Vàng tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chống lạm phát trong năm 2023

H.Thủy (Theo WGC) Thứ năm, ngày 15/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tình hình lạm phát và sự can thiệp của các ngân hàng trung ương sẽ là chìa khóa quyết định triển vọng của kim loại quý này vào năm 2023.
Bình luận 0
Vàng tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chống lạm phát trong năm 2023 - Ảnh 1.

Vàng miếng được trưng bày tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Báo cáo “Triển vọng thị trường Vàng” mới nhất do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố cho biết tình hình lạm phát và sự can thiệp của các ngân hàng trung ương sẽ là chìa khóa quyết định triển vọng của kim loại quý này vào năm 2023. 
Hội đồng cho hay thị trường sẽ có nhiều thuận lợi lẫn bất lợi vào năm tới. Theo WGC, một cuộc suy thoái nhẹ, thu nhập giảm cũng như sự suy yếu của đồng USD khi lạm phát “hạ nhiệt” nhìn chung đều là các yếu tố tích cực đối với vàng. 
Ngoài ra, các đợt bùng phát căng thẳng địa chính trị có thể tiếp tục khiến vàng trở thành một “hàng rào” có giá trị trước các rủi ro. Việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự kiến được cải thiện trong năm tới cũng giúp thúc đẩy nhu cầu vàng của người tiêu dùng nước này. 
Tuy nhiên, áp lực đối với thị trường hàng hóa do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể tạo ra những “cơn gió ngược” cho vàng trong nửa đầu năm 2023. 
Việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ hơn mức cần thiết có thể dẫn đến thị trường kim loại quý này sụt giảm nghiêm trọng. Ngược lại, kịch bản các ngân hàng trung ương đột ngột đảo ngược hướng đi thông qua tạm dừng hoặc đảo ngược các đợt tăng lãi suất trước khi lạm phát được kiểm soát có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt tình trạng lạm phát song hành đình trệ tăng trưởng (stagflation). WGC lưu ý rằng trong lịch sử, giá vàng thường phản ứng tích cực với môi trường này. 
Còn trong một kịch bản ít khả năng thành hiện thực như kinh tế toàn cầu có một “cuộc hạ cánh mềm” và tránh được suy thoái, điều đó sẽ gây bất lợi cho vàng và tạo điều kiện cho các tài sản rủi ro như chứng khoán đi lên. 
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dự kiến chỉ tăng 2,1% vào năm 2023. Nếu không tính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008 -2009 và đại dịch COVID-19, đó sẽ đánh dấu tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm nhất trong 4 thập kỷ và đáp ứng các tiêu chí của một cuộc suy thoái. 
WGC nhấn mạnh rằng gần như không thể tránh khỏi việc lạm phát sẽ giảm trong năm tới. Giá hàng hóa và các hiệu ứng cơ bản sẽ tiếp tục giảm, kéo theo lạm phát năng lượng và lương thực đi xuống – những điều sẽ có tác động đối với chính sách tiền tệ. 
Theo WGC, không ngân hàng trung ương nào muốn mất khả năng kiểm soát kỳ vọng lạm phát. Tâm lý đó sẽ dẫn đến xu hướng duy trì chống lạm phát mạnh mẽ thay vì chú trọng bảo vệ tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do đó, WGC nhận định các ngân hàng trung ương sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến ít nhất giữa năm 2023.
Tại Mỹ, Hội đồng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm tới. Còn ở những nền kinh tế khác, WGC dự kiến các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất chính sách chậm hơn ở Mỹ. Đến năm 2024, hầu hết các ngân hàng trung ương sẽ quay trở lại chế độ nới lỏng. 
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể. Ngược lại, lãi suất sẽ giúp gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem