Vùng đất Hiệp Hòa (Bắc Giang) nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã như trám đen, gỏi cá mè... Những năm gần đây, một đặc sản nữa được nhiều người biết đến là bánh chưng Vân. Bánh chưng Vân ngon hơn nhiều nơi khác bởi nguyên liệu được lựa chọn kỹ và quy trình làm bánh khá cầu kỳ.
Hai xã nổi tiếng gói bánh chưng của huyện Hiệp Hòa là xã Hoàng Vân, Hoàng An. Bánh làm bằng gạo nếp cái hoa vàng, nhân bánh được làm bằng mỡ khổ thái nhỏ trộn ít hạt tiêu, đỗ xanh. Mỗi chiếc bánh chưng sử dụng khoảng 700g gạo nếp, 200g đỗ và một dải thịt ba chỉ nhiều mỡ.
Nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, đặc biệt, bánh chưng làng Vân, sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Giang được thực khách gần xa biết đến đặt mua về ăn hoặc làm quà biếu.
Bánh chưng Hiệp Hòa có màu trắng vì gói bằng lá chít, bánh mềm dẻo, thơm mùi gạo nếp và đỗ xanh, hạt gạo còn nguyên hình... Khi ăn bánh thơm ngon, bùi ngậy.
Nguyên liệu làm bánh chưng tại nơi đây là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ, lá chít, các gia vị... Thế nhưng gạo gói bánh là loại nếp cái hoa vàng được gieo cấy trên đồng đất xã Thái Sơn cùng huyện. Đây là loại gạo thơm dẻo có vị đặc trưng riêng. Gạo gói bánh cũng được bà con chọn cầu kỳ, hạt gạo trắng, mẩy được ngâm nước 5 tiếng đồng hồ. Gạo sau khi vo sạch trộn với ít muối, giúp bánh không ôi thiu, vị thêm đậm đà.
Lá bánh là loại lá chít do nhân dân tự trồng. Sau khi cắt bỏ phần ngọn và cuống, lá được rửa sạch bằng nước rồi đem luộc đến khi nước chớm sôi thì vớt ra để lá mềm và giữ nguyên mùi vị. Thịt lợn nhân bánh được tuyển chọn từ những trang trại nuôi lợn sạch trên địa bàn. Hạt đậu xanh đều, không sâu mọt.
Lá chít là một loại gần giống như cây lau, cây sậy, còn có tên gọi khác là cây đót. Đôi khi nhiều người nhầm loại loại tre măng bát độ trồng để lấy măng vì hình dáng của lá rất giống. Lá chít cứng, hình giáo rộng, nhọn mũi, dài 30-60cm, rộng 5-10cm.
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức thi gói bánh chưng Vân.
Cách gói cũng rất quan trọng, phải vừa tay vì chặt quá làm bánh nhanh lại gạo, còn lỏng bánh sẽ nhão. Các hộ đều dùng củi luộc. Bánh được đưa lên bếp luộc 2 lần trong thời gian khoảng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ rồi vớt ra, rửa sạch, sau đó dùng tay lăn đến khi rền và dẻo mới quấn lại.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa cho biết: " Để có một mẻ bánh chưng Vân ngon tất cả các khâu làm bánh đều phải kỹ càng, cẩn thận. Ngay khâu luộc cũng cần đúng kỹ thuật và qua hai bước. Đầu tiên đun đến khi nước sôi phải vớt bánh ra. Sau đó cho nước vào luộc tiếp khoảng 5 tiếng nữa là bánh chín đều. Để bánh dền, dẻo, sau khi vớt khỏi nồi, bánh được lăn đều trên rơm nếp.
Mỗi chiếc bánh là cả tâm huyết, gửi gắm vào đó là hồn quê, hương vị quê hương của mỗi người thợ làm bánh. Mặc dù nhu cầu thị trường lớn song các hộ làm nghề coi trọng chữ tín, chất lượng sản phẩm, không vì thế mà xem nhẹ các khâu làm bánh.
Đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Vân chia sẻ: Bánh chưng làng Vân tuy có tiếng nhưng quy mô sản xuất không lớn. Tất cả những cơ sở sản xuất bánh chưng đều là của các hộ gia đình riêng lẻ. Khi số lượng đơn hàng lớn thì các hộ gia đình nhờ thêm hàng xóm, họ hàng tới gói cùng.
Bánh chưng Vân được sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh bóc vỏ, không sử dụng chất phụ gia và được sản xuất bằng phương pháp truyền thống của địa phương. Thương hiệu Bánh chưng Vân là đặc sản truyền thống của quê hương dựa trên tiêu chí sạch, an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng. Sản phẩm được xếp loại Ocop 3*."
Giá bán mỗi chiếc khoảng 40 - 50 nghìn đồng tùy giá cả nguyên vật liệu mỗi năm. Vào dịp Tết, nhất là từ 20/12 âm lịch, nhiều gia đình, cơ quan của các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội,... đều đổ về đây đặt bánh.
Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, UBND huyện Hiệp Hòa chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức thi gói bánh chưng Vân, vừa để nâng cao tay nghề, vừa là dịp quảng bá sản phẩm. Thương hiệu bánh chưng Vân đã, đang được nhiều người biết đến.