Lao động đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ pháp lý khi gặp rủi ro, có tranh chấp

Thùy Anh Thứ ba, ngày 13/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro. Quyết định 40/2021/QĐ-TTg quy định hỗ trợ pháp lý cho các lao động không may gặp rủi ro, xảy ra tranh chấp pháp lý khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bình luận 0

Lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro phấn khởi vì được hỗ trợ pháp lý

Anh Lê Văn Sáng (34 tuổi) Thanh Hóa, từng gặp vấn đề phát sinh khi đi làm việc ở nước ngoài (Nhật Bản). Anh Sáng buộc phải về nước trước thời hạn, lúc đó anh đã rất lo lắng, băn khoăn.

Anh Sáng kể, cách đây 3 năm anh đi làm ở Nhật Bản. Để đi làm việc ở nước ngoài, anh Sáng đã phải vay ngân hàng 150 triệu. Tuy nhiên, đầu năm 2022 anh Sáng bị chủ sử dụng cho về nước vì cho rằng đã vi phạm nội quy lao động.

"Lúc đó tôi đã rất lo lắng. Khi về nước còn không được công ty trả lại ký cọc 100 triệu đồng. May mắn, tôi đã được luật sư tư vấn, chia sẻ thông tin về gói hỗ trợ pháp lý dành cho lao động khi đối mặt với tranh chấp pháp lý từ nguồn của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước", anh Sáng nói.

Theo tư vấn của luật sư, anh Sáng đang hoàn thiện hồ sơ để gửi Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

hỗ trợ tư vấn pháp lý cho lao động đi làm việc ngoài nước

Theo Quyết định 40/2021/QĐ-TTg lao động đi làm việc ở nước ngoài nếu gặp rủi ro tranh chấp pháp lý sẽ được hỗ trợ tư vấn, chi phí thuê luật sư. Ảnh:LOD

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) mỗi năm Việt Nam đưa hàng trăm nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, có nhiều vụ đưa người lao động đi làm việc không như ý muốn, lao động gặp phải rủi ro, phát sinh các vấn đề tranh chấp.

Ngoài các hỗ trợ kinh phí để tư vấn pháp lý, đóng án phí khi mời luật sư tham gia tư vấn pháp lý các lao động còn được hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mà người lao động không được bố trí chỗ ở. Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí thực tế theo hóa đơn, chứng từ thuê chỗ ở cho người lao động.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nhiều lao động khi gặp các rủi ro thường im lặng hoặc không biết tìm tới đâu để được hỗ trợ. Vì không có thông tin, hiểu biết và kiến thức pháp luật nên nhiều lao động không biết cách bảo vệ mình dẫn tới việc phải chịu thiệt thòi. 

Mức hỗ trợ tối đa tới 100 triệu đồng/1 vụ tranh chấp, kiện tục cho lao động găph rủi ro

Theo khảo sát của PV Dân Việt, đa phần lao động đi làm việc ở nước ngoài đều là lao động phổ thông. Hiểu biết về kiến thức, pháp luật hạn chế, vì thế khi gặp phải các rủi ro, rắc rối hay tranh chấp về pháp lý thì rất ngại chia sẻ hoặc cũng không biết tìm kiếm thông tin hỗ trợ từ đâu.

Điều 13, Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có quy định Hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể khi gặp rủi ro tranh chấp liên quan tới pháp lý, lao động có thể được hỗ trợ chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí giải quyết vụ việc

Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, án phí nhưng tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc; trường hợp vụ việc liên quan đến nhiều người lao động, mức hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/vụ việc.

Người lao động, đại diện của nhóm lao động (đối với vụ việc có nhiều lao động) hoặc người được người lao động ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động gửi giấy đề nghị hỗ trợ kèm theo 1 bộ hồ sơ chứng minh theo một trong các hình thức: trực tuyến, trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi tới Cơ quan điều hành Quỹ.

lao động được hỗ trợ kinh phí tư vấn pháp lý

Ngoài việc được hỗ trợ chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý, lao động còn được hỗ trợ thuê chỗ ở tạm thời nếu không có chỗ ở. Ảnh: LOD

Hồ sơ gồm: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại về việc tiếp nhận hồ sơ khiếu nại của người lao động được hợp pháp hóa bởi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại; bản sao hợp đồng thuê luật sư, tư vấn pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động khi phát sinh tranh chấp với người sử dụng lao động; bản sao hộ chiếu của người lao động; văn bản ủy quyền (ghi rõ nội dung ủy quyền) hoặc giấy tờ chứng minh quyền đại diện theo pháp luật theo quy định trong trường hợp người được ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ nộp thông qua doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa đi, đơn vị, cá nhân có văn bản đề nghị hỗ trợ kèm theo hồ sơ của người lao động gửi Cơ quan điều hành Quỹ.

Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan điều hành Quỹ kiểm tra, đối chiếu hồ sơ và làm thủ tục hỗ trợ, mức bằng 25% giá trị hợp đồng thuê luật sư, tư vấn pháp lý, tối đa 25.000.000 đồng/vụ việc, trường hợp liên quan đến nhiều người lao động, tối đa 50.000.000 đồng/vụ việc. Trường hợp không hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sau khi kết thúc vụ việc người lao động hoặc đại diện nhóm lao động hoặc người được ủy quyền gửi giấy đề nghị hỗ trợ phần kinh phí còn lại tới Cơ quan điều hành Quỹ.

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem