Bắc Giang: Nhiều tín hiệu tích cực từ Chương trình OCOP

Văn Kế Thứ sáu, ngày 16/12/2022 09:00 AM (GMT+7)
Bắc Giang đã có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn...
Bình luận 0

Tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp

Sau 04 năm thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả toàn diện. Số lượng sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 180 sản phẩm được công nhận, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có số sản phẩm OCOP thuộc Top đầu cả nước, đứng thứ 2 khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, phương châm của tỉnh Bắc Giang khi xây dựng các sản phẩm OCOP là đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Bắc Giang: Nhiều tín hiệu tích cực từ Chương trình OCOP - Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Giang nỗ lực tuyên truyền về sản phẩm OCOP, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký và phát triển các thương hiệu nhãn hiệu cho riêng mình.

Nhờ đó, những năm gần đây sản lượng, chất lượng sản phẩm Ocop tỉnh Bắc Giang ngày càng đi vào chiều sâu, các chủ thể sản xuất đã quan tâm hơn đến việc hướng sản phẩm của mình ra các thị trường tiềm năng ngoài nước. Đây chính là bước mở để kinh tế nông thôn phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, phát triển bền vững.

Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Về cơ bản các sản phẩm Ocop của tỉnh Bắc Giang đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh. Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; GMP; VietGap; GlobalGap… có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn và hướng tới xuất khẩu.

Bắc Giang: Nhiều tín hiệu tích cực từ Chương trình OCOP - Ảnh 2.

Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh Bắc Giang, góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh.

Những năm trở lại đây nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của Bắc Giang cũng đã mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó nhiều sản phẩm có khả năng xuất khẩu cao như: các sản phẩm mỳ gạo Chũ; sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau sạch Yên Dũng; cam, bưởi Lục Ngạn;…

Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh đã có mặt trên thị trường quốc tế Đức; Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc;… Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia…

Nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang

Bên cạnh đó còn có các sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba (Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông,…). Từ đó đã nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong và ngoài nước.

Có được kết quả trên là do tỉnh Bắc Giang luôn trú trọng tới công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; vào chuỗi siêu thị; hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ...

Xác định mục tiêu xây dựng NTM và chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn. Ông Lê Ánh Dương- Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới là lấy công nghiệp là động lực chủ yếu, dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Bắc Giang: Nhiều tín hiệu tích cực từ Chương trình OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm OCOP góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của tỉnh Bắc Giang.

"Hiệu ứng lan toả của chương trình OCOP cấp tỉnh không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng gia tăng giá trị nông sản, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần nâng tầm vị thế sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu" ông Dương nhấn mạnh.

Có được kết quả như ngày hôm nay, tỉnh Bắc Giang luôn nỗ lực tuyên truyền về sản phẩm OCOP, từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký và phát triển các thương hiệu nhãn hiệu cho riêng mình. Cùng với đó, mỗi chủ thể OCOP tự có trách nhiệm với sản phẩm của mình từ mẫu mã, bao bì, chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm đã góp phần gia tăng giá trị không chỉ về kinh tế mà cả về giá trị văn hóa cho địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem