Dân Việt

Trồng cây gì trên rừng mà một nông dân giỏi Quảng Ngãi tạo việc cho 15 lao động, mức lương 4-5 triệu/người/tháng?

Đồng Xuân 17/12/2022 10:24 GMT+7
Về huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) hỏi thăm chị Đinh Thị Bằng, dân tộc Ca Dong ở thôn Ra Long, xã Sơn Mùa thì ai cũng biết vì chị làm kinh tế giỏi. Mô hình trồng rừng nguyên liệu của gia đình chị tạo việc làm cho 15 lao động, mức lương là 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2015 đến nay, chị luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2022 này chị là một trong 6 nông dân xuất sắc tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, được bình chọn đi dự Hội nghị biểu dương "Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc tại thủ đô Hà Nội trong tháng 9 năm 2022.

Trò chuyện cùng phóng viên, chị Bằng cho biết, tận dụng lợi thế vùng đất màu mỡ nơi đây để phát triển kinh tế, chị đã bàn với chồng tích cực chăn nuôi và khai hoang diện tích đất mỗi ngày một ít, lâu dần lên đến hơn 10ha để trồng keo lai và trồng chuối xen kẻ trồng mì (sắn), để có nguồn thức ăn cho gia súc theo phương thức "lấy ngắn nuôi dài" mà chị học được từ sách, báo.

Quảng Ngãi: Gương sáng về nữ nông dân Ca Dong làm kinh tế giỏi - Ảnh 1.

: Chị Đinh Thị Bằng, dân tộc Ca Dong ở thôn Ra Long, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bên rừng keo lai của gia đình. Ảnh: Đồng Xuân.

Với bản tính cần cù, siêng năng và ham học hỏi, từ năm 2013, chị Bằng đã tham gia lớp học nghề thú y được Hội Nông dân tỉnh mở lớp tại địa phương, sau 3 tháng học nghề, chị Bằng đã vận dụng kiến thức học được và bắt tay vào việc mở rộng chuồng trại để chăn nuôi heo.

Chị Bằng chia sẻ, nhờ có kiến thức đã học nên công tác phòng, trừ dịch bệnh cho heo chị đã làm rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Từ đó chị đã vay mượn vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng đàn gia súc và khai hoang đất đồi để trồng rừng, lập trang trại. Đến năm 2015, gia đình chị đã thoát nghèo.

Đến nay, chị Bằng đã sở hữu cánh rừng keo lai lên đến 49,5ha, đàn bò 35 con lớn, nhỏ và chăn nuôi thêm heo nái và nhiều gà, vịt để có thêm nguồn thu nhập, giải quyết nhu cầu chi tiêu hàng ngày cho gia đình.

Tính riêng từ năm 2020 đến nay mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế gia đình chị Bằng vẫn giữ mức thu nhập ổn định, hàng năm sau khi trừ chi phí chị thu lãi hơn 300 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động nông nhàn ở địa phương, với mức lương giao động từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Chẳng những biết làm kinh tế giỏi mà chị Bằng còn là gương nữ nông dân tiêu biểu trong các phong trào thi đua ở địa phương phát động, chị luôn là người đóng góp đạt và vượt mức các nguồn Quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ tham gia phòng chống dịch Covid-19 và đóng góp nhiều công sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.