cây lê vàng có thể trở thành một trong những giống cây trồng bản địa, góp phần hiệu quả vào việc giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi.
Đồng thời, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc anh em Cao Bằng nói riêng với bạn bè năm châu trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.