Sông Quây Sơn ở Cao Bằng đẹp như phim, có loài cá huyền thoại mang tên trầm hương, thực ra là loài cá gì?

Chủ nhật, ngày 10/04/2022 06:10 AM (GMT+7)
Chuyện kể xưa kia, dọc sông Quây Sơn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) có nhiều cây trầm hương, rễ cây ăn sâu vào hai bên bờ sông, nên loài cá dầm đã ăn rễ cây trầm để rồi khi bắt được cá, người ta phát hiện thịt cá có vị thơm riêng đến lạ, nên gọi tên cá trầm hương.
Bình luận 0
Sông Quây Sơn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ những ngọn núi dọc chiều dài biên giới Việt - Trung, hợp lưu của 2 nhánh sông nhỏ từ xã Phong Nặm và xã Ngọc Côn, tạo nên dòng chính Quây Sơn kỳ vĩ tại xã Đình Phong (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). 

Sông chảy xuôi qua xã Chí Viễn đến xóm Co Muông, xã Đàm Thủy rồi đổ dòng tạo nên ngọn thác Bản Giốc chứa đầy màu huyền thoại.

Sông Quây Sơn ở Cao Bằng đẹp như phim, có loài cá huyền thoại mang tên trầm hương, thực ra là loài cá gì? - Ảnh 1.

Mùa vàng bên dòng Quây Sơn (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: Thế Vĩnh.

Quây Sơn theo nghĩa Hán - Việt là dòng sông chảy bao quanh núi. Sông hiền hòa nhưng cũng tràn đầy sinh lực, tuôn chảy bốn mùa, len lỏi qua những vùng núi đá vôi, có chỗ lặng lờ trôi, có đoạn phẳng như gương soi mặt hồ rồi đến đoạn cuối đổ xuống tạo dòng thác hùng vĩ, nên thơ. Nước sông từ dòng thác tuôn chảy, bồi đắp phù sa màu mỡ hai bên bờ, tạo nên vùng đất tuy hẹp nhưng trù phú với những cánh đồng vàng óng mùa thu hoạch và xanh mướt rau màu.

Từ khi sông bắt đầu chảy vào mảnh đất biên giới phía Đông Bắc của huyện Trùng Khánh cho đến chiều dài mấy chục cây số, khi qua mỗi khúc cua, ta mới nhận ra sự dịu dàng và mãnh lực của dòng sông đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất “xứ sở thần tiên”.

Thác Bản Giốc, nơi đổ nước của sông Quây Sơn có hai dòng chính, trắng xóa như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi hùng vĩ; trên mặt sông, hơi nước tạo một khoảng sương mù soi rọi dưới áng nắng mặt trời tạo nên những cầu vồng đa sắc màu.

Bản Giốc còn một nhánh thác nữa nghiêng về phía Nam, nằm song song với dải thác chính ba tầng. Hai dòng thác chính, phụ tuôn chảy ngày đêm đã tạo nên lớp rêu phong ẩn mình sau những làn nước như tô thêm sự huyền bí, phong sương, chứa đầy trầm tích của thời gian.

Đôi khi, ta bắt gặp một đàn trâu xuất hiện trong chiều muộn lội tắm sông trước khi lững thững về chuồng làm sống động thêm bức tranh sơn thủy dân dã, đẹp đến nao lòng.

Đêm, mảnh đất biên cương tưởng như hoang vắng, tĩnh mịch, nhưng đứng lặng khoảng xa vừa phải ta sẽ nghe thấy tiếng thác đổ như bản dương cầm sâu lắng, âm thanh hài hòa đến độ ta như nuốt vào lòng thứ dư âm mang sắc màu của đêm cổ tích chốn biên ải. 

Một trong những câu chuyện mà dân gian vẫn truyền nhau về hang đá nằm bên sườn thác Bản Giốc, đó là hang Pác Luồng (tiếng địa phương là “miệng rồng”) nằm trên một ngọn núi cao chừng 300 m. 

Hang nằm tại vị trí lưng chừng, bên sườn núi có miếu thờ linh thiêng. Tương truyền của người dân Tày - Nùng nơi đây, khi gặp giặc dã, khó khăn do thiên tai thì người dân tìm đến hang cầu khấn, thắp hương xin điều lành, điều phúc.

Cũng bởi sự linh nghiệm, nên những người dân sống lâu đời coi hang là điểm tín ngưỡng - nơi miệng rồng, thuộc về vị trí đầu rồng vì đằng sau đó là những dãy núi điệp trùng như thân và đuôi rồng. 

Miếu thờ nằm trên vị trí cao nên nơi đó có thế đứng vững chãi, quan sát được toàn bộ vẻ đẹp của  thác từ hướng Đông Nam. Cũng vì thế đắc địa, người dân Bản Giốc hương lễ hằng năm và giữ hang, giữ vùng đất thiêng đã bảo vệ nhân dân bao đời nay. 

Năm 2014, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được đầu tư xây dựng hoàn thành, thu hút đông đảo du khách thập phương đến thưởng lãm sự kỳ vĩ nên thơ của thác Bản Giốc và núi rừng nơi đây, cũng như tạo điều kiện cho mọi người gửi gắm những ước nguyện tâm linh nơi cửa chùa trên miền biên viễn Tổ quốc.

Sông Quây Sơn ở Cao Bằng đẹp như phim, có loài cá huyền thoại mang tên trầm hương, thực ra là loài cá gì? - Ảnh 3.

Dòng Quây Sơn uốn lượn chảy qua xã Phong Nặm. Ảnh: T.V

Sông Quây Sơn bốn mùa khoe sắc, nhưng đẹp và xanh trong nhất vào mùa thu hay trong tiết đông. Trải qua thời gian, kiến tạo của dòng chảy đã tạo nên những cồn cỏ nhỏ xinh, bạt ngàn lau và những lùm cây vối tỏa bóng mát.

Cộng thêm sắc trời thu nơi đây tô điểm cho con sông trở nên thơ mộng, là những điểm dừng chân thú vị cho những ai muốn thưởng ngoạn. Mùa thu không chỉ mang màu của thời gian mà còn là mùa của tình yêu.

Sau những giờ lao động trên ruộng, nương, những nam thanh, nữ tú Tày - Nùng gửi gắm biết bao tâm tình qua câu hát giao duyên, và cũng biết bao mối tình nên thơ nảy nở bên dòng sông thơ mộng đã trở thành miền ký ức của nhiều cặp vợ chồng nơi biên cương, thôn dã. Vào tháng 10 hằng năm, ai đặt chân đến khu vực thác Bản Giốc đều ấn tượng bởi cảnh sắc hiếm thấy.

Từ dòng thác trắng như dải lụa, núi xanh, lúa vàng tầng bậc trên các thửa ruộng như chiếc thang trời, cồn cỏ xanh, lau trắng phất phơ, màu lá thanh phong vàng nhạt trải dài trên các vạt đồi như phơi mình dưới nắng thu, tiếng hát lượn của nam nữ da diết giữa sắc thu đầy lưu luyến…tạo nên sự duyên dáng, hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người. Sông Quây Sơn nơi thác đổ quả là bức họa sơn thủy hữu tình níu chân du khách gần xa.  

Nói đến Quây Sơn sẽ là thiếu nếu không nói đến ẩm thực từ dòng sông ban tặng, đó chính là các loại cá. Nức tiếng là cá trầm hương (có nơi gọi là cá dầm) - loài cá ngon thơm đến lạ và được người dân bản địa truyền tụng như một truyền thuyết. 

Chuyện kể xưa kia, dọc sông Quây Sơn có nhiều cây trầm hương, rễ cây ăn sâu vào hai bên bờ sông, nên loài cá dầm đã ăn rễ cây trầm để rồi khi bắt được cá, người ta phát hiện thịt cá có vị thơm riêng đến lạ, nên gọi tên cá trầm hương.

Sông Quây Sơn có hai khúc trong xanh nhất có cá trầm hương thơm ngon, đó là khu vực hợp lưu của sông chảy qua chân cầu Lũng Đính, thuộc xã Đình Phong. 

Loài cá dầm hay còn gọi là cá trầm hương nay vẫn còn nhưng cây trầm hương bên sông đã bị con người khai thác cạn kiệt, câu chuyện về cá trầm hương chỉ tồn tại qua lời kể của những bậc cao niên sống ở các làng bên sông.

Sau cá trầm hương là loài cá anh vũ (cá mõm lợn), tiếng địa phương gọi là pja pác mu cũng là loài cá quý hiếm. 

Cá anh vũ có bờ môi bằng sụn to và dày như mõm lợn, đặc biệt là bộ vảy óng ánh, sặc sỡ, cá chỉ ăn rêu tảo và sống ở nước trong, chảy xiết, trong những hang đá sâu và khi nước lạnh mới mò ra tìm mồi. Vì vậy, việc bắt được cá anh vũ này là cả một kỳ công, thường vào mùa đông.

Sông Quây Sơn, nơi ai từng ghé qua và ngay cả những con người sinh ra, gắn bó với dải đất biên cương chắc hẳn trong ký ức đều có những kỷ niệm đẹp, da diết đến nao lòng. Dòng sông vẫn ngày đêm tuôn chảy, minh chứng cho lịch sử về quá trình hình thành, phát triển với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của vùng đất phên dậu, nơi những con người chân chất, cần cù ngày đêm bám trụ, giữ vững cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Sơn Hà (Báo Cao Bằng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem