Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tích cực cộng với đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá dầu hôm nay duy trì đà tăng. Thị trường cũng dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 20/12 (8h09 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 75,910 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 80,368 USD/thùng.
Trước đó, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 20/12/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 75,62 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 80,10 USD/thùng, tăng 0,30 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu hôm nay duy trì đà tăng trong bối cảnh thị trường đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc sẽ được cải thiện mạnh khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời cho biết có kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023.
Áp lực suy thoái kinh tế cũng hạ nhiệt khi giới chuyên gia nhận định thời khắc khó khăn nhất đã qua, lạm phát toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt và các ngân hàng trung ương cũng đã tính tới việc giảm tốc tăng lãi suất.
Bộ Năng lượng Mỹ mới đây cũng đã thông báo về việc mua bổ sung dầu thô vào kho dự trữ chiến lược. Thông tin này cũng hỗ trợ giá dầu thô tăng mạnh.
Giá dầu ngày 20/12 cũng được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn, suy giảm khi Nga tuyên bố sẽ không bán dầu cho các nước ủng hộ việc áp trần giá dầu đối với dầu thô của nước này, trong khi sự cố đường ống dẫn dầu Keystone vẫn chưa được khắc phục.
Ở diễn biến mới nhất, EU đã đạt được thống nhất về mức áp trần giá khí đốt Nga. Điều này được dự báo sẽ tạo bất ổn không nhỏ đối với thị trường năng lượng trong khu vực.
Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch chiều 19/12 do triển vọng nhu cầu dầu phục hồi do Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiềm chế Covid-19 và Mỹ quyết định mua dầu để dự trữ.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 42 xu Mỹ (0,5%) lên 79,46 USD/thùng vào lúc 14 giờ 53 phút (giờ Việt Nam) ngày 19/12, trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ cũng tăng 38 xu Mỹ (0,5%) lên 74,67 USD/thùng.
Giới phân tích cho biết: Mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, nhưng sự lạc quan khi mở cửa trở lại và chính sách hỗ trợ đã cải thiện triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Bộ Năng lượng Mỹ thông báo rằng họ sẽ bắt đầu mua lại dầu thô cho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược để giao vào tháng 2 năm 2023 và thông tin này cũng hỗ trợ triển vọng giá dầu tăng mạnh hơn. Đây sẽ là lần mua đầu tiên của Mỹ kể từ đợt "mở kho" kỷ lục 180 triệu thùng từ kho dự trữ trong năm nay.
Dầu Brent và WTI đã tăng hơn 3% vào tuần trước do đường ống dẫn dầu từ Canada đến Mỹ vẫn đóng cửa khi nhà điều hành TC Energy Corp tập trung vào việc khắc phục và dọn dẹp một vụ tràn dầu. Việc ngừng hoạt động đường ống, với khả năng vận chuyển 622.000 thùng dầu thô mỗi ngày của Canada tới các nhà máy lọc dầu của Mỹ, đã hỗ trợ giá cho các loại dầu thô của Mỹ.
Tại thị trường trong nước, ngày 12/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 12/12.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ hai tháng 12, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu đồng loạt giảm sâu thêm từ 937 - 1.661 đồng/lít từ 15 giờ chiều ngày 12/12.
Trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít; dầu diezen 800 đồng/lít; dầu hỏa và dầu mazut 500 đồng/lít; xăng RON 95 là 400 đồng/lít.
Theo đó, giá xăng dầu bắt đầu áp dụng từ 15 giờ chiều 12/12 đối với xăng E5 RON 92 là 20.346 đồng/lít, giảm 1.333 đồng/lít. Giá xăng RON 95 là 21.000 đồng/lít, giảm 1.504 đồng/lít. Giá dầu diezen là 21.670 đồng/lít, giảm 1.543 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 21.901 đồng/lít, giảm 1.661 đồng/lít. Giá dầu mazut là 13.016 đồng/kg, giảm 937 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 20/12 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 20.346 (giảm 1.333 đồng/lít so với giá hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 854 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 21.200 đồng/lít (giảm 1.504 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 21.670 đồng/lít (giảm 1.543 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 21.901 đồng/lít (giảm 1.661 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.016 đồng/kg (giảm 937 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 01/12/2022 và kỳ điều hành ngày 12/12/2022 là: 84,040 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 5,284 USD/thùng, tương đương giảm 5,92% so với kỳ trước); 88,440 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 5,525 USD/thùng, tương đương giảm 5,88% so với kỳ trước); 107,800 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,886 USD/thùng, tương đương giảm 6,82% so với kỳ trước); 111,284 USD/thùng dầu điêzen (giảm 6,406 USD/thùng, tương đương giảm 5,44% so với kỳ trước); 368,509 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 23,271 USD/thùng, tương đương 5,94% so với kỳ trước).
Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 1/12 - 12/12) chịu tác động của các yếu tố như lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng, nhu cầu nhiên liệu suy yếu trong bối cảnh Mỹ có khả năng tăng lãi suất; việc áp giá trần đối với dầu của Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19… Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Trước đó, đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhận định, dự báo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ tăng nhưng các doanh nghiệp đảm bảo đủ nguồn cung cho người dân du xuân, chơi Tết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp phải có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore tiếp tục thiết lập mức thấp kỷ lục trong năm 2022. Theo đó, giá xăng nhập chỉ còn 82 USD/thùng.
Mức giá này tương đương với ngày 3/9/2021, khi đó giá xăng trong nước (A95) là 21.131 đồng/lít. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng chỉ còn 17.831 đồng/lít.
Trong suốt thời gian qua, giá xăng A95 nhập từ Singapore vẫn duy trì mức dưới 90 USD/thùng. Mức giá xăng nhập cao nhất cũng chỉ 89 USD.
Ngày 21/12 sẽ đến kỳ điều chỉnh giá xăng tiếp theo, do đó, với việc giá xăng nhập giảm kỷ lục cùng với tỉ giá hạ nhiệt thì giá xăng trong nước có khả năng giảm lần thứ 4 liên tiếp.
Cập nhật giá xăng dầu thành phẩm tham chiếu theo thị trường Singapore tính đến ngày 16/12 có tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó. Cụ thể, xăng RON 95 tiến 87,42 USD/thùng, xăng E5 RON 92 83,34 USD/thùng, dầu diesel trên 119 USD/thùng, dầu hỏa trên 115 USD/thùng...
Một số dự báo cho thấy, tại kỳ điều chỉnh giá ngày mai (21/12), giá xăng trong nước có thể giảm nhẹ khoảng 400 đồng/lít, dầu có mức giảm thấp hơn hoặc đi ngang. Mức giảm này chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu hay một số chi phí, thuế khác (nếu có).
Tuy nhiên, các dự báo cũng cho rằng, nếu trong hôm nay (20/12) giá dầu thế giới tiếp tục tăng thì khả năng giảm giá xăng dầu trong nước tại kỳ tới rất thấp.