Giá xăng dầu hôm nay 16/12: Điều gì kéo giá dầu suy yếu, 1 yếu tố liên quan đến Nga
Giá xăng dầu hôm nay 16/12: Điều gì kéo giá dầu suy yếu, 1 yếu tố liên quan đến Nga
Nguyễn Phương
Thứ sáu, ngày 16/12/2022 08:40 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 16/12: Sau khi đảo chiều giảm do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, giá dầu nhích nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay với giá dầu Brent “neo” ở mức 81 USD/thùng, dầu WTI tăng nhẹ lên mức 76 USD/thùng.
Đồng USD mạnh hơn cộng với lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sau khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất khiến giá dầu hôm nay có xu hướng đi xuống.
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 16/12 (8h05 theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 76,158 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent ở mức 81,592 USD/thùng.
Trước đó, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 16/12/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 76,25 USD/thùng, tăng 0,14 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 15/12, giá dầu WTI giao tháng 1/2023 đã giảm 1,09 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 81,21 USD/thùng, tăng 0,09 USD/thùng trong phiên nhưng lại giảm 1,63 USD so với cùng thời điểm ngày 15/12.
Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm chủ yếu do đồng USD mạnh hơn.
Quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương như Fed, ECB, BoE… cũng làm dấy lên những lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Lãi suất tăng sẽ làm tăng đáng kể các chi phí sản xuất cũng như tiêu dùng, qua đó sẽ làm chậm, thậm chí kéo tụt đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu được dự báo đã đạt đỉnh nhưng sẽ kéo dài. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023 và có thể kéo sang đầu năm 2024. Điều này cũng là nhân tố khiến giá dầu ngày 16/12 có xu hướng giảm.
Trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu đang được dấy lên nhiều lo ngại thì nguồn cung dầu thô lại khá tích cực. Tình trạng ùn tắc tàu chở dầu ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải quyết. Nga vẫn đang bán một lượng lớn dầu thô cho Ấn Độ giá dưới mức giá trần của EU, G7 đặt ra.
Tập đoàn năng lượng TC Energy Corp cũng vừa phát đi thông tin cho biết đường ống dẫn dầu Keystone sắp được nối lại sau sự cố rò rỉ hơn 14.000 thùng dầu ở vùng Kansas (Mỹ) khiến toàn bộ đường ống phải đóng cửa hôm 7/12.
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 15/12 do đồng USD mạnh lên, trong khi khả năng các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất cũng dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng.
Đồng bạc xanh mạnh hơn thường làm suy yếu nhu cầu dầu, vì diễn biến đó khiến giá “vàng đen” trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Yếu tố chính tác động lên thị trường trong phiên này là việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới, ngay cả khi nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
Giá dầu đang chịu áp lực khi chính sách cứng rắn của Fed đối với chính sách tiền tệ làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Chưa kể, số liệu kinh tế tháng 11 của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với dự kiến càng khiến triển vọng nhu cầu trở nên u ám hơn.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế phần nào bởi các dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm 2023, sau khi giảm 400.000 thùng/ngày trong năm nay.
Lực bán kỹ thuật và sức ép vĩ mô có thể sẽ là yếu tố tiếp tục kéo giá dầu suy yếu.
Cuộc họp của Fed đang cho thấy mức đỉnh lãi suất trong năm sau mà Fed có thể đạt rơi vào khoảng trung bình 5,1%, và đạt mức 4,1% vào năm 2024. Trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư khi Fed có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào khoảng cuối năm sau, các quan chức đều đưa ra quan điểm sẽ chưa cắt giảm lãi suất trong năm 2023.
Kỳ vọng trung bình của các quan chức về tăng trưởng GDP thực tế vào năm 2023 đã giảm xuống 0,5%, từ mức 1,2% được đưa ra trong tháng 9. Các dự báo trung bình là tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 4,6% trong năm tới, so với mức 4,4% trước đó và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE lõi sẽ tăng 3,5% trong năm tới, cao hơn dự báo trung bình tháng 9 là 3,1% và mục tiêu 2% của Fed.
Như vậy, lăng kính nền kinh tế từ Fed sẽ là lạm phát vẫn chưa về mức mục tiêu, tăng trưởng chậm lại, và lãi suất cao sẽ được duy trì trong năm sau. Điều này gây ra rủi ro suy thoái nhẹ, và ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như là dầu thô.
Tuy nhiên, xét về tiềm năng cung cầu trong dài hạn, báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy bức tranh cung cầu trong năm 2022 khá cân bằng, trong khi năm 2023 sẽ chứng kiến sự suy yếu về nguồn cung dầu từ phía Nga và mức phục hồi tích cực trong nhu cầu từ phía Ấn Độ và Trung Quốc có thể khiến cầu vượt cung ở mức trung bình 800.000 thùng/ngày. Do đó, áp lực vĩ mô nêu trên có thể chỉ gây sức ép tạm thời tới giá dầu.
Tại thị trường trong nước, ngày 12/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 12/12.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ hai tháng 12, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu đồng loạt giảm sâu thêm từ 937 - 1.661 đồng/lít từ 15 giờ chiều ngày 12/12.
Trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít; dầu diezen 800 đồng/lít; dầu hỏa và dầu mazut 500 đồng/lít; xăng RON 95 là 400 đồng/lít.
Theo đó, giá xăng dầu bắt đầu áp dụng từ 15 giờ chiều 12/12 đối với xăng E5 RON 92 là 20.346 đồng/lít, giảm 1.333 đồng/lít. Giá xăng RON 95 là 21.000 đồng/lít, giảm 1.504 đồng/lít. Giá dầu diezen là 21.670 đồng/lít, giảm 1.543 đồng/lít. Giá dầu hỏa là 21.901 đồng/lít, giảm 1.661 đồng/lít. Giá dầu mazut là 13.016 đồng/kg, giảm 937 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 16/12 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 20.346 (giảm 1.333 đồng/lít so với giá hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 854 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 21.200 đồng/lít (giảm 1.504 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 21.670 đồng/lít (giảm 1.543 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 21.901 đồng/lít (giảm 1.661 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 13.016 đồng/kg (giảm 937 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Được biết, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 15/12, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Petrolimex - đề cập tới các khó khăn, áp lực của ngành xăng dầu.
"Giá dầu có lúc âm, rồi có lúc vượt lên 150 USD. Có ngày tăng giá 10 USD/thùng", ông Thanh nói và cho biết thị trường diễn biến rất phức tạp, biến động bất thường với biên độ lớn và kéo dài chưa từng có tiền lệ.
Chủ tịch Petrolimex cho biết, chính vì giá dầu cao nên nhóm doanh nghiệp thượng nguồn lãi lớn. Ngược lại, những doanh nghiệpkinh doanh xăng dầu, trong đó có Petrolimex lại rất khó khăn. Nhiều quyết định chính sách nhà nước không theo kịp diễn biến "dị biệt" của thị trường xăng dầu dẫn đến tình trạng không phản ánh đủ giá vốn. "Nhập hàng về đến cảng là đã lỗ rồi", ông Thanh nói.
Cũng chính vì nhiều doanh nghiệp lỗ nên theo ông Thanh, nhiều nơi xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu chịu áp lực kéo về nguồn cung và kinh doanh thua lỗ… dẫn đến thiếu nguồn cung hoặc chủ động tạm dừng bán hàng để giảm lỗ, gây nên tình trạng bức xúc cho người tiêu dùng. "Áp lực dồn về Petrolimex. Petrolimex đã thể hiện vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cung ứng đủ nguồn cung cho thị trường khi nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, TP.HCM thiếu xăng dầu", ông Thanh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.