Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa quyết định hủy gói thầu "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1.
Làm rõ lý do huỷ gói thầu nêu trên, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện ACV cho biết: "Do gói thầu có giá trị lớn, các nhà thầu tham gia trong nước không đủ năng lực kinh nghiệm và tài chính nên không lựa chọn được nhà thầu. Trong khi đó, có 1 nhà thầu nước ngoài đăng ký tham gia, nhưng không nộp hồ sơ tham gia".
"Các nhà thầu tham gia đều là liên danh của các nhà thầu trong nước, không có nhà thầu nước ngoài. Nếu có nhà thầu trong nước thì có thể họ vẫn đáp ứng được, bởi nhà thầu trong nước chưa xây dựng nhà ga bao giờ, trong khi nhà thầu nước ngoài họ thực hiện nhiều rồi", đại diện ACV cho hay.
Đại dện ACV cho hay, trước đây, trong nước chỉ có nhà thầu xây dựng nhà ga 10.000 tỷ đồng, còn đây là gói thầu gấp hơn 3 lần (tức là 35.000 tỷ đồng) nên không đáp ứng điều kiện. Do đó, ACV đành phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin phương án đấu thầu lần 2.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng giám đốc ACV, Trưởng ban dự án sân bay Long Thành cho biết: "Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia và là sân bay đầu tiên do ACV làm chủ đầu tư xây dựng".
"Vốn giai đoạn 1 sân bay Long Thành là 100 triệu khách tức là 16 tỷ USD. Dự tính chi phí đầu tư giai đoạn 1 có khoảng 4,7 tỷ USD, bao gồm các nhóm hạng mục quản lý nhà nước, quản lý bay, của các hãng hàng không,...", ông Bình cho hay.
Theo ông Bình, trong phạm vi 4,7 tỷ USD, có đến 3 tỷ rưỡi là thuộc phạm vi trách nhiệm của ACV. Nói đến chính sách vốn thì ACV có sẵn 1,5 tỷ USD tiền mặt và chỉ phải đi vay thêm 2 tỷ USD. Vấn đề lớn nhất cần đặt ra là lựa chọn đơn vị thi công, đây là điều khiến ACV "đau đầu" nhất vì trong nước chưa có nhà thầu nào thực hiện những dự án lớn tương tự.
Dự án sân bay Long Thành khác hoàn toàn với công trình xây dựng thông thường, đòi hỏi yêu cầu chuyên môn, kiến thức chuyên ngành hàng không. Trong trường hợp giá trị gói thầu lớn, các hạng mục thi công khó, các nhà thầu trong nước không đáp ứng được, đành phải đấu thầu lại hoặc chuyển sang chọn đơn vị nước ngoài.
"Lựa chọn nhà thầu nước ngoài cũng cần phải thận trọng, bởi vì nếu nước ngoài quản lý dự án thì họ sẽ toàn quyền xử lý, bên đầu tư không được phép can thiệp vào những việc của họ", ông Bình cho hay.
Theo ông Bình, do gói thầu 5.10 về "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" có thời gian thực hiện hợp đồng là 990 ngày (33 tháng), bao gồm cả ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Tổng mức đầu tư của gói thầu này là hơn 35.000 tỷ đồng, giá trị lớn nên chưa tìm được nhà thầu đáp ứng.
"Vì vậy, chúng tôi đang phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ để tiến hành đấu thầu lần 2 lựa chọn nhà thầu", ông Bình thông tin.
Theo thông tin báo Dân Việt nhận được, tháng 10/2022, ACV tổ chức hội nghị tiền đấu thầu đã thu hút gần 10 nhà thầu đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam tham dự.
Tuy nhiên, đến thời điểm đóng thầu (ngày 8/11/2022) chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Chính vì vậy, gói thầu sau đó đã được gia hạn thời gian nhận hồ sơ mời thầu đến ngày 23/11/2022. Đến nay, gần 98% diện tích mặt bằng khu vực thi công dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được tỉnh Đồng Nai bàn giao.
Trong đó, khu vực thi công giai đoạn 1 dự án có diện tích 1.810ha, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam diện tích gần 1.771ha, đạt gần 98%. Còn lại khoảng 39ha chưa bàn giao, trong đó khoảng 10ha chưa phê duyệt phương án bồi thường.
Đối với khu vực đất dự trữ diện tích 722ha, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao hơn 644ha mặt bằng, đạt 92%. Như vậy, trong tổng diện tích 2.532ha cần bàn giao cho dự án giai đoạn 1, Đồng Nai đã bàn giao được 2.415ha, đạt hơn 95%.