Shark Thủy khẳng định chưa bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam, cổ phiếu IBC vẫn “cắm đầu” 17 phiên

Quốc Hải Thứ năm, ngày 15/12/2022 09:59 AM (GMT+7)
Bên cạnh việc giải trình lý do cổ phiếu IBC giảm sàn liên tục thì Shark Thủy cũng đã xin lỗi phụ huynh, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên và hứa sẽ tìm đối tác, quỹ đầu tư để đồng hành cùng hồi phục và phát triển
Bình luận 0
Shark Thủy khẳng định chưa bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam, cổ phiếu IBC vẫn “cắm đầu” 17 phiên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy đã tham gia Shark Tank Việt Nam các năm 2018, 2019. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) giải trình về các thông tin trên báo chí.

Giải đáp những bức xúc và phản ánh của các nhà đầu tư đã tham gia góp vốn vào hệ thống của Egroup, Chủ tịch Apax Holdings Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thủy) cho biết: "Trước đây, chúng tôi có kế hoạch sẽ niêm yết Egroup lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó do điều kiện chưa phù hợp, chúng tôi có bán cổ phần để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Chúng tôi có cam kết sẽ định giá và mua lại khoản đầu tư đó hàng năm".

Ông cho biết thêm: "Trong thời gian này, chúng tôi sẽ tìm các quỹ đầu tư, các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước đề đồng hành đi cùng, hồi phục và phát triển. Đây là cách tốt nhất để có chúng tôi có tiềm lực thực hiện trách nhiệm với các nhà đầu tư".

Ông Nguyễn Ngọc Thủy giải trình, mong mỏi nhất lúc này là nhận được sự bao dung, sự chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, khách hàng và cộng đồng.

"Chúng tôi nợ các phụ huynh một môi trường học tập như đã cam kết và vốn có trước đại dịch. Chúng tôi mong mỏi tất cả mọi người hãy giúp tôi, cho tôi cơ hội thực hiện được cam kết của mình", ông Thủy nói.

Phải cần 2-3 năm mới có thể phục hồi

Shark Thủy cho biết dịch Covid-19 diễn ra khiến các kế hoạch ban đầu của Apax Leaders bị thay đổi.

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Apax Leaders đã có chương trình miễn phí học online trong hơn 6 tháng không chỉ dành cho các học viên Apax mà cho tất cả học sinh trong độ tuổi. Mỗi tháng chi phí hoạt động của chuỗi là khoảng hơn 100 tỷ đồng, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Apax Leaders phải đầu tư duy trì đồng thời song song 2 hệ thống online và offline.

Đặc biệt, khi dịch kéo dài gần một năm với số lượng gần 70.000 học viên trên toàn quốc, Apax Holdings buộc phải đầu tư nền tảng công nghệ với chi phí lớn, lên đến vài triệu đô. Apax Holdings đã có kế hoạch để duy trì hình thức học online nếu dịch kéo dài trong 2 năm hoặc lâu hơn thế nữa và cũng đã có kế hoạch để đưa chương trình đào tạo tiếng Anh online ra thị trường quốc tế dựa trên nền tảng công nghệ.

Song song, trung tâm vẫn phải duy trì hệ thống các trung tâm offline và chi trả toàn bộ các khoản chi phí mặt bằng, dịch vụ, vận hành... dù không hoạt động. "Do đó, công ty thực sự khó khăn", văn bản giải trình nêu.

Về vấn đề phụ huynh đòi lại học phí vì trung tâm thực hiện không đúng cam kết, ông Thủy khẳng định chậm nhất đến hết tháng 3/2023, Apax Leaders sẽ mở cửa tất cả các trung tâm và nâng cấp giải pháp học tập như trước dịch hoặc tốt hơn trước dịch.

"Với những phụ huynh không thể tiếp tục đồng hành, phía trung tâm đang đề xuất với các phụ huynh là cho trung tâm chuyển thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc", ông Thủy giải trình.

Shark Thủy khẳng định chưa bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam, cổ phiếu IBC vẫn “cắm đầu” 17 phiên - Ảnh 2.

Công văn giải trình của Shark Thủy...

Cụ thể,  Shark Thủy đề xuất với các phụ huynh cho công ty chuyển thành các hợp đồng vay 6 tháng, 8 tháng, tốt hơn có thể là 1 năm và bắt đầu chi trả vào sau tái cấu trúc. Công ty có thể bắt đầu chi trả vào tháng 4/2023 và chia thành các kỳ chi trả. Những phần trả chậm thì xin trả lãi như một khoản vay.

"Chúng tôi đã bị đóng cửa mất 2 năm vì Covid-19 nên bây giờ cần khoảng 2-3 năm để thực sự phục hồi quay lại như trước đại dịch", ông Thủy nhấn mạnh.

Về việc nợ lương nhân viên, Shark Thủy cho biết, đến lúc không thể thực hiện chi trả các khoản chi phí, đặc biệt là đến vấn đề tiền lương, đến cuộc sống của cán bộ nhân viên. 

"Đây là điều hết sức đau xót. Tôi mong cán bộ, nhân viên, những người đang làm việc và đã nghỉ việc cho tôi gửi lời xin lỗi. Chúng tôi đang nỗ lực để sớm vượt qua khủng hoảng khó khăn. Cá nhân tôi và lãnh đạo công ty sẽ hoàn trả tất cả những khoản thu nhập và lương của mọi người", ông Thủy khẳng định.

Hệ sinh thái của Shark làm ăn ra sao?

Mới đây, Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội vừa công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) 6 đến 24 tháng trên địa bàn. Trong đó, hàng loạt công ty "hệ sinh thái" liên quan đến Shark Thủy đang nợ bảo hiểm các loại tới hàng chục tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten có 732 lao động đang nợ bảo hiểm 16 tháng với số tiền hơn 14,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Giáo dục Tư duy và Sáng tạo CMS là công ty liên kết với Apax Holdings cũng nợ đóng gần 7 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và phân phối Egame, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Ecapital, Công ty cổ phần Apax Global do ông Thủy làm người đại diện pháp luật cũng nợ bảo hiểm 8-21 tháng với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/11, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với tổng số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.

Về sức khỏe của doanh nghiệp nhà Shark Thủy, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 4.809 tỷ đồng. Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Apax Holdings âm hơn 266,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 gần 106 tỷ đồng.

"Tôi khẳng định thông tin tôi đi định cư châu Âu là không có cơ sở và tôi cũng không bao giờ có suy nghĩ ấy. Trong suốt thời gian qua và trong giai đoạn xảy ra tin đồn, ngày nào tôi cũng lên văn phòng làm việc , gặp mặt cổ đông và tới các tỉnh làm việc với acc1 phụ huynh vì chúng tôi đang tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc hệ thống.

Tôi khá ngạc nhiên nhưng không bất ngờ, tôi đang tập trung để phục hồi lại hoạt động kinh doanh nên ít xuất hiện trước truyền thông nên khiến nhiều người hoang mang. Tôi khẳng định một lần nữa là tôi chưa bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam", Shark Thủy thông tin.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của IBC cũng cho thấy, IBC ghi nhận tổng tài sản tăng gần 181 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và vốn chủ sở hữu tăng 53 tỷ đồng lên 1.618 tỷ đồng.Trong cơ cấu tài sản của IBC, các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 39%. Các khoản thu ngắn hạn của IBC là 1.839 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn là 532 tỷ đồng.

Nợ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của IBC. Tính đến hết tháng 9/2022, tổng nợ IBC là 3.191 tỷ đồng, tăng 128 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm hơn 66% tổng nguồn vốn.Trong đó, tổng nợ vay là 1.984 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với đầu năm.

Như vậy, tổng nợ vay của công ty đang lớn gần gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, mã IBC đã giảm sàn 12 phiên liên tiếp, kết thúc ngày 14/12 đạt 4.940 đồng/cổ phiếu. Còn nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, mã này đã có tới 17 phiên giảm sàn, nghĩa là đã giảm tới 74% giá trị.

Tuy nhiên, nếu so với thị giá từ hồi đầu năm 2022 thì mã chứng khoán này đã "bốc hơi" tới 245% giá trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem