Theo Bloomberg, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL) vừa cáo buộc ông lớn thương mại điện tử Mỹ Amazone đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Gilimex cho biết họ là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến năm 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu USD, tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy. Việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm. Hành động của Amazon khiến họ phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô vô giá trị.
Gilimex cho biết họ đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự kiến để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng ngày càng mạnh của Amazon trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vào tháng 4-5 vừa qua, Amazon đã "bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến" trong thời gian còn lại của năm 2022-2023.
Theo đơn kiện của Gilimex, Amazon là khách hàng lớn nhất của họ, với các đơn đặt hàng trị giá 146.6 triệu USD vào năm 2021. Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.
"Vì vậy, trong khi Amazon đạt được mức tăng doanh thu kỷ lục trong thời kỳ đại dịch chủ yếu do sự bùng nổ về lượng đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng thì ban lãnh đạo và người lao động của Gilimex đã mạo hiểm hàng ngày để lập kỷ lục đó theo đúng nghĩa đen", đơn kiện viết.
Amazon hiện chưa bình luận về vụ việc trên.
CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) có tiền thân là Công ty Cung ứng hàng xuất khẩu quận Bình Thạnh, được thành lập vào năm 1982.
Hoạt động chính của Gilimex là sản xuất, gia công, thương mại, xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành may và cho thuê khu công nghiệp.
Vốn điều lệ khi với thành lập của GIL là 12 tỷ đồng và đến cuối quý III/2022, vốn điều lệ của Công ty đạt 600 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2021, Gilimex có hai cổ đông lớn là ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 12,2% vốn điều lệ; ông Nguyễn Phương Đông sở hữu 8,07% vốn điều lệ và còn lại là 79,74% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Hiện công ty có 6 công ty con và 1 công ty liên kết, cùng 158 dây chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh, Thạnh Mỹ và các nhà máy vệ tinh.
Theo báo cáo của Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset mới đây, Gilimex có mối quan hệ lâu năm với các đối tác lớn tại Hoa Kỳ và châu Âu. Công ty chủ yếu cung cấp sản phẩm cho Amazon chiếm khoảng 85% doanh thu, 15% doanh thu còn lại chủ yếu đến từ 2 khách hàng lớn IKEA (châu Âu) khoảng 12% và Ballard (Mỹ) khoảng 2%.
Từ khi hợp tác với Amazon, doanh thu của Gilimex tăng trường trung bình năm đạt trên 20%. Doanh thu của Gilimex tăng trưởng đều đặn, năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu ở mức đỉnh với 4.150,3 tỷ đồng. Đặc biệt, từ quý IV/2021 đến quý II/2022, doanh thu của GIL lần lượt đạt gần 1.400 tỷ đồng, quý I/2022 đạt 1.416 tỷ đồng và quý II/2022 ghi nhận 1.274 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến quý III/2022, doanh thu công ty đột ngột giảm sâu xuống còn vỏn vẹn 213 tỷ đồng, giảm 66,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau đạt 128,21 tỷ đồng, tăng 598,7% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,1% về còn 9,9%.
Doanh thu tài chính trong quý III tăng 834,4% lên 269,1 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 528,2% 100,6 tỷ đồng.
Lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 10,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 8,07 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 97% xuống 853,5 triệu đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm không đáng kể với 43,6 tỷ đồng.
Công ty thuyết minh trong quý III, doanh thu tài chính tăng đột biến chủ yếu do ghi nhận 200,9 tỷ đồng lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết so với cùng kỳ không ghi nhận.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Gilimex ghi nhận doanh thu đạt 2.904,7 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 351,5 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, Gilimex đặt mục tiêu đạt 4.000 tỷ đồng lợi nhuận và 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau 9 tháng GIL hoàn thành 140,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới cuối quý III/2022, tổng tài sản của Gilimex đạt 4.267,7 tỷ đồng, tăng hơn 13%. Tài sản ngắn hạn tăng nhẹ lên 3.782,7 tỷ đồng, trong đó trữ tiễn chiếm 48,1% tổng tài sản với 2.953,4 tỷ đồng, trong đó đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng tới 195% lên 1.224 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn giảm mạnh 74% xuống 263,5 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 70,5% so với đầu năm lên 1.277,9 tỷ đồng.
Xét về danh mục đầu tư chứng khoán, tính tới 30/9/2022, Công ty đầu tư 64,06 tỷ đồng vào chứng khoán. Trong đó, đầu tư 61,22 tỷ đồng vào cổ phiếu GMC của CTCP Germex Sài Gòn, trích lập dự phòng 21,83 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả giảm 18% xuống 1.764 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay ngắn hạn với 1.622 tỷ đồng, tổng nợ vay giảm 7% so với đầu năm xuống 938,4 tỷ đồng.
Trước thông tin Công ty kiện Amazone, tại phiên giao dịch sáng 15/12, cổ phiếu GIL giảm sàn xuống 26.250 đồng/cp, trắng bên mua, dư bán sàn với hơn 1,3 triệu cp.