Ở tỉnh Bình Dương, có một lớp dạy tiếng Anh hoàn toàn miễn phí đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn. Thầy giáo của lớp học đặc biệt này là Trương Chấn Sang, Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, người sáng lập nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh nghèo vượt khó ở tỉnh Bình Dương và không ít địa phương khác trên cả nước.
Niềm đam mê cống hiến cho đời của chàng trai 26 tuổi xuất phát từ chính những khó khăn không phải ai cũng đủ sức vượt qua. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng núi Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Chấn Sang sớm đối mặt thử thách cuộc đời từ lúc “chập chững lên ba” do gia đình mắc nợ, bố mẹ ly hôn. Ít lâu sau, bố và anh cả của Sang lần lượt qua đời vì bệnh gan.
Một lần đạp xe tới trường, cậu học trò nghèo đam mê ngoại ngữ gặp tai nạn nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, hôn mê nhiều tháng. Tỉnh lại, Chấn Sang mất trí nhớ tạm thời, không nhận ra cả người chị ruột đến chăm sóc anh hằng ngày. Lúc anh nhớ ra mọi việc thì chị gái cũng ra đi mãi mãi vì bệnh gan.
Những thử thách nghiệt ngã đã hun đúc Trương Chấn Sang thành một chàng trai lạc quan với nụ cười tươi thường trực. Với các chứng chỉ uy tín trong nước, quốc tế về ngoại ngữ, Chấn Sang mở nhiều lớp dạy tiếng Anh miễn phí ở quê nhà, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và cả cán bộ Đoàn, Hội, những người đã đi làm nhờ phương pháp học độc đáo, dí dỏm.
Mỗi năm, chàng trai với tuổi thơ xin cơm chùa sống qua ngày đều trích một phần không nhỏ thu nhập, vận động các nhà hảo tâm, tổ chức nhiều chương trình tình nguyện. Từ năm 2016 đến nay, tổng giá trị các sự kiện mà Chấn Sang đứng ra tổ chức đã lên tới hơn 3 tỷ đồng.
Trương Chấn Sang là một trong những tấm gương tiêu biểu, đại diện hàng triệu bạn trẻ với tinh thần xung kích, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng, nêu cao những giá trị nhân văn, hiệu quả thiết thực từ phong trào “Thanh niên tình nguyện” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động.
Nhiệm kỳ 2017-2022 vừa qua, phong trào đã tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực, hiệu triệu đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua hàng triệu phần việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh…
Theo Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, thành công của chiến dịch thể hiện qua các điểm nhấn: để lại dấu ấn tốt, đạt kết quả toàn diện, chuyên sâu, chuyên nghiệp, bền vững, gắn kết và lan tỏa tốt hơn. Từ đó, tiếp tục khẳng định vai trò không thể thiếu của thanh niên cũng như sức sống mãnh liệt của các phong trào cách mạng tuổi trẻ hiện nay trong sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Những năm gần đây, quá trình phát triển công nghiệp ghi nhận không ít vụ tai nạn lao động. Cùng với đó, sự bùng phát phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng cho thấy tính cần thiết của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào lao động trong môi trường nguy hiểm.
Từ thực tế trên, Nguyễn Khoa Hùng và Võ Tá Thanh Minh, học sinh Trường trung học phổ thông Phú Bài (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chế tạo thành công “Hệ thống cánh tay Rô-bốt mô phỏng hoạt động cánh tay người ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI”.
Công trình của hai bạn trẻ được triển khai đầu năm 2021. “Khối lượng công việc vô cùng lớn, nhưng chúng tôi chỉ có thể tận dụng giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học, hy sinh toàn bộ thời gian rảnh cuối tuần để tập trung nghiên cứu. Dù được các thầy, cô giáo chỉ bảo tận tình, nhưng chúng tôi vẫn nhiều lần đi vào “ngõ cụt”. Có lúc cảm biến gặp sự cố liên tục, khi thì động cơ bỗng cháy rụi không rõ nguyên nhân”, Nguyễn Khoa Hùng nhớ lại.
Miệt mài nửa năm trời, Khoa Hùng và Thanh Minh lần lượt chinh phục những thử thách không hề đơn giản với học sinh trung học, cho ra đời một cánh tay rô-bốt với khả năng mô phỏng hoạt động tay người với độ chính xác cao. Từ thiết kế đơn giản ban đầu, phần thân cánh tay đã được trang bị khung kim loại với động cơ công suất lớn, xi-lanh khí nén. Hệ thống điều khiển cũng được nâng cấp bo mạch tốc độ xử lý cao với các mô hình học máy tiên tiến như nhận diện khung xương bàn tay, ước tính tư thế con người, điều khiển sóng vô tuyến…
Các báo cáo kiểm thử của Phòng Sáng chế Trường trung học phổ thông Phú Bài cho thấy, cánh tay rô-bốt có khả năng cầm nắm chắc chắn những vật thể với khối lượng tới 200g. Theo hai “nhà sáng chế” trẻ, trước mắt, công trình có thể ứng dụng vào giúp đỡ người cao tuổi trong một số hoạt động hằng ngày. Tương lai, Khoa Hùng và Thanh Minh sẽ tìm kiếm thêm nguồn lực hỗ trợ để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thành ước mơ táo bạo nhưng đầy tính nhân văn: hỗ trợ người lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Cánh tay rô-bốt trên là một trong các công trình tiêu biểu tại Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2022, diễn ra đầu tháng 12 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội.
Cũng là mũi nhọn hành động cách mạng của tổ chức Đoàn, phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” đã khơi dậy, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần sáng tạo như một lẽ sống của thanh thiếu nhi.
Trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, phong trào đã tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên đề xuất nhiều sáng kiến, chủ động đăng ký, thực hiện hiệu quả các đề tài khoa học gắn với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong lao động, sản xuất, kinh doanh, tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều cách làm, nội dung phong phú giúp cải tiến, ứng dụng khoa học công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, thời gian sản xuất.
Ở lĩnh vực công tác phục vụ nhân dân, phong trào gặt hái nhiều thành tựu, được xã hội và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong đời sống, phong trào từng bước tạo thói quen sáng tạo trong thanh thiếu nhi, với kết quả là hàng loạt sáng kiến, giải pháp phục vụ xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng.
Trong tháng Thanh niên năm 2022 vừa qua, với bối cảnh cả nước chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh, Trung ương Đoàn đã lựa chọn chủ đề “Tuổi trẻ sáng tạo” và đạt nhiều kết quả đáng chú ý. Nổi bật là việc toàn Đoàn triển khai hơn 18 nghìn công trình thanh niên các cấp với tổng giá trị hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, tổ chức khoảng 1.200 hoạt động với gần 3 nghìn đội hình thanh niên tình nguyện; huy động gần 40 nghìn lượt y sĩ, bác sĩ trẻ tình nguyện tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn vệ sinh phòng, chống dịch Covid-19; trao gần 3 nghìn thẻ bảo hiểm y tế tặng người dân hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách; hỗ trợ gần 80 nghìn đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp sáng tạo; trao gần 24 tỷ đồng học bổng tặng học sinh vượt khó học tốt; chăm lo hơn 45 nghìn thiếu nhi cả nước…
Nhìn về tương lai, thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 2030-2045 chủ yếu sẽ thuộc nhóm sinh ra vào nửa cuối thập niên 1990 đến 2012, dự báo chiếm gần 1/4 dân số cả nước và gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động. Đây là thế hệ trưởng thành trong thời đại kỹ thuật số phát triển, với những đặc điểm mới về tính cách, nhận thức, tiềm năng, xu hướng và phong cách sống.
Những dự báo trên đòi hỏi tổ chức Đoàn cần có tư duy, tầm nhìn mới, không ngừng sáng tạo trong các phong trào, hoạt động, tạo môi trường phù hợp, động viên, khuyến khích thanh niên rèn luyện, phát huy bản thân nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, 5 năm tới đây, các cấp bộ Đoàn sẽ tập trung thực hiện ba nhiệm vụ đột phá: tập trung xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Đoàn có bản lĩnh chính trị, đạo đức, trách nhiệm, năng lực, uy tín, tiên phong, gương mẫu; triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” với mũi nhọn là khởi nghiệp sáng tạo ở cả trong và ngoài nước; nâng cao năng lực số cho thanh niên gắn với trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, học tập, nghiên cứu, giải trí, việc làm… để tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng, tăng năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.