Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2022 là năm mà kinh tế thế giới và trong nước khó khăn hơn rất nhiều so với đánh giá, dự báo tại thời điểm cuối năm 2021.
Ở thời điểm đó, không tổ chức, cá nhân nào có thể dự báo rằng lạm phát lại tăng nhanh đến như vậy, trở thành xu hướng lan rộng trên toàn cầu, chạm mốc cao nhất trong vòng 40 năm tại một số nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, châu Âu.
Xu hướng thắt chặt tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mặc dù đã được dự đoán từ trước, nhưng tần suất và mức độ thì cũng không thể dự báo. Các điều kiện thị trường trên toàn cầu biến động mạnh, từ tiền tệ với đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm, đến cổ phiếu, trái phiếu, và lưu chuyển dòng vốn toàn cầu.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, bối cảnh tài chính thắt chặt, cùng với những biến động mạnh của thị trường tài chính thế giới tạo ra những áp lực lớn lên tỷ giá, lãi suất các đồng tiền, đặc biệt là các nền kinh tế nhỏ có độ mở lớn như Việt Nam.
Trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ, điều này thể hiện thông qua diễn biến của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
"Sau hơn một thập kỷ tạo dựng nền tảng vĩ mô ổn định thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Những biến động vừa qua tại các thị trường cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn.
Phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đảm bảo nơi ăn, chỗ ở cho người dân.
"Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua. Do đó, có thể nói đây là chủ đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tầm chiến lược đối với tiến trình phát triển kinh tế của một quốc gia", theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Để kiểm soát lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cùng với đó, điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; Đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng trong dịp lễ, Tết.
Đối với NHNN, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất, cơ quan này đẩy nhanh tiến độ ban hành, tháo gỡ vướng mắc văn bản pháp lý hỗ trợ chuyển đổi số, Fintech và giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi.
Việc ban hành kịp thời những văn bản này sẽ có tác động kép, vừa thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu cho các tổ chức tài chính trong bối cảnh lãi suất cao, nguồn cung tín dụng không nhiều, vừa tăng tốc vòng quay của tiền, giúp tăng thanh khoản cho hệ thống, giảm áp lực của việc tăng lãi suất đến nền kinh tế.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính (theo các đề án đã ban hành); lưu ý đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng, an toàn của các công ty chứng khoán, hạn chế tối đa tác động lan truyền (ngân hàng - chứng khoán – bất động sản).
Trong đó, cân tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh có thể tăng vốn, đảm bảo an toàn hoạt động, theo yêu cầu của Chương trình phục hồi và đảm bảo năng lực cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Ba là, đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa hoạt động của thị trường và các tổ chức tài chính, áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, tiến tới Basel III…, cũng là để giảm thiểu tình trạng tập trung sở hữu, chi phối hoạt động lẫn nhau, gây rủi ro chéo, khó lường.
Ngoài ra, NHNN cần có lộ trình với việc áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và Basel III với hệ thống tổ chức tín dụng theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" (Quyết định 689/QĐ-TTg) và "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025" (Quyết định số 986/QĐ-TTg).
Việc áp dụng phương pháp nâng cao sẽ giúp đánh giá đúng mức độ rủi ro tín dụng của từng khoản vay, thay vì cả lĩnh vực như trong Thông tư 22/2019 hoặc Phương pháp tiêu chuẩn (SA) theo Thông tư 41/2016.