Dòng sông chảy ngược ở Việt Nam với giai thoại Quan Tuần Tranh nhảy sông tuẫn tiết hóa cặp rắn thần

Thứ tư, ngày 14/12/2022 13:30 PM (GMT+7)
Quan Tuần Tranh trong thời gian ở Lạng Sơn chỉ huy quân đánh giặc không may bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, bản thân ông lại bị vu cáo là phạm tội dâm ô. Chính vì nỗi oan khuất này, ông đã nhảy xuống bến sông Kỳ Cùng tự tử.
Bình luận 0

Con sông Kỳ Cùng quê hương tôi là một con sông đặc biệt bởi nó không xuôi về phương Nam mà chảy ngược về phương Bắc, sau khi đã quanh co qua trùng điệp núi non hùng vĩ, qua những bản làng trù phú, yên bình, ôm ấp những kiếp đời nông dân cần cù, thuần phác mà dũng liệt, trung trinh của vùng đất Lạng Sơn ngàn năm phên dậu.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn có ghi: “Sông Kỳ Cùng phát nguyên từ ghềnh Tri Viện, xã Đình Lập, châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên, chảy quanh co 23 dặm làm sông Khuất Xá, lại chảy 17 dặm làm sông Cẩm Đoạn…, đổ ra cửa ải Binh Nhi thuộc Long Châu nước Thanh”. 

Sách “Địa chí Lạng Sơn” (Nxb Chính trị Quốc gia -1999) cũng ghi: “Sông Kỳ Cùng là sông lớn nhất của Lạng Sơn cũng như của khu vực miền núi Đông Bắc, có chiều dài 243km, diện tích lưu vực 6.660km2 … Sông Kỳ Cùng bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa, ở huyện Đình Lập, chảy từ Đông Nam lên Tây Bắc theo hướng dốc của địa hình qua Lộc Bình, Điềm He, Na Sầm, Thất Khê. 

Tại đây sông Kỳ Cùng uốn khúc chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam tới biên giới Trung Quốc, đổ vào lưu vực sông Tây Giang”.

Dòng sông chảy ngược ở Việt Nam với giai thoại Quan Tuần Tranh nhảy sông tuẫn tiết hóa cặp rắn thần - Ảnh 2.

Sông Kỳ Cùng đoạn qua thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.  Ảnh: DƯƠNG KIM

Các tư liệu khảo cổ cũng cho biết, con người đã gắn bó với dòng sông từ thời tiền sử, dọc theo các hang động hai bên bờ sông. Trải qua tiến trình lịch sử, những cư dân thay đổi phương thức lao động, mở mang địa vực cư trú, tạo lập nên những bản làng quần cư, khai thác dòng nước để làm nông nghiệp. 

Dân cư gần hai bên bờ sông Kỳ Cùng chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng bản địa và người dân tộc Kinh di cư từ phương Nam tới. Những người dân tộc khác của Lạng Sơn sống ở những phần đất cao hơn. Đặc trưng bản sắc riêng có của người Tày, người Nùng bản địa và người Kinh tạo nên những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất bên dòng sông Kỳ Cùng.

Đường lên Xứ Lạng bao xa

Cách một trái núi với ba quãng đồng

Ai ơi đứng lại mà trông

Kìa núi Thành Lạng kìa sông Tam Cờ.

(Ca dao)

Ngày nay, trên địa phận Lạng Sơn, chẳng có con sông nào được gọi là sông Tam Cờ. Vậy sông Tam Cờ ngày xưa ấy, nay đâu? Trên địa phận tỉnh Lạng Sơn có nhiều sông, suối nhưng chảy qua địa bàn thành phố Lạng Sơn thì chỉ có sông Kỳ Cùng. 

Sông Kỳ Cùng đoạn chảy qua thành phố Lạng Sơn có hình thế rất đẹp, nước trong, dòng dài, quanh co uốn lượn dưới chân những trái núi tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. 

Một đặc điểm của sông Kỳ Cùng là với mỗi vùng đất mà nó chảy qua, sẽ được dân gian gọi bằng những cái tên khác nhau mà phổ biến nhất là dùng chính tên đất để gọi tên sông như đoạn chảy qua Khuất Xá (huyện Lộc Bình) gọi là sông Khuất Xá, đoạn chảy qua Na Sầm (huyện Văn Lãng) gọi là sông Na Sầm. Và tên gọi Tam Cờ cũng mang một ý nghĩa như vậy. 

Từ xa xưa trấn lỵ Lạng Sơn đã nổi tiếng là vùng đất có ba chữ Kỳ: Sông Kỳ Cùng, phố chợ Kỳ Lừa và núi Kỳ Cấp. Có thể chính vì ba chữ Kỳ của núi của sông và của phố ấy mà người xưa đã gọi con sông chảy qua vùng đất ấy là sông Tam Kỳ. Kỳ là từ gốc Hán có nghĩa là cờ. Vì thế mà Tam Kỳ thành ra Tam Cờ. Cho đến những năm 40 của thế kỷ XX, sông Kỳ Cùng vẫn còn được gọi là sông Tam Kỳ. 

Trong tài liệu Xã chí Lạng Sơn do trường Viễn Đông Bác Cổ trực tiếp khảo sát và ghi chép năm 1943 có mục ghi về phố Tây Môn (phố Cửa Tây) như sau: “Nơi này có một ngôi đền làm trên một ngôi đất trông xuống sông Tam Kỳ”. Ngôi đến này chính là đền Ngũ Nhạc, còn gọi là đền Cửa Tây nằm ngay bên bờ sông Kỳ Cùng, thuộc địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

Nằm bên hữu ngạn sông Kỳ Cùng đoạn trung tâm thành phố Lạng Sơn có một ngôi chùa cổ có tên là Diên Khánh Tự (tục gọi là Chùa Thành). 

Ngay bên Chùa Thành chính là Kỳ Cùng thạch độ – di tích Bến đá Kỳ Cùng xưa, nơi được Đốc trấn Ngô Thì Sỹ (1726 – 1780) chọn là một trong tám cảnh đẹp của trấn lỵ Lạng Sơn (Trấn doanh bát cảnh). Năm 1993, đền Kỳ Cùng được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Do sự giao lưu văn hóa từ rất sớm giữa các dân tộc bản địa và người Việt, xuôi theo dòng sông Kỳ Cùng từ thượng nguồn cho tới hạ lưu còn lưu dấu nhiều di tích đình, đền, chùa miếu… trong đó có nhiều đền thờ Tam, Tứ phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Cùng với đó là các lễ hội mùa xuân của cư dân bản địa trong đó có những giao thoa văn hóa giữa phần lễ và phần hội rất độc đáo và bản sắc.

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ diễn ra tại trung tâm thành phố Lạng Sơn, ngay bên dòng Kỳ Cùng thơ mộng, là một trong những lễ hội nổi tiếng và đặc sắc nhất Lạng Sơn. Đây là lễ hội của hai đền thờ: Đền Kỳ Cùng thờ Quan lớn Tuần Tranh (thời Vua Hùng Vương thứ 18) và đền Tả Phủ thờ vị phó tướng thời hậu Lê (thế kỷ XVII) là Tả Đô đốc Thân Công Tài. 

Theo truyền thuyết, ông Tuần Tranh là quan tướng nhà Trần được nhậm chức Tuần ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, sau được bổ nhiệm lên Lạng Sơn để yên dân, dẹp giặc phương Bắc:

“Chính quân quê nhà đền Ninh Giang

Danh lam cổ tích ngự một tòa trên tỉnh Lạng Sơn…”

(Văn Quan lớn Tuần Tranh)

Quan Tuần Tranh trong thời gian ở Lạng Sơn chỉ huy quân đánh giặc không may bị thua, quân lính thiệt mạng rất nhiều, bản thân ông lại bị vu cáo là phạm tội dâm ô. Chính vì nỗi oan khuất này, ông đã nhảy xuống bến sông Kỳ Cùng tự tử. Nhưng do tấm lòng trong sạch, ông được thần linh hóa thành đôi rắn (ông Cộc – ông Dài) làm vị thần sông ngự tại Kỳ Cùng:

“… Nỗi oan này thấu tận trời cao

Dây oan kết lại thành đôi long xà…”

(Văn Quan lớn Tuần Tranh)

Tương truyền, khi Thân Công Tài giữ chức Tả Đô đốc Hán Quận công ở Lạng Sơn đã tìm hiểu rõ ngọn nguồn cơ sự về nỗi oan khuất của quan lớn Tuần Tranh và giải được nỗi oan cho ngài và để Nhân dân lập đền thờ phụng ngài. Vì mối duyên đó mà hằng năm, trong dịp lễ hội đầu xuân hai đền Kỳ Cùng và Tả Phủ đã tổ chức chung một lễ hội (từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch). 

Ngày 22 tháng Giêng, Quan lớn Tuần Tranh được rước lên đền Tả Phủ (nơi thờ Tả Đô đốc Thân Công Tài trên phố chợ Kỳ Lừa) để tạ ơn, tri ân, hội ngộ với người đã giúp giải được nỗi oan khuất của đời mình, đến ngày 27 tháng Giêng lại rước trở về đền Kỳ Cùng. 

Phần lễ đặc biệt là vậy, phần hội cũng vô cùng đặc sắc với nhiều hoạt động giao thương, ẩm thực, trò chơi dân gian…

Một trong những hoạt động văn hóa độc đáo mà nhờ có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay chính là hát sli.

Vào ngày khai hội (22 tháng Giêng) những “chàng trai, cô gái” Nùng nô nức trảy hội. Những cô gái Nùng cúm cọt mặc quần chàm, áo ngắn may bằng loại vải kẻ ca rô xanh hoặc đỏ. 

Những cô gái Nùng hua lài thì mặc quần chàm với áo chàm dài, cô nọ cúi gập người đưa lưng cho cô kia gấp nếp phẳng phiu những chiếc thắt lưng to bản cũng bằng vải chàm. Sau khi thắt lưng, vấn khăn cho nhau, họ cầm những chiếc gương bé tí tẹo trong lòng bàn tay, hoặc nghiêng đầu vào gương xe máy, hồn nhiên trang điểm …

Xong những nghi thức thủ tục đó, từng tốp, từng tốp các “cô gái, chàng trai” dắt tay nhau vào hội để tìm bạn sli. Sở dĩ tôi đóng dấu ngoặc kép bốn chữ “chàng trai, cô gái” là bởi vì đa phần những chàng trai, cô gái đó đã luống tuổi, đã thành ông, thành bà. Nhưng những lời hát vang lên mới thiết tha làm sao:

– Nhì nhàn… sloong hàu

Ná mấư hăn cần, nự phức hin

Làng slương so chào, pần mí pần?

– Có làng mì slim các kiều mạy

Noọng dừ mì slim các kiều hin,

Kiều mạy phjải lai nhằng vài khoái

Kiều hin phàn si phjải xình dìn…

( – Ơ… hai chúng mình…

Mới gặp nhau đã thấy người xinh

Mình muốn làm quen, có được không?”

– Nếu anh có lòng bắc cầu gỗ

Em cũng sẵn lòng bắc cầu đá

Cầu gỗ đi nhiều còn bị mòn

Cầu đá muôn đời mãi mãi bền…)

Lạc giữa một ngày hội xuân Kỳ Lừa năm ấy, tôi hỏi một chị gái ngồi tựa vai bạn buồn buồn: “Sao chị không hát sli cùng các bạn?”. “Hôm nay mình không hát, đi hội vui thôi…”. “Có phải ngày xưa khi còn trẻ, các chị đi hội và sli (hát sli) đối đáp giao duyên để tìm bạn đời không?”. “Đúng rồi… tìm bạn mà. Nhưng cũng có khi thành bạn đời mà cũng có khi không thành gì cả…”.

Rồi chị kể cho tôi nghe, một ngày hội xuân năm xưa, chị đã gặp một người trai trẻ. Anh không biết nghe sli, chỉ là vui chân đi hội, nhưng ông trời đã xui khiến cho họ gặp nhau, trò chuyện cùng nhau cho tới lúc trăng lên…

Chị hẹn anh ngày hội năm sau, anh nói anh sắp phải đi học xa nhà mất mấy năm, nhưng anh hứa năm sau, nhất định sẽ tìm chị trong ngày khai hội Kỳ Lừa. Năm sau, năm sau nữa và cả năm sau nữa, chị đã đi tìm anh mà không gặp. Và họ lạc nhau cho tới tận bây giờ…

Tựa vào vai người bạn gái cũng đã luống tuổi và rất kiệm lời, hầu như không nói năng gì, chị khe khẽ cất lời sli:

Nhì nhàn… sloong hàu…

Cườm tín thòi ăn tì

Cườm tín thòi ăn lò

Đa kiều hùn slắn giá còi mừa…

(Ơ… hai chúng mình…

Dùng dằng ở chốn này

Dùng dằng dọc con đường

Để bắc vào hồn vía của nhau một chiếc cầu…)

Có phải trong tâm thức những cư dân sinh sống hai bên bờ của dòng Kỳ giang luôn khao khát những chiếc cầu nên hình tượng “chiếc cầu” xuất hiện trong lời sli da diết nhường kia?

Và có phải, con sông Kỳ Cùng khi chảy qua miền đất sâu nặng tình người đến thế, đã không nỡ xuôi ra biển cả mà dùng dằng, dùng dằng ngược về với miền đất biên thùy bao thuở nhuộm thắm máu đào của những người con hy sinh vì Tổ quốc?

Kỳ Cùng, tình yêu tha thiết gọi thành tên sông.

VI THỊ THU ĐẠM (Báo Lạng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem