Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi bò, tuy nhiên trước đây, việc chăn nuôi bò của nông dân huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) hầu như tự phát và chủ yếu là để lấy sức kéo.
Từ khi Cẩm Khê xác định phát triển chăn nuôi bò là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của huyện, nông dân trên địa bàn huyện bắt đầu chú trọng đầu tư mở rộng đàn bò cả về số lượng, chất lượng, nhất là phải kể đến bà con xã Đồng Lương.
Gia đình ông Vi Hữu Dong (khu Xóm Đồi, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) nuôi bò sinh sản và bò thịt được hơn 20 năm. Trước đây, gia đình ông nuôi theo hình thức thả rông, thời gian nuôi kéo dài mà hiệu quả kinh tế không cao.
Từ năm 2000 đến nay, ông Dong đã chuyển sang nuôi bò nhốt vỗ béo, nuôi từ 30-40 con bò/lứa. Chỉ sau 4 tháng nuôi có thể xuất chuồng, trừ tất cả chi phí, ông Dong thu lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Dong chia sẻ: "Nuôi bò nhốt vỗ béo theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Bởi bò là vật nuôi ít bị rủi ro, dễ nuôi, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, chủ yếu lấy công làm lãi".
Theo ông Dong, để nuôi bò đạt kết quả cao, nguồn thức ăn phải phong phú. Ngoài rơm, rạ dồi dào sẵn có, chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp pha trộn một số loại thức ăn hỗn hợp như cám ngô, cám gạo làm thức ăn tinh, nên chi phí giảm đáng kể. Vì vậy, khi bò nuôi xuất chuồng, giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với chăn nuôi truyền thống trước đây.
Với lợi thế địa hình có nhiều bãi chăn thả thuận lợi cho chăn nuôi, thời gian qua, xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa.
Đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân từng bước phát triển chăn nuôi. Hiện xã Đồng Lương có tổng đàn hơn 2.000 con bò. Trong đó, có hơn 50 nông hộ phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo lấy thịt thương phẩm. Nhiều giống bò chất lượng cao đã được người dân đưa vào chăn nuôi như bò lai sind, bò 3B…
Trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung bò thịt ngày càng cao, nhiều hộ dân trong xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê) đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa.
Điển hình là các hộ dân khu Xóm Đồi, khu Đá Hen đã mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, xây dựng chuồng trại chăn nuôi từ 30-80 con bò, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng. Qua đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi vỗ béo bò thịt, UBND huyện Cẩm Khê cũng đã hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi từ 15 con trở lên. Xã Đồng Lương cũng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư mở rộng chuồng trại, giống, thức ăn và mở các lớp tập huấn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò.
Anh Trần Kim Tuyến (khu Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) hiện đang nuôi 55 con bò vỗ béo. Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi 1-2 con chăn thả tranh thủ lúc rảnh rỗi. Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo, nên gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi tập trung.
Anh Tuyến cho biết, nuôi bò tập trung hiện nay là xu hướng bởi diện tích đất đai ngày càng thu hẹp. Mấy năm trở lại đây, từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân, anh Tuyến đã mạnh dạn chuyển sang nuôi bò tập trung theo hướng hàng hóa, bước đầu mang lại hiệu quả cho thu nhập mỗi năm từ 300-400 triệu đồng.
"Hiện nay, nuôi bò mang lại nguồn thu nhập chính, giúp gia đình tôi cải thiện đời sống vật chất nhiều lần so với trước kia" - anh Tuyến phấn khởi nói.
Việc người dân chủ động trong phát triển kinh tế nông hộ, nắm bắt nhu cầu thị trường, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình từ mô hình nuôi bò tập trung theo hướng hàng hóa là tín hiệu đáng vui mừng. Đây sẽ là một trong những hướng đi góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi đàn bò của người dân vẫn gặp một số khó khăn về nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm, nguồn giống chất lượng...
Do đó, thời gian tới, UBND xã Đồng Lương sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân huyện, Phòng NNPTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y tư vấn người chăn nuôi cách lai tạo, lựa chọn các con giống tốt; chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh, mở rộng quy mô chăn nuôi; khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.