Ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trong hơn 30 nhóm ngành nghề. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đến nay hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã bước đầu khởi sắc.
Tuy lao động đi làm việc ở nước ngoài khá là đông, mỗi năm có hơn 100 nghìn lao động xuất cảnh, nhưng không phải lao động nào cũng có đủ kiến thức, hiểu biết về các khoản kinh phí phải đóng góp trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Như Tuấn - Phó trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, Điều 21 Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có quy định về các khoản tiền phí mà lao động phải đóng góp.
Cụ thể, tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài.
Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 21 cũng quy định Bộ LĐTBXH chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức trần tiền dịch vụ.
Mức trần tiền dịch vụ: Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.
"Mức tiền dịch vụ phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác", ông Tuấn nói.
Luật đưa người đi làm việc ở nước ngoài cũng quy định cách thức nộp và hoàn trả tiền phí dịch vụ. Theo đó, doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Điều 8, Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng có quy định mức đóng góp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp Quỹ mức 100.000 đồng/người/hợp đồng.
Căn cứ đóng góp Quỹ là một trong những loại hợp đồng hoặc văn bản sau:
Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp.
Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài ký giữa người lao động và doanh nghiệp về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận ký giữa người lao động và doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa người lao động và tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài;
Anh Đinh Văn Toàn (Thanh Hóa) đang chuẩn bị đi làm việc ở Nhật Bản cho biết, sau khi ký hợp đồng với chủ sử dụng ở nước ngoài, anh được hướng dẫn đóng góp trực tiếp vào Quỹ bằng hình thức chuyển khoản. Thủ tục nhanh gọn không phát sinh giấy tờ, không cần phải đi lại.
"Ngoài chuyển khoản, lao động cũng có thể đóng tiền mặt hoặc gửi công ty đóng. Tôi thấy thủ tục vậy là rất tiện lợi cho lao động", anh Toàn nói.
Thực tế, số tiền đóng góp của lao động là rất thấp, chỉ 100 nghìn đồng/1 hợp đồng, nhưng nếu không may gặp rủi ro lao động có thể được nhận số tiền lớn hơn gấp trăm lần.